Biên phòng - Trong bài thơ “Ta đi tới” viết năm 1954, nhà thơ Tố Hữu đã tiên đoán: “Ai vô thành phố Hồ Chí Minh – Rực rỡ tên vàng...” Lúc đó, thành phố vẫn còn có tên là Sài Gòn – Gia Định. Phải sau năm 1975, thống nhất đất nước, thành phố mới đổi tên là thành phố Hồ chí Minh. Có lẽ, trong sâu thẳm tâm thức, ước muốn không chỉ của nhà thơ mà của biết bao người con đất Việt mong muốn thành phố Sài Gòn được mang tên Bác Hồ.
Thành phố mà Người đã ra đi từ bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước. Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Người có một ước ao cháy bỏng là vào thăm đồng bào, đồng chí miền Nam. Trong những ngày ốm nặng, lúc tỉnh dậy, bao giờ Bác cũng hỏi: “Hôm nay miền Nam thắng trận ở nơi nào?”.
Vì thế, sống lại không khí những ngày của chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hình ảnh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” ra trận luôn là điệp khúc quân hành “Thần tốc, thần tốc hơn nữa – Táo bạo, táo bạo hơn nữa” của năm cánh quân như năm cánh sao vàng tiến vào thành phố...
Ở Thủ đô Hà Nội cách xa Sài Gòn hàng nghìn cây số, trong những ngày cả nước náo nức tin mừng chiến thắng đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên không nén được xúc động đã reo lên vỡ òa niềm vui hạnh phúc: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Buổi trưa 30 tháng 4 cách đây 43 năm ấy, nắng Sài Gòn rót mật ong qua các vòm lá cây cổ thụ xanh mướt. Khi chiếc xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, húc đổ chế độ chính quyền Sài Gòn, húc đổ bức thành trì ngăn cách lòng người, ngăn cách giới tuyến để hòa chung một âm vang, một sắc màu rực rỡ cờ hoa.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch mà cà nước dồn hết sức người, sức của cho chiến trường: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn - Mừng thì mừng, thương mẹ biết bao nhiêu” (Hữu Thỉnh). Những người lính trên chiếc xe tăng đầu tiên vào dinh Độc Lập bây giờ mỗi người một nơi, mỗi người một nghề để kiếm sống. Nhưng hội tụ tháng Tư trong họ vẫn là những ký ức của ngày chiến thắng.
"Con voi thép" T54B mang số hiệu 843 đã từ Bắc vào Nam, đi qua bao xóm làng thôn mạc, đã đi dọc đường Trường Sơn qua bao ngầm đá suối. Vẫn còn vọng lại lời Bác Hồ dặn Đại đoàn quân Tiên Phong trên đường về Thủ đô Hà Nội dừng lại ở đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Thưa Bác, chúng con trưa nay đã thực hiện đúng ước nguyện của Người: “Đánh cho Mỹ cút – đánh cho ngụy nhào”.
Chúng con, những người lính đầu đội chiếc mũ tai bèo như một chiếc lá sen, chân đi đôi dép lốp cao su như Bác đã từng đi. Cả thành phố xuống đường trong nắng tháng Tư, trong nắng cờ sao giải phóng. Trên tay mỗi người là những bó hoa tươi sắc nắng, là tấm ảnh Bác Hồ với vầng trán rộng với chòm râu mát với ánh mắt tin yêu và nụ cười rạng rỡ khi mà “Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng – Ba mươi năm đấu tranh dành độc lập tự do – Ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa chiến thắng đã về ta” (Phạm Tuyên).
Hai tiếng Việt Nam – Hồ Chí Minh vang lên không chỉ trong lòng người dân Việt, mà còn vọng vang trên toàn thế giới. Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của lương tâm thời đại. Chiến thắng của chính nghĩa. Dải đất hình chữ S thân thương nằm bên bờ Biển Đông như một con đê trên bán đảo. Cả bốn ngàn năm lịch sự đã hội tụ về đây trong giây phút thiêng liêng này.
Xin được thành kính một phút mặc niệm những người con thân yêu đã ngã xuống. Phút lặng yên này là nốt trầm sâu thẳm vì phải bao mất mát hy sinh chúng ta mới dành được ngày toàn thắng hôm nay. Và những chiếc hoa Loa Kèn thổi vào nắng tháng Tư, những âm thanh trầm hùng da diết. Tháng Tư là tháng có nhiều ký ức khi thành phố mang tên Người rực rỡ cờ hoa...
Tùy bút: Nguyễn Ngọc Phú