Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:36 GMT+7

Thanh lọc môi trường nghệ thuật

Biên phòng - Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm và thảo luận sôi nổi về dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến để hoàn thiện.

Thực tế, không ít lần công chúng phẫn nộ trước hành vi ứng xử lệch chuẩn, không phù hợp của các nghệ sĩ, đặc biệt, nhiều phát ngôn, hành động của nghệ sĩ trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật và bị cơ quan chức năng xử phạt.

Gần đây, dư luận “nổi sóng” về tính minh bạch trong hoạt động kêu gọi từ thiện của các nghệ sĩ Thủy Tiên, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng... Hoặc diễn viên Angela Phương Trinh bị cơ quan chức năng xử lý vì quảng bá sai lệch sự thật về công dụng điều trị Covid-19 của sản phẩm từ địa long (giun đất)...

Vì vậy, bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ được các chuyên gia, nhà quản lý và nhiều nghệ sĩ đánh giá là hết sức cần thiết. Bởi, nghệ sĩ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nhân cách con người. Nghệ sĩ gắn với nghệ thuật, nghệ thuật luôn gắn với chân - thiện - mỹ, những giá trị định hướng sự phát triển văn hóa cho xã hội.

Nghệ thuật hay nghệ sĩ không đơn thuần hướng đến các hoạt động giải trí, mà hướng con người ta đến giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Do vậy, công chúng trông chờ rất nhiều vào những hành vi đúng đắn, suy nghĩ cẩn trọng, chia sẻ có trách nhiệm của nghệ sĩ trong hoạt động nghệ thuật, tương tác trên mạng xã hội và đời thường.

Với mục đích nâng cao trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức của người hoạt động nghệ thuật, ngoài quy tắc ứng xử chung về hành vi, phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, dự thảo đưa ra các quy tắc cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, khán giả, ứng xử trong công tác xã hội, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.

Đặc biệt, bộ quy tắc ứng xử đề nghị các nghệ sĩ phải có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội. Tham gia hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật về quảng cáo. Nghệ sĩ cũng phải trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục khi tham gia hoạt động báo chí, truyền thông và mạng xã hội...

Nhận định, bộ quy tắc dành cho nghệ sĩ sẽ có những tác dụng như một kênh để định hướng hành vi cho nghệ sĩ, nhưng nhiều nhà văn hóa băn khoăn về hiệu lực thực thi vì thiếu các chế tài đủ mạnh để làm trong sạch môi trường hoạt động nghệ thuật.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận, bộ quy tắc là khung ứng xử, không phải quy phạm pháp luật, hoàn toàn không phải là công cụ để “trừng trị” những vi phạm pháp luật của nghệ sĩ. Tuy nhiên, đây là cơ sở để các bộ, ban, ngành xây dựng những quy tắc riêng cũng như ban hành các định chế riêng để áp dụng với thành viên, hội viên trực thuộc.

Các nhà quản lý khẳng định, dù bộ quy tắc không mang tính chế tài nhưng giúp đánh giá hành vi đạo đức ở mỗi người, từ đó xác định uy tín nghề nghiệp và thương hiệu cá nhân, đồng thời giúp hình thành công cụ định hướng cho dư luận xã hội về hành vi của nghệ sĩ.

Rõ ràng, việc xử phạt các hành vi vi phạm đạo đức, nhân cách của người nghệ sĩ phải được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn, song sự trừng phạt bằng cách tẩy chay của công chúng cũng là một biện pháp rất hiệu quả để thanh lọc môi trường nghệ thuật.

Các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật chính là tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp này. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra định hướng đúng đắn, tốt đẹp cho hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO