Biên phòng - Chiều 31-8, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa diện rộng, một số địa phương có mưa rất to gây ngập lụt, sụt, lở ta- luy, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng lưu thông trên các tuyến đường bộ.

Quốc lộ 15 bị ngập tại xã Ngọc Liên, thị trấn huyện Ngọc Lặc, thị trấn huyện Lang Chánh; sạt lở ta-luy dương tại 10 điểm trên Quốc lộ 15C lên huyện Mường Lát nhưng đã thông xe. Ta-luy dương bên Quốc lộ 16 bị sạt lở, sa bồi 16 nghìn m3 tại 15 điểm; sạt lở ta-luy âm tại ba vị trí gây nứt, lún dọc mặt đường nhựa, gãy tường chắn bằng bê-tông, hỏng cống tròn, trong đó sạt đứt nửa đường dài 10m, sâu 10m tại Km144+350. Tuyến Quốc lộ 217 bị sạt ta-luy dương, sa bồi rãnh dọc 4.500m3; sạt ta-luy âm tại xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn làm lún, nứt 25m mặt đường. Lề Quốc lộ 217B bị xói trôi cục bộ, sa bồi mặt đường khoảng 1.000m3; cây hai bên đường gãy, đổ cản trở lưu thông nên đơn vị quản lý đã phát thu gom, phát quang thông tuyến.
Dù vậy, đến hơn 16 giờ ngày 31-8, vẫn còn điểm ngập gây tắc Quốc 217B tại tràn Bai Mường, thuộc xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành. Quốc lộ 47 cũng bị nước ngập gây tắc đường tại thị trấn Lam Sơn huyện Thọ Xuân và hai điểm ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân nhưng đã thông xe. Quốc lộ 47C bị sạt lở 20m ta-luy âm tại hai vị trí.
Ngoài ra, trên 12 tuyến đường tỉnh cũng bị sụt, lở ta-luy, xói trôi lề đường, sa bồi mặt đường, rãnh dọc, hư hỏng cống trên tuyến, ngập nước cục bộ. Đường tỉnh 519B còn tắc đường ở xã Luận Thành, huyện Thường Xuân và Đường tỉnh 518 tắc đường do ngập nước ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định.
Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đã chủ động triển khai các biện pháp khắc phục, đáp ứng yêu cầu lưu thông thông suốt, an toàn. Riêng những điểm hư hỏng lớn, tiềm ẩn mất an toàn giao thông cần bố trí kinh phí kịp thời và có thêm thời gian khắc phục như xây dựng kè xử lý ta-luy âm, sửa chữa hoàn trả hư hỏng mặt đường, rãnh dọc, thay thế cống...
Từ ngày 29 đến 13 giờ ngày 31-8 trên địa bàn Thanh Hóa có tổng lượng mưa phổ biến từ 150-280 mm. Hiện 465 hồ chứa đã đầy nước, 145 hồ chứa có mực nước thấp hơn thiết kế từ 1m trở lên. Dù vậy, hồ Nhiêu Mua ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc có dung tích 140 nghìn m3 bị lồng mang bên hữu tràn; hồ Đồng Pheo, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc có dung tích 100 nghìn m3 bị nước tràn qua đỉnh đập và vỡ khoảng 8m vai hữu tràn xả lũ.
Toàn tỉnh có 335 nhà dân, 15 phòng học bị ngập; hơn 8.000 ha lúa bị đổ, ngập nước. Cùng với việc khẩn trương khắc phục sự cố phát sinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa chỉ đạo các Công ty khai thác công trình thủy lợi và UBND các huyện mở 18 cống tiêu nước ra sông; vận hành 28 trạm bơm chống ngập úng cây trồng, thoát nước cho các khu dân cư.
Theo dự báo, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những ngày tới tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét cục bộ trên sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi.
Hiện chính quyền các huyện miền núi Thường Xuân, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Mường Lát, Quan Sơn, Thạch Thành, Quan Hóa đã túc trực lực lượng ở các khu vực trọng điểm, để sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Tính đến sáng ngày 31-8, mưa bão trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã làm 4 nhà bị sập hoàn toàn, 103 nhà bị tốc mái, gần 300 nhà bị ngập nước, 4 điểm trường bị ảnh hưởng, 4.520 ha lúa bị đổ, ngập, hàng nghìn gia cầm bị chết; nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng.
Trước nguy cơ sạt lở đất, UBND huyện Quan Sơn đã huy động lực lượng tổ chức di dời 20 hộ dân tới nơi an toàn. Địa phương chỉ đạo trực 100% quân số để sẵn sàng hỗ trợ nhân dân và ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Nước trên các sông, suối đang dâng cao, các địa phương nhanh chóng rà soát trên toàn địa bàn các điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, lập phương án di dời dân khi cần thiết.
Một số huyện miền núi khác như Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Xuân… cũng đã triển khai các phương án ứng phó với diễn biến mưa lũ, tiến hành việc rà soát, sẵn sàng di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Hiện lũ trên sông Chu, sông Yên đã đạt đỉnh, sông Mã, sông Bưởi, sông Cầu Chày nước đang lên chậm. Mực nước đỉnh lũ trên sông Chu tại Bái Thượng: 15.35m, trên BĐ1 (BĐ1 =15.00m) là 0.35m, trên sông Yên tại Chuối: 1.82m, dưới mức BĐ1 (BĐ1 =2.00) là 0.18m.
Trong các ngày tới, do ảnh hưởng của bão mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới đang di chuyển vào Biển Đông, ở Thanh Hóa tiếp tục có mưa, mưa rào, mưa to và dông, đề phòng có mưa rất to đến đặc biệt to. Nước trên các sông, suối lên rất nhanh, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở các huyện miền núi và ngập lụt khu vực vùng trũng thấp.
Ban chỉ huy phòng chống bão lụt đã chỉ đạo các địa phương, nhất là thuộc địa bàn ven sông, suối trực 24/24 giờ, theo dõi tình hình mưa lũ, sẵn sàng phương án di dời dân khi cần thiết.
PV (tổng hợp)