Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 11:45 GMT+7

Thành công của một chương trình, 2 mục tiêu

Biên phòng - Thực hiện chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam với Bộ Tư lệnh BĐBP về “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, hải đảo” giai đoạn 2017-2020, với tình cảm và trách nhiệm trong công tác hậu phương quân đội, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP đã phát động Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 – 2020. Đây là một trong những nội dung nổi bật của quá trình gần 30 năm phối hợp hoạt động giữa 2 lực lượng, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh.

7s1w_11a
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nam Định và phụ nữ địa phương cùng gói bánh chưng chuẩn bị Tết cổ truyền của dân tộc. Ảnh: Hữu Hệ

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã phát biểu trong Hội nghị tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, tháng 12-2018: “Mỗi phụ nữ ở vùng biên giới giống như một cột mốc sống ở biên cương”. Họ chính là những người gắn bó với bản làng, xây dựng địa bàn ổn định chính trị, phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc biên cương. Vậy mới nói, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” chính là một chương trình, 2 mục tiêu, vừa bảo vệ biên giới, vừa tri ân những thế hệ phụ nữ cả đời sinh cơ lập nghiệp gắn với cương thổ quốc gia.

Có thể nói, sự phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Hội LHPN Việt Nam không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm được tiếp nối từ truyền thống gắn bó quân dân, từ những kết quả kết hợp qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước. Mặc dù mới thực hiện từ tháng 3-2018, nhưng chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã có hiệu ứng tốt, lan tỏa rộng, thu hút sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, tổ chức, doanh nghiệp và phụ nữ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, đã có 110 xã biên giới khó khăn được các đơn vị đồng hành, huy động trên 37 tỉ đồng cho các hoạt động phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho bà con và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Hội ở vùng biên cương.

Chương trình đã xây dựng gần 9 ngàn tổ, câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, giúp 1.200 gia đình phụ nữ thoát nghèo, trao tặng bò giống trị giá 600 triệu đồng, hỗ trợ 14 công trình phụ trợ tại các xã biên giới, trị giá 100 triệu đồng. Các tầng lớp nhân dân hướng về biên giới đã nhắn tin ủng hộ 50 ngàn tin nhắn, quy đổi 1 tỉ đồng. Một số tỉnh, thành triển khai nhanh, hiệu quả, giai đoạn đầu của chương trình đã tạo được cú hích mạnh, huy động được các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ.

Tại Quảng Ninh, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" nhận được sự tham gia tích cực của nhiều đơn vị, tổ chức như: Hội Liên hiệp Phụ nữ các địa phương trong cả nước, Sở Y tế Quảng Ninh, Hiệp hội doanh nhân nữ Quảng Ninh. Hiệu quả thấy rõ là chương trình đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên giới. Chương trình đã xây dựng được 2 tủ sách pháp luật, tặng 100 áo ấm, 100 suất quà cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 10 xe đạp, 30 suất quà cho các cháu học sinh, 8 nhà an toàn, 24 nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, 6 mô hình kinh tế, có 55 học sinh được hỗ trợ học tập. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tổng trị giá kinh phí hỗ trợ và quà tặng tính đến nay là hơn 360 triệu đồng.

Qua gần 8 tháng thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đã có 25 hội viên phụ nữ ở 4 xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk được hỗ trợ vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số vốn hơn 585 triệu đồng. Không chỉ thực hiện chương trình theo kế hoạch, ở một số địa phương đã tích cực chủ động phối hợp với BĐBP phản ứng nhanh, kịp thời khi địa bàn xảy ra thiên tai, địch họa. Điển hình như xã Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La) chịu nhiều thiệt hại nặng nề sau đợt mưa lũ tháng 9-2018 vừa qua, chương trình đã huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa, tặng 100 suất quà gồm: Công cụ sản xuất, chăn ấm, mỗi hộ 10kg gạo cho 100 gia đình phụ nữ thuộc hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. Một số gia đình các hội viên phụ nữ bị cuốn trôi nhà cửa, tài sản cũng được hỗ trợ thêm. Tổng trị giá các phần quà lên tới 137 triệu đồng.

Điều cơ bản nhất là với truyền thống đùm bọc, thương quý nhau, BĐBP đóng quân trên các địa bàn biên giới dù trước kia chưa triển khai hay đã bước vào Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” thì cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn sát cánh cùng phụ nữ nghèo khó, tần tảo. Từ những mô hình thoát nghèo bền vững của BĐBP, cũng ưu tiên dành cho phụ nữ các phần vốn vay tín chấp, cho vay con giống để chị em phát triển kinh tế hộ gia đình, trên cơ sở đó phát triển kinh tế địa phương. Ngược lại, phụ nữ với các Câu lạc bộ mẹ chiến sĩ, kết nghĩa, đỡ đầu, phía sau chăm lo cho phía trước, phụ nữ chăm sóc hậu phương, mái ấm tình thương, học bổng cho con em chiến sĩ... đã xây dựng một dây neo tình cảm vững chãi, ấm áp trong lòng những người lính.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO