Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:59 GMT+7

Tháng Tư - hương lúa Rục Làn

Biên phòng - “Còn khoảng 3 ngày nữa là bản sẽ thu hoạch lúa ở cánh đồng Rục Làn. Vụ Đông Xuân năm nay được mùa lại ít bị sâu bệnh phá hoại nên chắc phải đạt hơn 2,5 tạ/sào đấy. Gặt trong 2 ngày sẽ xong, nắng to như ri phơi khoảng 3 ngày là lúa sẽ khô và cất được vào thùng. Xong mọi công việc, bản Mò O ỒỒ lại tổ chức lễ vui lúa mới, sau đó là làm đất, ủ giống để tiếp tục sản xuất vụ Hè Thu. Mời anh ở lại vui lễ lúa mới với dân bản rồi hãy về xuôi” - Anh Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O ỒỒ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình hồ hởi nói với tôi, khi anh cùng cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cà Xèng đi thăm ruộng lúa để về thông báo cho bà con ngày xuống đồng thu hoạch lúa.

n9v4_12a
Người dân vui mừng gặt lúa trên cánh đồng no ấm. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Lúa Rục Làn trong sắc nắng tháng tư

Cả tuần nay, ngày nào Trưởng bản Mò O ỒỒ Cao Xuân Long cũng có mặt ở cánh đồng lúa Rục Làn để cùng cán bộ trong “Tổ kỹ thuật” của Đồn Biên phòng Cà Xèng kiểm tra sự chuyển màu của hạt lúa để xác định ngày thu hoạch. Ban ngày đi thăm ruộng, tối đến, Trưởng bản Cao Xuân Long lại đến từng nhà để thông báo tình hình và kiểm tra công tác chuẩn bị thu hoạch lúa của bà con.

Rồi một ngày cuối tháng 4, khi con gà trong chuồng cất tiếng gáy đầu tiên trong ngày, bà Hồ Thị Páy đã thức dậy nấu cơm và chuẩn bị mọi thứ cần thiết để cùng bà con trong bản ra đồng mang cái lúa về nhà. Bà Páy vui vì vụ mùa này, bà tham gia nhiều ngày công, chắc chắn sẽ được chia nhiều lúa. Rồi bà nhớ lại, khi chồng bị bệnh nặng qua đời, nhà không có ai đủ sức khỏe để lên núi cao phát rẫy, gia đình bà rơi vào cảnh túng thiếu.

Chưa đến ngày giáp hạt, nhiều gia đình trong bản Mò O ỒỒ này, trong đó có gia đình bà phải trông chờ vào gạo cứu đói của Nhà nước. Nhưng, kể từ khi có ruộng lúa nước Rục Làn đến nay, đã 9 năm, cả bản Mò O ỒỒ không nhà nào bị đói, bị thiếu gạo trong những ngày mưa rét hay lũ lụt. Mấy đứa con của bà không phải nhịn đói hoặc ăn khoai, sắn, củ mài để đến lớp, cũng không phải nghỉ học ở nhà lên núi phát rẫy trỉa ngô, trỉa lúa. Với bà, cuộc sống được như ngày hôm nay là mãn nguyện lắm rồi.

Trời chưa sáng rõ mặt người, cả cánh đồng Rục Làn đã rộn rã tiếng cười, nói của bà con dân bản và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng trong ngày đầu tiên thu hoạch lúa. Vụ này còn có thêm các chị ở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa tới giúp sức nên thời gian gặt lúa sẽ ngắn hơn những vụ khác. Ông Đinh Xuân Sơn, người cao tuổi của bản hồ hởi khoe với tôi ngay tại ruộng lúa đang gặt dở: “Lúa vụ ni được mùa bông mô cũng trĩu hạt nên bà con mừng lắm. Trước đây, bà con phải lên rừng phát nương làm rẫy, phá rừng, nhưng giờ có cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng chỉ cách làm đất, gieo hạt lúa, nên bà con có thóc lúa và không phát rừng như xưa nữa”. Lúa gặt xong, bà con vận chuyển lên bờ và được các chiến sĩ Biên phòng sử dụng máy để tuốt rồi đóng vào từng bao, sau đó tùy theo ngày công của từng gia đình để chia sản phẩm. 

Với sản lượng đạt gần 5 tấn/ha, vượt cả ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, sau 9 năm đi vào hoạt động, dự án “Ruộng lúa nước Rục Làn” đã đem lại niềm tin no ấm cho bà con đồng bào Rục ở miền biên viễn núi non trùng điệp.

Dấu ấn những người lính Biên phòng 

Thật khó hình dung, một vùng đất hoang vu, khô cằn dưới chân dãy núi đá vôi, mùa hè có khi nhiệt độ lên tới 440C, xa và khan hiếm nguồn nước, giờ đây đã trở thành một cánh đồng lúa nước kiểu mẫu. Và trên cánh đồng Rục Làn này luôn in đậm dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng và những người lính BĐBP Quảng Bình. 

Tháng 2-2010, công trường Rục Làn chính thức được khởi động và để có cánh đồng gặt hái mùa vàng trên dải Trường Sơn hôm nay là sự tập trung trí tuệ tập thể, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của các cấp, từ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình, Đồn Biên phòng Cà Xèng, cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng bao công sức của cán bộ, chiến sĩ chống chọi với thời tiết, khí hậu để hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ: Phát quang thực bì, rà phá bom mìn, san ủi mặt bằng, cải tạo làm ruộng, đào bới đá ngầm, mảnh bom đạn, sắt thép sót lại sau chiến tranh; ngăn đập làm mương. 

dtu9_12b
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng tuốt lúa giúp dân ngay sau khi gặt xong. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Khó khăn, gian khổ là thế, song ông trời vẫn luôn thử sức bền bỉ của người chiến sĩ Biên phòng. Quá trình thi công xảy ra trận lũ lụt lịch sử tháng 10-2010, tại địa bàn huyện Minh Hóa làm xói lở, gây thiệt hại lớn về công trình đang thi công. Có người cho rằng dự án khó thành công, làm ra ruộng đã khó khăn, khi làm lúa thời tiết thất thường, sâu bệnh phá hoại, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, hiệu quả...

Nhưng với niềm tin và nghị lực của người lính, công trình đã hoàn thành 100% các hạng mục gồm: Đập ngăn bằng bê tông dài 12,75m, cao 1,77m, bề mặt đập 1m; đường ống dẫn nước 1.932,2m; kênh dẫn nước nội đồng dài 979,9m kết cấu bằng bê tông; đường công vụ đến các thửa ruộng; san lấp mặt bằng khai hoang diện tích ruộng gần 10ha; làm hàng rào chắn bằng dây thép gai bảo vệ khu ruộng, ngăn gia súc phá hoại, tổng chiều dài 2.400m với tổng số gần 2.000 ngày công. Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đầu tư kinh phí mua máy cày, máy phay lồng, dụng cụ sản xuất, phân bón, thuốc trừ sâu gần 200 triệu đồng... 

Sau khi ruộng lúa nước đi vào sản xuất, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã tổ chức bà con theo mô hình hợp tác xã. Theo đó, đồn thành lập 11 tổ sản xuất gồm 115 hộ/368 người trong độ tuổi lao động, phân công cán bộ Vận động quần chúng phụ trách các tổ sản xuất; tổ chức lao động tập trung, chấm công lao động, huy động sức kéo bằng máy, trâu bò. Vụ Đông Xuân năm 2011 là vụ lúa đầu tiên thu hoạch đạt năng suất gần 40 tạ/ha.

Gắn bó với cánh đồng Rục Làn từ những ngày mới “khai thiên, lập địa”, Trung tá Phạm Bá Tuyên, cán bộ Đội Vận động quần chúng tâm sự: “10ha ruộng lúa nước đối với vùng xuôi chưa phải là lớn, nhưng ở vùng cao Thượng Hóa là cả một “kỳ tích”, bởi đây là vùng núi đá vôi mà nhiều người khẳng định, thổ nhưỡng vùng này không thể trồng được lúa nước. Nhưng chúng tôi đã chứng minh bằng thực tế, nơi đây không những trồng được lúa nước, mà còn sản xuất được 2 vụ lúa ăn chắc trong năm. Mặt khác, cánh đồng Rục Làn đã tạo một bước phát triển mới cho đời sống đồng bào Rục”.  

Mỗi ô ruộng, mỗi đường cày nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng. Chính các anh đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và lực lượng BĐBP.

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO