Biên phòng - Việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA ) cho thấy, những phát ngôn đổi trắng thay đen, bôi nhọ sự thật trắng trợn về Việt Nam không những không thể làm thay đổi được hình ảnh, vị thế, giá trị của Việt Nam, mà còn làm tăng thêm cách nhìn nhận thiện cảm, đúng đắn của quốc tế về Việt Nam trên trường quốc tế...

Sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động
Trước khi hai hiệp định EVFTA, EVIPA được phê chuẩn, các thế lực thù địch, chống phá Việt Nam đã cố tình phá hoại, thực hiện nhiều chiêu trò chống phá, ngăn cản, “chọc gậy bánh xe” để trì hoãn thời gian ký hoặc không ký. Chỉ vài ngày trước khi hiệp định được bỏ phiếu thông qua, lực lượng phản động trong nước và nước ngoài, thông qua một số tổ chức phi chính phủ đã cố tình gây sức ép đòi các nghị sĩ châu Âu hoãn phê chuẩn hai hiệp định này, lấy lý do là tình trạng nhân quyền và quyền lao động tại Việt Nam vẫn còn “đáng lo ngại”. Bên cạnh đó, một số nghị sĩ thiếu khách quan tại Nghị viện châu Âu nghe thông tin một chiều do một số đối tượng chống đối, phản động xuyên tạc, cố tình đánh tráo bản chất của vụ việc, vu cáo rằng chính quyền cướp đất nông nghiệp của dân, công an bắt người trái pháp luật, vi phạm nhân quyền, từ đó cũng kêu gọi Nghị viện châu Âu không phê chuẩn EVFTA...
Sau khi hiệp định được thông qua, bên cạnh sự vui mừng, háo hức, đánh giá cao từ doanh nghiệp và người dân Việt Nam và EU, cũng như dư luận quốc tế nói chung thì các thế lực thù địch, chống phá Việt Nam lại tỏ ra hậm hực, cố tình xuyên tạc với mục đích xấu. Chúng rêu rao rằng, việc ký hiệp định cũng như gia nhập WTO, Việt Nam “mất nhiều hơn được”; rằng tình trạng nhân quyền và lao động của Việt Nam rất tồi tệ. Tuy vậy, dẫu chúng có la lối, tuyên truyền chống phá, nói xấu và kích động dư luận đến mấy thì cũng không phủ nhận được việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA cho thấy, những phát ngôn đổi trắng thay đen, bôi nhọ sự thật trắng trợn về Việt Nam không những không thể làm thay đổi được hình ảnh, vị thế, giá trị của Việt Nam, mà còn làm cho sự nhìn nhận thiện cảm, đúng đắn của quốc tế về Việt Nam càng tăng trên trường quốc tế.
Những thành tựu của Việt Nam
Bên cạnh thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhiều năm qua, Việt Nam còn nỗ lực phấn đấu bảo đảm nền dân chủ, nhân quyền, chăm lo cho người lao động ngày càng tốt hơn. Kể từ khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) ngày 24-9-1982, Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo vệ và phát huy quyền con người. Các báo cáo quốc gia năm 2017 và 2018 về thực thi Công ước ICCPR cho thấy, Việt Nam đã có những bước phát triển nổi bật và nhanh chóng trên tất cả lĩnh vực của đời sống, xã hội. Đặc biệt trong việc bảo vệ, thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị.
Những năm gần đây, Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, nhất là trên các lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiện toàn hệ thống pháp luật về quyền con người, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và hội nhập quốc tế. Tất cả các nỗ lực cải cách của Việt Nam diễn ra trong hòa bình, với sự ủng hộ, đồng thuận đông đảo của người dân. Qua đó, góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Việc tăng trưởng kinh tế được duy trì liên tục từ 6-7%/năm đã giúp tạo thêm hàng triệu việc làm cho người dân, duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh từ 9,9% năm 2015 xuống 5,23% năm 2018. Đời sống vật chất và tinh thần của hơn 96 triệu người dân Việt Nam, trong đó có người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã thay đổi nhanh chóng, ấm no và hạnh phúc hơn.
Việt Nam đã và đang tham gia tích cực và có những sáng kiến được ghi nhận tại các cơ chế liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc (LHQ), đón nhiều chuyên gia theo cơ chế các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ; gia nhập thêm hai công ước nhân quyền cơ bản là Công ước chống tra tấn (CAT) và Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD). Năm 2019, Việt Nam lần thứ 3 đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Phật đản LHQ Vesak, là bằng chứng sinh động khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Với việc trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đang góp phần tích cực cho hòa bình và an ninh quốc tế, trong đó có việc thúc đẩy nhân quyền.
Thành công của EVFTA đối với Việt Nam và EU
Giới quan sát cho rằng, Hiệp định EVFTA là thỏa thuận chất lượng, toàn diện và hiện đại nhất mà châu Âu từng ký với một nước đang phát triển. Hiện nay, trong bối cảnh căng thẳng thương mại quốc tế có chiều hướng gia tăng, cộng hưởng với sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, đe dọa sự phát triển ổn định của kinh tế thế giới và các khu vực, việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định EVFTA hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Ở góc độ phát triển kinh tế, Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng. Sau sự kiện Brexit, EU rất cần những cú hích mới về thị trường. Với việc ký kết EVFTA, EU sẽ có cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam, từ đó làm cửa ngõ để tiến sâu vào thị trường ASEAN.
Ở góc độ chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và bản thân nội bộ EU gặp nhiều khó khăn thì Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn, có lợi cho cả đôi bên. Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có FTA với EU lại đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Hiệp định EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU-ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với EU trong tương lai. Hơn nữa, Hiệp định EVFTA không chỉ giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó mà còn củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Như thế, có thể thấy việc ký kết EVFTA là một nhu cầu thiết thực của cả EU và Việt Nam, do đó, mọi nỗ lực trì hoãn hay hủy hoại hiệp định là vô lý và rõ ràng đã thất bại. Sau cuộc bỏ phiếu ngày 12-2, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange tuyên bố: “Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia. Đây là lý do vì sao Nghị viện châu Âu bỏ phiếu tán thành thỏa thuận thương mại với Việt Nam”.
Ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Điều đó đã không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, mà còn mở cánh cửa để Việt Nam tham gia sân chơi toàn cầu. Việt Nam hiện đã ký kết và đang đàm phán 17 hiệp định FTA song phương và đa phương; trong đó, 12 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Theo đó, Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới. Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hằng năm của nền kinh tế Việt Nam. Đó là thắng lợi của vị thế, giá trị Việt Nam trên chính trường quốc tế.
Lê Quý Hoàng