Biên phòng - Trong những ngày này, công tác chuẩn bị cho Chương trình “Tháng Ba biên giới” đang được các địa phương, đơn vị gấp rút triển khai nhằm mang đến nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa dành cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, hải đảo. Chương trình là hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 64 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2023), 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2023) và 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023).
“Biên cương Tổ quốc tôi”
Đó là chủ đề của Chương trình “Tháng Ba biên giới” năm 2023 với chuỗi hoạt động được kéo dài trong suốt tháng 3/2023 tại địa bàn các xã biên giới trên cả nước, đặc biệt là các xã khó khăn. Chương trình nhằm tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, thanh niên về truyền thống vẻ vang của Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam và các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa đoàn viên, hội viên, thanh niên với cán bộ, chiến sĩ BĐBP và nhân dân tại các vùng biên giới, hải đảo.
Ngoài chương trình cấp Trung ương được tổ chức tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Trị và Kiên Giang, Trung ương Hội LHTN Việt Nam chỉ đạo Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố biên giới phối hợp với các đơn vị BĐBP tổ chức ra quân đồng loạt chương trình vào ngày 3/3/2023. Đồng thời, các tỉnh, thành phố khác cũng phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng đồng loạt vào cùng thời gian này.
Theo Trung ương Hội LHTN Việt Nam, chương trình tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, thanh niên trong thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới, đặc biệt là tuyên truyền sâu rộng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam...; lan tỏa các tấm gương có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ biên giới và phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn biên giới.
Cùng với đó, tổ chức đợt sinh hoạt cao điểm để tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên, thanh niên về lịch sử của hệ thống đường biên, cột mốc, các di tích lịch sử cách mạng ở khu vực biên giới; những chiến công, thành tích của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ biên giới…
Chương trình còn là ngày hội quân - dân trên biên giới với các hoạt động kết nghĩa, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giữa đoàn viên, hội viên, thanh niên với cán bộ, chiến sĩ BĐBP và nhân dân ở khu vực biên giới; triển khai các hoạt động thăm, tặng quà cựu thanh niên xung phong, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình liệt sĩ có công trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới; gặp gỡ, tri ân các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín và đồng bào các dân tộc có đóng góp tích cực trong sự nghiệp bảo vệ biên giới; chăm sóc, giúp đỡ các gia đình, thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi biên giới, hải đảo.
Triển khai đồng loạt Chương trình “Tháng Ba biên giới”
Năm 2023, Chương trình “Tháng Ba biên giới” cấp Trung ương được tổ chức tại 3 tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Trị và Kiên Giang vào ngày 3/3/2023, với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Lễ chào cờ “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; tặng quà các nạn nhân nhiễm chất độc Dioxin; tặng cờ Tổ quốc cho người dân trên địa bàn các xã giáp biên; tặng quà, học bổng, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng công trình “Trường đẹp cho em”, “Nhà vệ sinh cho em”, khu vui chơi cho thiếu nhi; khởi công “Ngôi nhà hạnh phúc” cho học sinh dân tộc thiểu số mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, tại 3 tỉnh nói trên còn diễn ra các hoạt động như: Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân trên địa bàn; thăm, tặng quà, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ tại các đồn Biên phòng; giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi”; hỗ trợ kinh phí xây dựng đường tuần tra biên giới; tặng túi quà an sinh cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức “Tiết học biên giới”; khánh thành công trình “Thắp sáng đường biên”, “Giếng khoan nước cộng đồng”; hỗ trợ kinh phí xây dựng “Nhà đồng đội”…
Trong khuôn khổ hoạt động của chương trình, các tổ chức Đoàn, Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố còn phối hợp với các đơn vị BĐBP tổ chức Hành trình “Biên cương Tổ quốc tôi” đến với cột mốc biên giới để đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi tìm hiểu về chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, chức năng, nhiệm vụ của BĐBP; tổ chức kết nạp Đảng cho đoàn viên ưu tú và kết nạp đoàn viên, hội viên ngay tại khu vực cột mốc, địa danh truyền thống, lịch sử ở khu vực biên giới.
Đặc biệt, trong dịp này, nhiều hoạt động an sinh xã hội sẽ được tổ chức nhằm chăm lo cho đồng bào nghèo, thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo đang sinh sống tại các địa bàn khó khăn thuộc các xã biên giới, hải đảo; đẩy mạnh mô hình các cơ sở Đoàn, Hội LHTN Việt Nam hỗ trợ, đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách neo đơn; phát huy vai trò của thanh niên trong tuyên truyền cho người dân ở khu vực biên giới về bình đẳng giới, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình; hỗ trợ các hợp tác xã, các mô hình khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn biên giới.
Thùy Chi