Biên phòng - Có lẽ bất kỳ ai từng đặt chân đến con đường 20 Quyết Thắng, trong lòng đều không khỏi dâng trào cảm xúc, bởi đây chính là con đường huyền thoại, một huyết mạch giao thông góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại, giành độc lập, tự do, thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.
Tháng 7 là dịp tri ân, kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) (15/7/1950 - 15/7/2021) và 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021). Đối với con đường 20 Quyết Thắng, cả 2 ngày kỷ niệm trên đều mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Đường 20 Quyết Thắng bắt đầu từ km 00, thuộc thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Con đường uốn lượn theo dòng sông Son đến ngã ba Lùm Bùm, thuộc huyện Ăng Khăm, tỉnh Khăm Muộn (Lào) rồi thông với đường 9, có chiều dài 125km, là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Tuyến đường được khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt, bị địch đánh phá suốt ngày đêm. Theo thống kê, đã có hơn 8.000 chiến sĩ, cán bộ, công nhân kỹ thuật thuộc Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung đoàn 10 và Trung đoàn 41 Bộ đội Công binh (Binh đoàn 559) cùng với công trường 20 của Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị TNXP các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, với 519.280 ngày công, đào đắp 915.913m3 đất đá, bắc cầu qua khe, qua suối để mở xong tuyến đường chiến lược này. Lúc 17 giờ 30 phút, ngày 30 Tết Bính Ngọ (tức ngày 21-1-1966), Quân ủy Trung ương phát lệnh khởi công tuyến đường huyết mạch này để nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh và chính thức khai thông vào ngày 14-4-1966 để cho hàng ngàn đoàn xe cơ giới vận chuyển sức người, sức của chi viện cho chiến trường.
Nắm bắt được vị trí chiến lược hết sức quan trọng của tuyến đường, giặc Mỹ vội vàng tập trung đánh phá. Chúng huy động các loại máy bay không kích và cường kích tối tân nhất hiện có, trong đó có máy bay B52 ném bom rải thảm lên toàn bộ khu vực, trong đó có các trọng điểm cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích, Trạ Ang, Cà Roòng, km 12, km 16, dốc Ba Thang... có thời điểm bị đánh phá liên tục suốt 87 ngày đêm. Suốt từ năm 1966 - 1973, đường 20 Quyết Thắng đã bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Số lượng bom đạn ném xuống con đường này nhiều không kể xiết. Có thể nói, mỗi cm chiều dài của cung đường này từng chịu đựng hàng trăm quả bom, đạn pháo, rốc két các loại của giặc Mỹ ném xuống trong cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta. Máu, mồ hôi và nước mắt của bao người lính, TNXP, cùng các lực lượng công nhân, dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến và nhân dân ta đã nhuộm đỏ từng tấc đất trên con đường để viết nên khúc tráng ca bất tử trong dòng chảy lịch sử bất tận của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 14-11-1972, trong khi 8 TNXP đang thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom, chuẩn bị thông xe thì máy bay Mỹ ập đến đánh phá. Còi báo động vang lên, 8 TNXP gồm Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương, Nguyễn Văn Huệ, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Mậu Kỷ, Nguyễn Văn Phương, cùng quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, đã chạy vào ẩn nấp trong một hang đá lớn tại km 16+200. Hôm đó, máy bay B52 rải thảm xuống khu vực này 3 đợt liên tục với 180 quả bom. Chỉ trong mấy phút, cả một vùng núi rừng rộng lớn bị bom đạn nhấn chìm, vùi lấp trong đất đá, khói lửa, đoạn đường 20 bị phá nát, cắt đoạn.
Tiếng bom tạm lắng, các tổ TNXP liền lao ra mặt đường để lấp hố bom, nhưng họ hoảng hốt khi thấy một tảng đá lớn lấp kín cửa hang nơi có 8 TNXP đang ẩn nấp. Họ chỉ nghe văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội từ sau tảng đá vọng ra. Chỉ huy đội TNXP đã tìm mọi biện pháp để cứu đồng đội, nhưng sức người vô cùng nhỏ bé, họ đành bất lực... Song sự hy sinh của 8 TNXP đã gây chấn động toàn mặt trận, làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho cán bộ, đội viên TNXP, biến đau thương thành hành động cách mạng để vượt qua mưa bom, bão đạn, thông tuyến con đường với tinh thần “Quyết tử cho con đường bất tử”. Sau này, người dân địa phương đặt cho hang này tên gọi là “hang Tám cô”.
Cách “hang Tám cô” khoảng 2 km là “hang Y tá”, gắn với câu chuyện về sự hy sinh cao đẹp của nữ y tá Nguyễn Thị Sặng, quê ở Phú Thọ. Cũng vào một ngày của tháng 11-1972, y tá Sặng theo đoàn làm nhiệm vụ chăm sóc và chuyển tải thương binh ra Bắc điều trị, khi đoàn nghỉ chân ở km 18 đường 20 thì chị Sặng bị sốt rất cao. Biết mình không qua khỏi, để không gây cản trở đoàn hành quân, chị đã tự nguyện nằm lại và lặng lẽ hy sinh trên cánh võng cá nhân ngay cạnh hang đá bên tuyến đường 20. Ba ngày sau, thi thể chị Sặng được các chiến sĩ khôi phục cầu đường phát hiện và mai táng bên cạnh hang đá.
Ngày nay, đường 20 Quyết Thắng giờ đã được nâng cấp rải nhựa, cửa khẩu Cà Roòng - Nọong Ma được mở ra, tạo điều kiện làm ăn, thông thương cho người dân 2 bên biên giới. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình đang cùng với các cơ quan, ban, ngành có liên quan thực hiện tốt công tác vận động tộc người Ma Coong tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, tích cực sản xuất, phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo.
Chiến tranh qua đi, trên con đường 20 Quyết Thắng lửa đạn ngày nào, giờ đây, rừng núi đã phủ một màu xanh bạt ngàn cũng như cuộc sống của cộng đồng người Ma Coong đang đổi thay từng ngày.
Nguyễn Thành Phú