Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 01:50 GMT+7

Thần tượng Bolero mang quân hàm xanh

Biên phòng - Ca sĩ Nguyễn Thị Thủy che miệng cười khúc khích khi nhắc lại câu nói “đặc sệt” tiếng Quảng Bình và cũng là điều mà người cha mình ước ao: “Ba thích mi trợ thành ca sị” (ba thích con trở thành ca sĩ). Thủy từng đăng quang Thần tượng Bolero năm 2017 và cô vẫn luôn giữ phong cách giản dị, vì xuất thân trong một gia đình nông dân “gốc rạ”, trải qua nắng gió trên ruộng đồng.

5bf768fc455714ba58000323
Ca sĩ Nguyễn Thị Thủy biểu diễn trong chương trình “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia” lần thứ nhất, tại Kon Tum. Ảnh: Văn Chương

Tôi gặp ca sĩ Nguyễn Thị Thủy vào một buổi sáng ở phố núi Kon Tum, trong dịp Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức chương trình “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia” lần thứ nhất. Đứng ở nơi không có ánh đèn màu sân khấu, để mặt mộc và mang mặc giản dị, cô ca sĩ trẻ xuất thân từ gia đình nông dân ở huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cười khúc khích khi nhắc lại những câu nói của cha mình. Cô cũng cởi mở chia sẻ câu chuyện về việc gia đình tiếp cho cô niềm đam mê ca hát cho đến cơ duyên đồng hành cùng những người lính Biên phòng.

Nhiều năm trước, khi còn là học sinh, cô bé Nguyễn Thị Thủy tham gia vào phong trào văn nghệ của trường. Từ năm học Trung học cơ sở, Thủy đã tham dự các cuộc thi ở cấp huyện, rồi lọt vào danh sách tham dự các cuộc thi tiếng hát của học trò toàn tỉnh. Cha mẹ là người quê gốc Quảng Bình vào Nam lập nghiệp, canh tác rẫy trồng tiêu và cây đào lộn hột. Là nông dân “gốc rạ”, vì vậy sự kiện “con đi tỉnh” cũng “đảo lộn” cả gia đình nghèo này. Người cha vui sướng và kỳ vọng nhiều vào cô gái đam mê ca hát này.

Bà Trần Thị Điệp, mẹ của Thủy gác việc ra rẫy tưới vườn tiêu và thức thật khuya để bàn tính chuyện đưa con “đi tỉnh”. Ông Nguyễn Văn Sửu, bố của Thủy tính chuyện bán bớt mấy bao tiêu, nếu chưa đủ thì sang hàng xóm mượn thêm ít tiền. Ông thể hiện niềm vui sướng bằng câu nói “đặc sệt” tiếng Quảng Bình: “Ba thích mi trợ thành ca sị”.

Cha mẹ Thủy thỉnh thoảng lại tổ chức văn nghệ gia đình, chồng hát vợ nghe, toàn bài hát về Quảng Bình. Có khi hai vợ chồng hò hát vài tiếng đồng hồ sau một ngày lao động mệt nhọc. Giọng của bà Điệp cao, ngân vang và dài hơi hơn giọng của ông Sửu. Những giai điệu “cắc cụp” khi gõ chén, gõ đĩa đó lâu ngày đã thấm vào cô con gái nhỏ Nguyễn Thị Thủy, nên khi tới trường, cô học trò này đã nhanh chóng trở thành cây văn nghệ. 

Mỗi lần Thủy được “đi tỉnh” thì cha mẹ cô bé lại bấm đốt ngón tay để tính đủ thứ, nào là tiền xăng xe, tiền ăn, lo nhất là tiền nhà trọ, rồi phải đi thật sớm... Vậy là, cứ vào dịp thi là người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn lại đèo cô con gái trên chiếc xe máy cà tàng chuyên đi nương rẫy lao thật nhanh về thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tác phong nông dân thoăn thoắt nên vượt chặng đường khoảng 60km, bà chỉ đi gần 2 tiếng đồng hồ.

Trưởng thành từ ngôi nhà ca hát nông dân, Nguyễn Thị Thủy đã lần lượt bước lên những sân khấu rực ánh đèn màu tại các cuộc thi “Sao Mai” năm 2015 tổ chức ở Thanh Hóa và lọt vào top 9. Ở cuộc thi Thần tượng Bolero năm 2017, Thủy đoạt danh hiệu quán quân. Từ đó, cô bé Thủy bắt đầu được gắn với những nghệ danh như “Karon Thủy”, “Hellen Thủy”, “Ngọc nữ Bolero”. Nhưng, cái tên mộc mạc Nguyễn Thị Thủy được cô yêu thích nhất. Trả lời báo chí, cô có vẻ hơi ngượng ngùng với cái tên được báo chí đặt là “Ngọc nữ Bolero”. Vì cái tên này vốn chỉ phù hợp với tiểu thư đài các con nhà giàu và hơi xa lạ với con em nông dân, từ thuở nhỏ đã chân lấm tay bùn.

Ca sĩ Nguyễn Thị Thủy nổi danh từ dòng nhạc Bolero, đây là loại nhạc mang đặc trưng nhẹ nhàng, có tính tự sự, gần gũi; nội dung thường nói về nỗi lòng, thân phận con người, thiên nhiên, cây cỏ, tình yêu.

“Thế mạnh khi thể hiện các nhạc phẩm Bolero của em là gì?” - Nghe tôi hỏi, Thủy nói: “Ca sĩ Quang Lê nhận xét, em hát Bolero có sự “nức nở”. Nhưng vào Đoàn Văn công BĐBP thì em hát nhiều dòng nhạc”.

“Niềm vui của bố mẹ như thế nào sau mỗi lần em đoạt giải thưởng?” Tôi tò mò hỏi và cô ca sĩ trẻ lại cười, bật mí chuyện “mừng con đi tỉnh” của gia đình: “Ba em mừng quá, nói là “ba thích coi mi trên ti vi” (ba thích xem con trên ti vi). Nói xong, ba đi làm thịt một con gà đặt lên bàn thờ để tạ ơn tổ tiên, ông bà...”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO