Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 10:12 GMT+7

Thận trọng trong phục dựng văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Phục dựng lại các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số là một trong những phương án bảo tồn văn hóa hiệu quả. Cách này các địa phương đồng loạt áp dụng nhắm tới mục đích phát triển du lịch. Tuy nhiên, sau một giai đoạn say sưa sưu tầm và phục dựng nhiều lễ hội tín ngưỡng, vốn văn hóa gốc của các dân tộc thiểu số trở nên xa lạ, biến dạng, thậm chí khác xa so với nguyên bản.

Tái hiện Tết Gơ rơ của người Khơ Mú tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào mùa Xuân 2021. Ảnh: Thụy Văn

Một ngày mùa Xuân đầu năm 2021 - mùa lễ hội diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Ban Quản lý Làng tổ chức tái hiện lại Tết Gơ rơ của người Khơ Mú Nghệ An. Đây là hoạt động thường xuyên tại Làng, nhiều lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số được tái hiện truyền thống do chính người dân tộc thiểu số sinh sống ở mọi miền đất nước tụ về thủ đô trình diễn văn hóa của dân tộc mình. Họ mang theo cả niềm tự hào với vai trò là sứ giả văn hóa dân tộc, đồng thời lấp đầy nhu cầu thưởng thức văn hóa truyền thống của người dân và khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội.

Tết Gơ rơ là tên gọi một ngày lễ lớn theo truyền thống của dân tộc Khơ Mú, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới. Đồng bào Khơ Mú sinh sống tại bản Xốp Kha, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An được mời ra Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tổ chức ngày lễ này. Ông Lữ Văn Quang, Trưởng bản Xốp Kha mang theo đội văn nghệ của bản cùng với những cao niên, các gia đình văn hóa của bản ra Hà Nội để tái hiện lại ngày Tết của chính dân tộc mình. Họ đã rất xúc động và vui mừng trước cơ hội trình diễn văn hóa, đồng thời được tới thủ đô, gặp gỡ, giao lưu với đồng bào các dân tộc anh em và nhất là được học hỏi một số mô hình, cách làm du lịch cộng đồng. “Những điều đó giúp ích nhiều cho tiến trình xây dựng bản Xốp Kha thành bản văn hóa - du lịch Khơ Mú đặc sắc của miền Tây Nghệ An” - ông Lữ Văn Quang chia sẻ.

Ngày Tết diễn ra theo đúng kịch bản, những nghệ nhân của bản Xốp Kha trình diễn các hoạt động một cách suôn sẻ và đầu cuối. Ngôi nhà kiến trúc Khơ Mú ở Làng và không gian ngoài trời quanh đó được lấy làm nơi trình diễn cả phần lễ và phần hội. Bộ chiêng Khơ Mú quý và đúng quy cách cũng là do đoàn các nghệ nhân mang từ Nghệ An ra. Chính tay họ chuẩn bị xôi nếp, gà cúng, lễ vật, dựng cây nêu, rượu ghè và Trưởng bản Lữ Văn Quang chính là chủ lễ, người điều hành toàn bộ chương trình. Bà Lữ Mai – một phụ nữ khéo léo biết nghề ủ rượu ghè phụ trách việc đánh chiêng trống, cầm trịch đội múa nữ và chương trình văn nghệ. Bà là tâm điểm cho các phóng viên khai thác, phỏng vấn với nụ cười tươi đỏ màu vôi quết trầu truyền thống của người Khơ Mú.

Tất cả các hạng mục của ngày Tết Gơ rơ như cúng tổ tiên bằng tiếng Khơ Mú, sắp lễ, ban phước lành cho trẻ nhỏ và phần hội đánh chiêng múa hát đều diễn ra trong sự chứng kiến của đông đảo khách du lịch. Đây là nỗ lực của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm quảng bá các hoạt động gìn giữ giá trị văn hóa Việt Nam.

Thế nhưng, các nghi lễ tín ngưỡng văn hóa cũng được tái hiện theo tiêu chí “ăn khách”. Bản thân đời sống văn hóa của bà con rất giản dị, tự nhiên, tín ngưỡng nguyên bản và sâu sắc theo các giá trị tinh thần của họ. Việc tái hiện lại không đúng không gian lại không đúng “bản gốc”, ít nhiều phục vụ việc diễn hơn là thực thi đời sống tín ngưỡng của chính họ. Tết Gơ rơ trong váy áo lộng lẫy, chiêng trống tưng bừng và hát cúng qua loa đài chưa hẳn đã hài lòng tất cả khán giả tham dự.

Bản thân các nghệ nhân dân gian cũng ý thức được điều này. Tuy nhiên, sau mỗi lần trình diễn sân khấu hóa, văn hóa gốc của bản làng lại bị hiểu sai đi, sự tiếp cận của những người chưa hiểu văn hóa dân tộc thiểu số dừng ở chỗ thấy và đoán. Nếu chỗ nào khó hiểu, khó lý giải thì áp đặt cái nhìn phiến diện của mình vào, hiểu theo trải nghiệm cá nhân hoặc võ đoán. Đây chính là mấu chốt của tình trạng vốn văn hóa tốt đẹp bị suy diễn, hiểu sai như trường hợp của các lễ chém súc hiến tế, lễ hội chợ tình, phong tục kéo vợ, đi sim, chọc sàn, hay là lễ hội ban ấn cầu may, tục xin lộc mượn tiền thánh đầu năm...

Đã có không ít lần các nhà khoa học, các chuyên gia bảo tồn văn hóa dân gian lên tiếng về việc tuân thủ nguyên tắc bảo tồn văn hóa. Khi tái hiện lại các nghi lễ tín ngưỡng lễ hội ở không gian khác, không phải là bản làng của người dân tộc, phải có các dấu hiệu để người xem, người tham dự biết đó không phải là một lễ hội nguyên gốc để họ có cơ hội so sánh với văn hóa đời thường của bà con. Hơn thế nữa, ngoài việc các phiên tái hiện nỗ lực làm sát với thực tế, đúng tinh thần văn hóa thì bớt các khâu sân khấu hóa, loa đài phóng thanh, gò ép, biến tướng, trang phục tùy tiện, vay mượn và nhầm lẫn văn hóa của dân tộc này sang dân tộc khác. Khi có sự can thiệp quá sâu của truyền thông, việc tái hiện các nghi lễ truyền thống lại thêm một lần xa rời thực tiễn. Để truyền hình trực tiếp, nhiều lễ hội được tái hiện không đúng khiến cho các nghệ nhân buộc phải thể hiện các bài cúng cấm kị, cúng cầu hồn cho người chết, hoặc đánh chiêng và trống thiêng khi bình thường họ chỉ đánh gõ khi có hỏa hoạn, có biến...

Khi phải phổ biến để lưu truyền và lan tỏa giá trị văn hóa, nhiều nghi lễ tín ngưỡng hoặc văn hóa dân gian cũng bị méo mó. Các nghệ nhân chia sẻ quan điểm của họ rằng, nếu phổ biến một bài hát đối giao duyên của dân tộc họ thì phải phổ biến cả bài hát, vì như thế mới là hát đối có nam, có nữ, có câu hát đố, có câu trả lời mới là văn hóa gốc, mới đủ hàm nghĩa, hàm ý. Nhưng đôi khi, về phía truyền thông, thời lượng ghi hình, ghi tiếng không cho phép khiến câu hát bị cắt gọt, bị nửa vời, không còn nhận ra văn hóa truyền thống của dân tộc nào nữa.

Vào mùa lễ hội cao điểm của cộng đồng các dân tộc anh em nói chung, rất cần những bàn tay bảo tồn văn hóa có trách nhiệm.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO