Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 02:24 GMT+7

Thần tốc vượt biển giải phóng Trường Sa

Biên phòng - Sau chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, ngày 23-3-1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Bộ Tổng hành dinh đã sử dụng lực lượng thần tốc vượt biển ra giải phóng quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, ngay sau khi Đà Nẵng vừa mới giải phóng.

Đảo Đá Tây A, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Ảnh: Hải Luận

Nghệ thuật tác chiến kiên quyết

Đầu tháng 4-1975, các cánh quân chủ lực của quân ta đang thần tốc đánh chiếm các tuyến phòng ngự từ xa của địch, hướng thẳng đô thành Sài Gòn. Ngày 2-4, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra chỉ thị: “...Truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu V và Bộ Tư lệnh Hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Vùng này có thể có tàu chiến của Hạm đội 7 (Mỹ) và hải quân các nước khác hoạt động. Hải quân ngụy cũng được trang bị các loại tàu lớn. Do đó, nghệ thuật tác chiến phải kiên quyết, táo tạo, đồng thời, phải hết sức mưu trí, sáng tạo, bất ngờ. Các đơn vị có nhiệm vụ sẵn sàng, có thời cơ là đánh được ngay, bảo đảm chắc thắng. Đánh phải đúng lúc. Nếu có hiện tượng chúng rút, phải tranh thủ đánh chiếm ngay...”.

Từ thế kỷ XVII, nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực hiện chủ quyền một cách liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) và Trường Sa (Khánh Hòa). Từ năm 1920, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tổ chức quản lý về mặt nhà nước trên 2 quần đảo này. Sau đó, chính quyền miền Nam Việt Nam tiếp tục thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đến ngày được quân đội ta giải phóng, thu non sông về một mối.

Mệnh lệnh được thi hành ngay tức khắc. Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam cho thành lập ngay Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân tại Đà Nẵng, Bộ Tổng hành dinh đã điều động lực lượng của Bộ Tư lệnh Quân khu V và Bộ Tư lệnh Hải quân, hình thành lực lượng cơ động chiến đấu trên biển, do đồng chí Mai Năng làm Chỉ huy trưởng; sử dụng Đội 1, Đoàn 126 đặc công, từng có thành tích với cách đánh bí mật, bất ngờ, đã đánh chìm nhiều tàu của địch ở chiến trường Cửa Việt (Quảng Trị). Phương tiện vận tải và chiến đấu là các tàu của Đoàn 125, Bộ Tư lệnh Hải quân, mới điều từ Hải Phòng vào Đà Nẵng, đây là những con tàu quả cảm nhiều năm làm nhiệm vụ trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Cả Quân khu V và Bộ Tư lệnh Hải quân đã khẩn trương tổ chức thực hiện quyết định của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về việc đánh chiếm các đảo và giải phóng quần đảo Trường Sa. Ngày 13-4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện vào Sở chỉ huy tiền phương Hải quân và Quân khu V:

“1. Việc đánh chiếm các đảo cần làm đúng thời cơ. Nếu có thời cơ cụ thể mà không kịp đánh chiếm thì các nước ngoài có thể chiếm trước. Nếu địch chưa rút mà ta đã chiếm trước thì tình hình có thể trở nên phức tạp. Vì lực lượng ta có hạn chế và việc tăng viện có gặp khó khăn.

2. Do đó, thời cơ cụ thể đánh chiếm là:

- Nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay. Nếu quân nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại.

- Nếu địch mới có triệu chứng rút hoặc bắt đầu rút thì theo dõi, kịp thời đánh chiếm khi địch rút đại bộ phận...”.

Bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ

Nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái ra lệnh cho các tàu của Hải quân phải ngụy trang giả dạng tàu đánh cá, xuất phát lúc trời chưa sáng để tiếp cận và đổ bộ lên đảo. Với phương tiện nhỏ và ít, đối mặt với tàu chiến lớn của địch ở giữa đại dương mênh mông, quân ta phải đánh theo phương châm: Bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ chiếm mục tiêu.

Đúng 4 giờ 30 phút, ngày 14-4-1975, sau hơn 1 giờ lính đặc công nước tổ chức đổ bộ, ta nổ súng tiến công và bắt sống toàn bộ quân địch, giải phóng đảo Song Tử Tây, kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ trên đảo. Ngày 25-4, quân ta tiến công đánh chiếm đảo Sơn Ca. Ngày 27-4, ta giải phóng đảo Nam Yết và Sinh Tồn. Ngày 28-4, quân ta chiếm toàn bộ các đảo thuộc Trường Sa. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện ra các tàu giữ đảo: “...Quân ủy Trung ương rất phấn khởi được tin quân ta đã chiếm các đảo thuộc Trường Sa. Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược”.

Lệ Giang

Bình luận

ZALO