Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 03:51 GMT+7

Thân thương đàn dừa Bến Tre

Biên phòng - Đến với Lễ hội xứ dừa Bến Tre năm 2019 vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp những nhạc cụ được chế tác từ cây dừa của xứ sở Bến Tre. Khó có thể hình dung những rặng dừa "tóc dài bay trong gió" đã từng đi vào thơ ca, âm nhạc, hiên ngang trong kháng chiến chống Mỹ lại trở thành chất liệu để nghệ nhân làm ra nhiều loại nhạc cụ độc đáo. Chủ nhân của những nhạc cụ ấy là nghệ nhân dân gian Ba Bá (tức Võ Văn Bá) đến từ xã Nhơn Thành, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Đây cũng là cách mà nghệ nhân Bá nuôi dưỡng tình yêu của mình đối với quê hương và loài cây đã gắn bó với người dân Bến Tre từ bao đời nay.

ubja_8a
Nghệ nhân Ba Bá biểu diễn với cây đàn cò bằng gốc dừa "khủng" do ông chế tác.  Ảnh: Thanh Thuận

Ý tưởng độc đáo

Trong không gian của Lễ hội xứ dừa Bến Tre năm 2019, du khách được chiêm ngưỡng bộ nhạc cụ truyền thống Việt Nam được làm bằng chất liệu từ cây dừa với nhiều loại nhạc cụ như: Đàn cò, đàn gáo, đàn kìm (nguyệt), đàn sến, đàn tranh, đàn bầu... Cũng tại lễ hội này, nghệ nhân dân gian Ba Bá (77 tuổi) đã chơi những nhạc cụ được làm bằng vật liệu từ cây dừa. Nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên khi được nghe âm thanh trầm bổng, ngân nga của tiếng đàn được làm ra từ những cây dừa trên mảnh đất được mệnh danh là "vương quốc của dừa" này. 

Khi được hỏi về quá trình chế tác đàn dừa, ông Ba Bá vui vẻ cho biết: “Gần chục năm trước, trong một lần đi tham quan gian hàng thủ công đồ gỗ, mỹ nghệ, tôi mới suy nghĩ tại sao mình có thể làm được đàn mà không thử nghiên cứu làm? Ở quê hương tôi, gỗ dừa làm được nhiều thứ, nhưng chưa ai làm nhạc cụ. Từ đó, tôi nghiên cứu làm đàn từ cây dừa như là cách mình “nhớ ơn” loại cây này. Vì người dân bao nhiêu đời ở xứ Bến Tre này đa số sống nhờ cây dừa là chính”. 

Từ ý nghĩ ấy đã thôi thúc ông Ba Bá ấp ủ ý tưởng sáng tạo trong việc sử dụng nguyên liệu dừa để chế tác các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống. Năm 2011, ông cùng nghệ nhân Lê Thanh Liêm (tức Lê Dân) bắt tay vào nghiên cứu để chế tác bộ nhạc cụ từ cây dừa. Sau một năm miệt mài, 2 ông đã hoàn thành bộ nhạc cụ có “một không hai” của mình. Tại Festival dừa Bến Tre năm 2012, bộ nhạc cụ dân tộc gồm 10 loại đàn với 27 sản phẩm làm từ gỗ dừa đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Bộ nhạc cụ dân tộc được chế tác bằng vật liệu từ cây dừa đầu tiên tại Việt Nam”. 

Đến Lễ hội dừa Bến Tre năm 2015, ông Ba Bá đã được mời tham gia trình diễn cây đàn cò bằng vật liệu từ cây dừa lớn nhất Việt Nam do chính ông chế tác, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Đó cũng là cách ông Ba Bá quảng bá với bạn bè trong và ngoài nước những nhạc cụ đặc trưng từ hình ảnh thân thương của cây dừa tiêu biểu cho quê hương Bến Tre.

 “Nghề chơi cũng lắm công phu”

Trò chuyện với ông Ba Bá về cách thức làm nhạc cụ từ dừa mới thấy được đây là nghề lắm công phu. Theo lời nghệ nhân này, để chế tác ra bộ nhạc cụ truyền thống từ vật liệu từ cây dừa không phải là điều dễ dàng. Ông Ba Bá và ông Lê Dân đã phải nghiên cứu rất công phu bởi gỗ dừa rất xơ, kết cấu gỗ không chặt, dễ vỡ, đòi hỏi người chế tác phải kiên nhẫn, tỉ mỉ. Sau nhiều lần làm thử rồi lại bỏ đi vì chưa ưng ý, ông Bá nhận ra rằng, muốn làm đàn bằng gỗ dừa phải chọn thân cây có tuổi thọ từ 50 đến 70 năm và chỉ dùng phần thân dưới thì chất lượng gỗ mới đạt. Khi đã tạo dáng đàn xong rồi phải dùng máy chà nhám cho gỗ mịn lại, sau đó dùng giấy nhám chà tiếp đến khi gỗ dừa bóng lên, nổi rõ những đường vân, tạo ra một màu sắc đỏ au như màu cánh gián là được. Ông Bá chia sẻ: “Gỗ dừa càng già thì sau khi đánh bóng gỗ càng mịn, bóng, lên màu đỏ au rất đẹp. Làm đàn bằng loại gỗ dừa rất khó và các công đoạn đều làm bằng tay nên mất nhiều thời gian hơn so với những loại gỗ khác”.

Nhạc cụ đầu tiên được ông Ba Bá chế tạo thành công là đàn nhị (đàn cò) và đàn gáo. Theo ông Ba Bá, khi làm đàn gáo, dùng loại gáo dừa mỏng sẽ cho âm thanh đàn hay hơn. Tuy nhiên, gáo dừa mỏng và rất dễ vỡ trong quá trình đục nên ông phải tìm kỹ lưỡng để chọn ra loại gáo thích hợp. Khi hoàn thành, cây đàn gáo phát ra âm thanh không kém gì những loại đàn sử dụng gỗ thông thường. 

Đối với thiết kế đàn kìm, ông Ba Bá gặp không ít khó khăn vì gỗ dừa cứng, khó cắt gọt và cũng khó có thể uốn cong. Với kinh nghiệm trên 30 năm làm nhạc cụ, ông Ba Bá nghĩ ra cách cắt thân cây dừa thành tấm, sau đó đục bỏ đi phần ruột, lấy vòng ngoài gọt giũa lại làm thành thân đàn. Sau nhiều ngày, cây đàn kìm hoàn thành, tuy nhiên, âm thanh đàn từ gỗ dừa không đạt được độ rung nhiều nên tiếng kêu nhỏ, không vang như các loại gỗ khác. Vì vậy, ông Ba Bá đã nghĩ ra cách gắn thêm lò xo và micro vào trong bầu đàn để có được âm thanh to hơn và tiếng ngân vang hơn. 

Khi làm mỗi loại nhạc cụ, ông Ba Bá thường phải thử để xem âm thanh đã đạt chuẩn chưa, nếu âm thanh chưa chuẩn, phải dùng loại gỗ khác ráp vào phần mặt đàn. “Có lần chế tác đàn nguyệt, do gỗ dừa không tạo ra âm thanh lớn, qua thử trên nhiều loại gỗ, tôi phát hiện gỗ quao thích hợp nhất để làm phần mặt đàn. Vậy là tôi dùng gỗ quao để ráp tất cả mặt đàn lại” - Ông Ba Bá giải thích. Bên cạnh đó, mỗi loại nhạc cụ, ông Ba Bá đều làm 3 kích cỡ từ nhỏ đến lớn khác nhau, với mục đích để tạo ra được một giàn nhạc có thể hòa tấu được một tác phẩm lớn khi hội tụ cả ba loại âm sắc cao - trung - trầm. 

Những nhạc cụ làm từ “cây nhà lá vườn” quê hương Bến Tre đã cho thấy tài năng của nghệ nhân Ba Bá. Không những thế, bộ nhạc cụ từ dừa của ông Ba Bá còn có giá trị tinh thần to lớn đối với người dân Bến Tre, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO