Biên phòng - Nhờ công nghệ gọi Facetime, tôi được chứng kiến những gì đồng đội tôi đang làm tại vùng lũ Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trước mắt tôi là bộn bề, ngổn ngang bùn đất và vật liệu hư hại từ nhà cửa, chuồng trại của bà con các dân tộc nơi đây. Tiếng hô “hai ba nào” như dội vào những vỉa núi đất vừa lở còn đỏ rực. Sau tiếng hô ấy, cả ngôi nhà sàn bằng gỗ hai tầng rộng gần 70m2 nhấc bổng trên vai người lính.
Từng bước ngắn, đều để tải trọng cân bằng, những cán bộ, chiến sĩ của BĐBP Nghệ An đã dịch chuyển ngôi nhà ra sân trước, cách vị trí cũ gần 5m. “Công nghệ” của những “Thần đèn” áo lính ấy chỉ là đôi vai, đôi bàn tay và sự quyết tâm bảo toàn tính mạng, tài sản của người dân thôi thúc trong lòng người lính. Đó chính là lúc “tiền tuyến” trả lại tình sâu nghĩa nặng của “hậu phương”.
Trận lũ quét đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Đã có 1 cháu bé 4 tháng tuổi tử vong, 234 hộ gia đình không còn nhà để ở. Ngổn ngang sau lũ là hàng ngàn mét khối đất đá tràn vào ngập kín nhà, có nhà đá tuôn ồ ạt chất kín cao gần 3m. Thật xót xa khi chứng kiến gương mặt thất thần của những cụ già đã sống gần hết đời mình trên bản nhỏ vùng biên. Một đời lam lũ, dựng được ngôi nhà để tổ tiên mừng, giờ trắng tay làm lại từ đầu khiến họ thấy dường như đất trời sụp đổ. Những đứa trẻ ngây thơ chưa cảm nhận được hết tang thương, nhưng rồi đây, các em sẽ phải xa khoảng sân cổ tích với bao trò vui thơ trẻ. Ngôi trường, con đường ngày ngày đã quen bước chân vui, tiếng cười giòn giờ cũng tạm di dời. Nhưng rồi, những gương mặt ấy đã nhẹ nhõm hơn khi bộ đội về bản, màu xanh áo lính dần đẩy lùi bao bùn đất đỏ đến quặn lòng.
Gần một tuần qua, trên đôi vai đồng đội chúng tôi, hàng ngàn mét khối bùn nhão cùng hàng trăm căn nhà, hàng ngàn xe cộ, đồ đạc ngập trong bùn... đã được dọn dẹp, sửa sang để bà con có thể ổn định cuộc sống một cách nhanh nhất sau lũ. Mới cách đây chưa lâu, chính các anh đã giúp nhân dân dựng nhà tái định cư trên vùng đất mới, giờ lại giúp bà con dỡ nhà chạy lở đất, lũ ống, lũ quét. Và rồi, dăm hôm nữa lại giúp họ dựng nhà, thau rửa sân bãi, ruộng nương, đường sá, cùng ngàn vạn công việc không tên khác… để cuộc sống mới lại bắt đầu.
Đã bao năm qua, những người lính Biên phòng đã dốc sức, dốc lòng, căng mình cùng các đơn vị, các lực lượng bạn để không phụ lòng tin của bà con nơi bản làng vùng biên viễn. Giữa ngổn ngang bùn đất, giữa vết thương của thiên nhiên xói lở, cây cối bật rễ, màu xanh áo lính dường như vẫn luôn là một điểm tựa để bà con an tâm, vực lại tinh thần, đứng lên xây dựng lại tổ ấm.
Có quá lời chăng khi người lính Biên phòng ở hai tuyến đều là lực lượng “xung kích” trong cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai. Mỗi khi đài báo bão, anh em ở tuyến biển tất bật lo “đón bão” với bao âu lo về tính mạng, tài sản của ngư dân, thì anh em tuyến núi cũng khẩn trương chuẩn bị “tiễn bão” với biết bao hiểm nguy không thể lường trước. Hôm này, nước lũ đã rút, nhưng nguy cơ sạt lở đất vẫn đang hiện hữu. Hàng chục ngôi nhà có nguy cơ sạt lở ở Kỳ Sơn tiếp tục được đặt trên vai đồng đội tôi cùng các lực lượng khác đến nơi an toàn. Tất cả đang trên hành trình chạy đua với thiên nhiên, chạy đua với cơn mưa lũ tiếp theo đang ẩn sâu trong lòng núi, rừng cây nào đó. Nhưng “chớp giật mưa giăng có sá gì”, bởi các anh luôn tâm niệm: “Lên biên giới! Ta đã xem nơi đây như quê hương của mình. Cùng đồng chí vun đắp cho nơi đây ngày một giàu mạnh…”.
Phạm Vân Anh