Biên phòng - Ngày 25-10, tại Na Uy, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khởi động cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh (năm 1991). Khu vực Bắc Cực đang trở thành đấu trường cho những cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm kiểm soát các tuyến đường vận chuyển và tài nguyên thiên nhiên toàn cầu. Cuộc tập trận tên gọi Trident Juncture cho thấy tham vọng kiểm soát Bắc Cực của NATO.

Tương lai “Chiến tranh lạnh” mới?
Cuộc tập trận Trident Juncture dự kiến kéo dài đến ngày 7-11, nhằm mục đích huấn luyện khả năng huy động lực lượng để bảo vệ liên minh các nước NATO trong trường hợp bị tấn công. Người đứng đầu chỉ huy các lực lượng của NATO, Đô đốc Hải quân Mỹ James Foggo cho biết “cuộc tập trận sẽ cho thấy NATO có khả năng chống lại bất kỳ kẻ thù nào”.
Cuộc tập trận năm nay có số lượng binh lính lớn gấp nhiều lần so với các năm trước với sự tham gia của 29 nước thành viên NATO và 11 quốc gia đối tác của NATO. Ít nhất 10.000 phương tiện quân sự tham gia vào cuộc tập trận. Theo quân đội Na Uy, nếu các xe quân sự chạy nối liền nhau thì chiều dài sẽ lên tới 92km. Khoảng 250 máy bay và 60 tàu chiến được huy động trong cuộc tập trận, bao gồm cả tàu sân bay USS Harry S.Truman của Mỹ. NATO triển khai 20.000 binh lính trên bộ, 24.000 binh lính hải quân (có sự tham gia của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ), 3.500 binh lính không quân, 1.000 nhân viên hậu cần và 1.300 cán bộ trực tại Bộ Chỉ huy liên quân của NATO (có trụ sở tại TP Napoli, Italy). Năm quốc gia có số lượng binh lính tham gia đông đảo nhất là Mỹ, Đức, Na Uy, Anh và Thụy Điển.
Địa điểm tập trận diễn ra tại miền Trung và Đông Na Uy, phía Bắc Đại Tây Dương và biển Baltic, trên lãnh thổ Iceland, trên không phận Phần Lan và Thụy Điển. Mặc dù cuộc tập trận được tổ chức cách biên giới Nga - Na Uy khoảng 900km và các máy bay chiến đấu không bay trong bán kính gần các nước Liên Xô cũ, nhưng cuộc tập trận diễn ra gần Nga đã đưa ra một thông điệp rõ ràng.
Trước khi cuộc tập trận Trident Juncture diễn ra, Nga đã bày tỏ quan ngại về sự tăng cường hiện diện quân đội của Mỹ và Anh tại các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan). Những tuần gần đây, căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Moscow và Washington sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và trung (INF) - động thái mà Nga cảnh báo là có thể làm tê liệt hệ thống an ninh toàn cầu.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết các nước thành viên NATO đang gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực gần biên giới với Nga. “Hành động thiếu trách nhiệm của NATO sẽ dẫn tới tình trạng bất ổn chính trị tại miền Bắc và khiến tình hình khu vực này căng thẳng hơn”, bà Maria Zakharova nhấn mạnh “Nga sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả cần thiết để đảm bảo an ninh”. Theo quyết định của tổng thống Nga Vladimir Putin, quân đội Nga đã tăng thêm số lượng binh lính, đồng thời xây dựng thêm các căn cứ không quân, lắp đặt hệ thống radar mới và tên lửa chống máy bay tại Bắc Cực.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Seigey Shoigu, Hạm đội phương Bắc của Nga sẽ tiếp nhận 5 tàu chiến mới, 5 tàu hỗ trợ và 15 máy bay vào cuối năm nay. Tháng trước, Nga đã phối hợp với Trung Quốc và Mông Cổ tổ chức cuộc tập trận lớn nhất (tên gọi Vostok) trong lịch sử nước Nga kể từ năm 1981. Cuộc tập trận Vostok có sự tham gia của 300.000 binh lính, hơn 1.000 máy bay, trực thăng và máy bay không người lái, 80 tàu chiến, 36.000 xe tăng, tàu sân bay bọc thép và các loại phương tiện quân sự khác. Năm ngoái, Nga cũng đã cùng với Belarus tổ chức cuộc tập trận Zapad gần biên giới các nước NATO (gồm Litva, Latvia và Ba Lan).

Nhận định về động thái của các nước, ông Francois Heibsbourg, chuyên gia tại Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược Pháp cho biết sức mạnh quân sự Nga đã trở lại như thời Chiến tranh Lạnh, và NATO cũng đang trong quá trình như vậy. Tờ báo Sputnik (Nga) cũng dẫn lời nhà phân tích chính trị Ivan Eland cho rằng cuộc tập trận Trident Juncture tại Bắc Cực giống như các hành động khiêu khích trước đây của NATO đối với Nga trên biển Baltic và biển Đen; đồng thời ông Ivan Eland dự đoán một cuộc chiến trạnh lạnh mới có thể xảy ra do Trident Juncture báo hiệu tương lai Mỹ sẽ áp đặt nhiều chính sách trừng phạt nặng nề hơn với Nga và có thể cả Trung Quốc.
Cuộc cạnh tranh ngầm trên Bắc Cực
Có thể nói cuộc cạnh tranh giành kiểm soát Bắc Cực đang nhanh chóng trở nên sôi động với sự tham gia của nhiều nước, cuộc tập trận Trident Juncture là một minh chứng cho điều này. Hiện không chỉ các nước như Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch quan tâm đến khu vực Bắc Cực, mà giờ còn có sự hiện diện của Trung Quốc. Lợi ích kinh tế tại khu vực Bắc Cực đã dẫn tới nhiều cuộc tranh luận chính trị gay gắt giữa các nước. Lý giải nguyên nhân lãnh đạo nhiều nước coi khu vực Bắc Cực là ưu tiên trong chính sách đầu tư, Phó Chủ tịch Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Konstantin Makienko cho biết khu vực Bắc Cực đang có nguồn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào, chiếm đến 1/4 trữ lượng toàn cầu. Các nhà khoa học đã khám phá được khoảng 20 mỏ dầu và khí đốt trong khu vực Bắc Cực, 10 trong số này có khả năng khai thác.
Một yếu tố khác khiến khu vực Bắc Cực trở thành điểm thu hút các nước đó là tuyến đường giao thương. Do hiện tượng băng tan trên Bắc Băng Dương, ngày càng có nhiều hàng hóa được vận chuyển qua lối hành lang Đông Bắc (NEP), với khối lượng hàng hóa có thể lên tới 15 triệu tấn vào năm 2021. Với lưu lượng hàng hóa vận chuyển ngày càng tăng giữa châu Âu và Đông Á, việc sử dụng tuyến NEP sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn (khoảng 1 triệu USD lợi nhuận cho chuyến trung chuyển của một tàu chở công-te-nơ lớn).
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Nga có quyền điều chỉnh lưu lượng giao thương trên tuyến NEP. Tuy nhiên, tình hình tại Bắc Cực khá phức tạp vì luật pháp quốc tế vần tồn tại nhiều khoảng trống. Trong một cuộc họp hồi cuối tháng 8 năm nay tại Nga, ông Seigey Shoigu đã tuyên bố bảo vệ lợi ích của Nga cũng như sự phát triển tại khu vực Bắc Cực là ưu tiên hàng đầu của lực lượng vũ trang Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhận định, Bắc Cực đang trở thành một khu vực mà một số quốc gia đang mong muốn tuyên bố lãnh thổ, sở hữu kinh tế. Điều này có thể dẫn tới leo thang xung đột trong khu vực.
Trong tương lai gần, NATO sẽ không thay đổi mục tiêu tại Bắc Cực. Bên cạnh đó, liên minh quân sự phương Tây sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động huấn luyện và tập trận tương tự như Trident Juncture một cách thường xuyên và tiến xa hơn về phương Bắc. Như vậy, cuộc chiến ngầm trên Bắc Cực mới chỉ bắt đầu.
Hà Thu