Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 12:40 GMT+7

Thăm tượng đài Chiến thắng Núi Thành

Biên phòng - Từ thành phố Tam Kỳ, tỉnh lỵ Quảng Nam, chúng tôi theo quốc lộ 1A khoảng 30 km về phía Nam, qua thị trấn Núi Thành đến địa phận xã Tam Nghĩa, tìm về di tích địa điểm Chiến thắng Núi Thành. Cách đó không xa là Tượng đài Chiến thắng Núi Thành oai hùng nằm trên ngọn đồi Phú Huề lộng gió...

Tượng đài mô phỏng hình tượng búa liềm với chiều cao 28m. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Địa điểm nơi diễn ra trận đánh Núi Thành là một quả đồi có chiều dài 1.250m, rộng 600m, có 2 mỏm chính gồm mỏm phía Đông cao 50m, mỏm phía Tây cao 49m. 2 mỏm đồi cách nhau khoảng 500m. Hiện nay, hầu hết dấu vết của trận đánh Núi Thành năm xưa không còn nữa, hệ thống giao thông hào với bao cát và kẽm gai bùng nhùng không còn nữa.

Theo nội dung kỷ yếu Hội thảo "Chiến thắng Núi Thành - Ý nghĩa và bài học lịch sử": Năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản không gì cứu vãn nổi, tác động trực tiếp đến chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ vội vã đưa quân vào nhằm cứu vãn tình thế. Ngày 8-3-1965, Lữ đoàn số 9 thuộc Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 đổ bộ vào Đà Nẵng. Sự kiện này đánh dấu việc quân Mỹ bắt đầu tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.

Đến đầu tháng 5-1965, quân đội Mỹ bắt đầu tiến hành xây dựng căn cứ Chu Lai. Sau khi hoàn thành cơ bản việc xây dựng căn cứ Chu Lai, quân Mỹ tiến hành càn quét, đánh phá các xã phía Tây Tam Kỳ. Để bảo vệ căn cứ, chúng cho xây dựng 53 cứ điểm xung quanh, đồng thời dùng máy bay, pháo binh liên tục đánh phá lên vùng giáp ranh giải phóng, đồng thời sử dụng biệt kích, gián điệp hoạt động sâu trong hậu cứ của ta, kiểm soát nghiêm ngặt mọi hoạt động đi lại của nhân dân địa phương. Tất cả mọi biện pháp và hành động của địch đều nhằm mục đích đẩy lực lượng cách mạng ra xa, tạo nên một vành đai an toàn giữa vùng hoạt động của ta và căn cứ quân sự của địch.

Diễn biến tình hình chiến sự ngày càng diễn biến phức tạp. Giữa lúc ấy, Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy Khu V phát động phong trào “Toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Sau khi quán triệt tư tưởng và phát động phong trào đánh Mỹ trong toàn khu, Bộ Tư lệnh khu V chọn Quảng Nam, mà cụ thể là Núi Thành làm nơi đầu tiên cho phong trào “Đánh Mỹ và thắng Mỹ” và Tỉnh đội Quảng Nam được vinh dự nhận nhiệm vụ cao cả này.

Trước yêu cầu mà Bộ Tư lệnh Quân khu V đặt ra cho lực lượng vũ trang Quảng Nam là phải "Quyết tâm diệt gọn cho được 1 đại đội Mỹ" thì đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Vì vậy, nhiệm vụ đánh diệt gọn một đơn vị quân viễn chinh Mỹ cấp đại đội trên chiến trường Quảng Nam lần này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về chính trị lẫn quân sự.

Sau khi trinh sát, nghiên cứu nắm chắc các quy luật hoạt động của quân Mỹ, Ban Chỉ huy tỉnh đội Quảng Nam quyết định chọn mục tiêu là lực lượng Mỹ đóng ở Núi Thành. Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam quyết định sử dụng Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 70 làm lực lượng chủ công trong trận đánh Núi Thành. Quân số của Đại đội 2 có 72 đồng chí cùng với lực lượng tăng cường là 1 phân đội gồm 12 đồng chí của Đại đội đặc công V16. Sau thời gian gấp rút làm công tác chuẩn bị, huấn luyện bổ sung, sáng ngày 25-5-1965, tại thôn 2 xã Kỳ Thạnh (nay là xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), đơn vị làm lễ xuất quân, đồng chí Hoàng Minh Thắng, Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam trao lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược" của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh cho Đại đội trưởng Võ Thành Năm.

Đúng 0 giờ 30 phút ngày 26-5-1965, sau khi cắt các lớp rào kẽm gai ở mỏm đồi 49, Mũi trưởng hướng chủ yếu Trần Ngọc Ảnh đánh quả thủ pháo đầu tiên vào công sự quân Mỹ mở đầu trận đánh Núi Thành. Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Võ Thành Năm, từng tốp 3 người phát triển theo đội hình chữ A đánh chiếm từng mục tiêu từ vòng ngoài đến vòng trong, đánh trực diện tiêu diệt phần lớn quân Mỹ tại đây. Sau 30 phút chiến đấu, bộ đội ta đã diệt gọn Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ gồm 139 tên, thu 14 súng các loại, 1 cối 81mm, 3 máy vô tuyến và nhiều trang thiết bị khác, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa.

Chiến thắng Núi Thành thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, sự ngoan cường, dũng cảm của lực lượng vũ trang ta dám đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đồng thời thể hiện sự đúng đắn về đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự của Đảng ta, sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V và Tỉnh ủy Quảng Nam. Chiến thắng Núi Thành cùng với những chiến công trên vành đai diệt Mỹ Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đã được Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miềm Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ"...

Năm 1986, trên ngọn đồi Phú Huề, cách địa điểm diễn ra trận đánh Núi Thành khoảng 3km, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chọn nơi đây xây dựng Tượng đài Chiến thắng Núi Thành. Tuy đồi Phú Huề không phải là nơi diễn ra trận đánh đêm 25, rạng sáng ngày 26-5-1965, nhưng đây là một trong những cứ điểm quân sự của Mỹ - nơi có trận địa pháo và sân bay trực thăng dã chiến. Tại khu vực này, tháng 7-1967, Tiểu đoàn đặc công 409 tập kích cứ điểm Ô Vuông, diệt gọn một đại đội pháo binh, phá hủy 12 khẩu pháo và kho đạn của địch.

Năm 2010, công trình Tượng đài Chiến thắng Núi Thành được đầu tư tu bổ và nâng cấp gồm Tượng đài, hệ thống sân vườn, đường dẫn lên Tượng đài, sân bãi... Hiện nay, Tượng đài Chiến thắng Núi Thành nằm ở thôn Tịnh Tây, xã Tam Nghĩa, cách quốc lộ 1A khoàng 300m, nên rất thuận lợi cho du khách khi đến thăm quan, tìm hiểu.

Đứng từ phía dưới nhìn lên, Tượng đài chiến thắng Núi Thành oai hùng, uy nghi, sừng sững trên ngọn đồi lộng gió. Sau khi bước qua 170 bậc cấp dẫn lên Tượng đài, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát cả một vùng không gian rộng lớn, khoáng đãng và chiêm ngưỡng khối tượng đài được thiết kế mô phỏng hình tượng búa liềm thẳng đứng, đài cao 28m, ốp gạch men trắng, giữa Tượng đài là bức phù điêu mạ đồng thể hiện hình ảnh các tầng lớp nhân dân và bộ đội tham gia trận đánh Núi Thành. Phía trên bức phù điêu là tượng chiến sĩ giải phóng tay phải giơ cao khẩu súng trong niềm vui chiến thắng. Trên cùng là hàng chữ đắp nổi “Chiến thắng Núi Thành - 26-5-1965”.

Lâm Đăng Khoa

Bình luận

ZALO