Biên phòng - Trong những năm qua, cùng với việc quản lý, bảo vệ vững chắc đoạn biên giới dài hơn 73km tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk còn tích cực, chủ động phối hợp với ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng biên giới.
Gần 80 năm cuộc đời, ông Nguyễn Văn Bé, trú tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk không nghĩ rằng, mình sẽ có một căn nhà khang trang, kiên cố đến như thế. Trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Văn Bé mang trên mình nhiều vết thương của cuộc chiến tranh (ông là thương binh hạng 4/4). Trước đây, ông xây dựng gia đình ở Bến Tre, nhưng đến năm 2002, theo Chương trình 135, gia đình ông chuyển đến Đắk Lắk để lập nghiệp. Khi đó, ông đã già yếu, sức khỏe giảm sút, kinh tế phụ thuộc vào nương rẫy, khí hậu khắc nghiệt nên thu hoạch từ nông nghiệp của gia đình ông năm được, năm mất. Để có tiền trang trải cuộc sống, vợ và người con của ông phải làm ăn xa ở tỉnh khác. Ngôi nhà dựng lên sau hơn 17 năm cũng dần xuống cấp, không chịu được nắng, mưa.
Trước gia cảnh ấy, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk đã hỗ trợ gia đình ông làm chuồng trại và tặng 1 con bò giống trị giá gần 10 triệu đồng. Ngôi nhà cũ xập xệ của gia đình ông Bé nay đã được xây mới trên diện tích 120m2 đảm bảo khang trang, kiên cố, trị giá 300 triệu đồng, trong đó, 67,5 triệu đồng do Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk hỗ trợ, số tiền còn lại do anh em, họ hàng, người thân của ông đóng góp, hỗ trợ.
Thời gian qua, thực hiện Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã chủ trì, phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội vận động các doanh nghiệp và phát động cán bộ, chiến sĩ quyên góp kinh phí, vật liệu và hàng trăm ngày công lao động giúp dân xây dựng được 102 căn nhà với tổng trị giá 4,6 tỷ đồng; xây dựng 24 công trình dân sinh (19 giếng khoan, 3 phòng học, 2 phòng khám quân dân y kết hợp) trị giá hơn 2,5 tỷ đồng; tặng 83 con bò giống cho 83 hộ nghèo ở 4 xã biên giới với tổng giá trị 750 triệu đồng; huy động 6.272 ngày công lao động giúp dân thu hoạch mùa, sửa sang nhà cửa, vệ sinh môi trường...
Không chỉ giúp dân dựng nhà, hướng dẫn kỹ thuật, phát triển chăn nuôi, trồng trọt vươn lên thoát nghèo, vào mùa thu hoạch, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Đắk Lắk luôn tăng cường bám buôn, xuống thôn giúp dân. Gia đình ông Y Chuôn và bà H,Roai, ở buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn có 3 sào ruộng lúa nước, do sức khỏe hai ông bà già yếu, gia đình thuộc diện hộ nghèo nên không có điều kiện thuê nhân công thu hoạch mùa vụ. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông bà, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk đã xuống buôn giúp gia đình ông bà lao động, sản xuất. “Nhờ có BĐBP mà gia đình tôi thu hoạch lúa kịp tiến độ. Tôi và bà con trong buôn biết ơn BĐBP lắm” - Ông Y Chuôn bộc bạch.
Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết: “Trong những năm tháng gian khó, ác liệt của chiến tranh, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đã yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc BĐBP. Trong giai đoạn hiện nay, trước những khó khăn, thiếu thốn của bà con, những người lính Biên phòng luôn xác định trách nhiệm phải giúp người dân thoát khỏi đói, nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân".
“Trước đây, bà con trong buôn sống phụ thuộc vào rừng, chưa biết trồng lúa nước. Từ khi BĐBP về khai hoang, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, đắp bờ vùng bờ thửa, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước cho bà con, đến nay, người dân đã trồng được 2 vụ/năm” - Ông Y Tê, Bí thư, Trưởng buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho biết.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và lực lượng BĐBP, đến nay, 4/4 xã biên giới của 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã được đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm kiên cố, hiện đại. Các nhu cầu về văn hóa, y tế, giáo dục của người dân được đáp ứng, đến nay có 21/51 thôn, buôn đạt chuẩn văn hóa, 4.014 gia đình văn hóa...
Ở vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk, không riêng gì gia đình ông Nguyễn Văn Bé, ông Y Chuôn mà đã có hàng trăm gia đình được BĐBP hỗ trợ, giúp đỡ. Chính từ hành động, việc làm nhân văn đó, những người lính Biên phòng đã tô thắm tình quân - dân, tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân biên giới.
Nguyễn Ngọc Lân