Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 04:17 GMT+7

Thẳm sâu ký ức La Eê

Biên phòng - Năm nay, già Zơ Râm Ghêm, bản Pà Ooi (xã La Êê, Nam Giang, Quảng Nam) đã bước qua tuổi “bát thập” nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Ông nhớ như in, sau khi Quảng Nam-Đà Nẵng được giải phóng (tháng 3-1975), rất nhiều bộ đội từ rừng về tiếp quản thành phố, nhưng lại có những  người lính Công an nhân dân vũ trang ngược từ đồng bằng lên biên giới với bà con. Và 40 năm qua, sự gắn bó mật thiết đó giữa những người lính Đồn BP La Êê với bà con nơi đây ngày càng thân thiết.

tqsy_9b-1.JPG
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP La Êê giúp nhân dân làm ruộng nước.

Ngày 25-7-1975, Đồn Công an nhân dân vũ trang Giằng 1 (số hiệu 46) được thành lập bên dòng suối Pry, thôn Pa Lan, sau đó được chuyển đến thôn Pà Ooi. Đến năm 1977, đơn vị đổi tên thành Đồn Công an nhân dân vũ trang 607, nay là Đồn BP La Êê. Những ngày đầu, quân số đơn vị chỉ vẻn vẹn 12 đồng chí được biên chế thành 4 tổ đội, trong đó, Ban chỉ huy đồn gồm 2 đồng chí là Đồn trưởng Nguyễn Sỹ Hoàn, Chính trị viên phó Nguyễn Ngọc Thường. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 29,5km đường biên giới.

Không có ngôn từ nào nói hết được những khó khăn, vất vả của những ngày đầu thành lập, nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn "3 bám, 4 cùng" với bà con để xây dựng "lũy thép biên phòng nhân dân". Bên cạnh việc tập trung củng cố xây dựng doanh trại, tăng gia sản xuất đảm bảo đời sống bộ đội, đơn vị còn tham gia xây dựng hệ thống cơ sở chính trị địa phương, xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từ đó củng cố quốc phòng - an ninh.

Tiêu biểu như triển khai mô hình khai hoang ruộng lúa nước, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lúa tại thôn Pà Ooi, Đắc Ngol. Mới đây nhất là dự án Ngân hàng bò, mô hình chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định bền vững cho người dân biên giới.

Không chỉ có vậy, hình ảnh người thầy giáo quân hàm xanh cùng các em nhỏ tay trong tay uốn từng nét chữ ê, a học vần, hay hình ảnh người người thầy thuốc quân hàm xanh không quản ngại đường sá xa xôi, ngày hay đêm đến từng nhà, thăm khám chữa bệnh cho nhân dân, từng bước thay đổi tập tục lạc hậu trong việc sinh đẻ, ốm đau của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa… thật giản dị nhưng vô cùng đẹp đẽ.

Trung tá Huỳnh Thanh Sơn, nguyên là cán bộ quân y của Đồn BP La Êê đã có gần 20 năm gắn bó với mảnh đất miền biên viễn này. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhất là khi y tế cơ sở chưa được "phủ sóng", anh kiêm luôn việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Làm nhiều thành quen, mọi người dân "mặc định" là khi ốm đau đã có quân y của Đồn BP La Êê.

Những kỉ niệm về biên giới của Trung tá Huỳnh Thanh Sơn là những ngày tháng rong ruổi, mỗi lần sang thăm bà con các bản người Lào giáp biên, bao giờ túi thuốc của anh cũng là kháng sinh thuốc điều trị căn bệnh sốt rét, một căn bệnh phổ biến nhất vào những năm 90 của thế kỷ trước. Trung tá Sơn bảo, trong chiến tranh, các bản làng người Lào luôn gắn bó với các anh bộ đội giải phóng Việt Nam, nay hòa bình lại gắn bó với bộ đội Đồn BP La Êê.

Từ các bản đi về trung tâm cụm, huyện rất xa, giao thông đi lại khó khăn nên nhân dân Lào các bản giáp biên khi ốm đau đều "chạy sang Đồn BP La Êê tìm quân y". Thế mới có chuyện, Cụm trưởng cụm A Zun, Đắc Chưng (Lào) đã "viết giấy giới thiệu" cho dân bên mình sang Đồn BP La Êê để khám chữa bệnh. Cho đến giờ, Trung tá Sơn đã nghỉ hưu, nhưng anh đã chọn La Êê là "bến đậu" của gia đình. Và tất nhiên, với nghề của mình, anh vẫn nhiệt tình giúp đỡ người dân khi ốm đau, bệnh tật.

d21q_9a-1.JPG
Quân y Đồn BP La Êê khám chữa bệnh cho bà con. Ảnh: N. T. C
 
Có những cán bộ Biên phòng dù không có dịp trở lại La Êê, nhưng vẫn được bà con nhắc tới bởi những ân tình đã nhận được như Đồn trưởng Nguyễn Minh Chánh. Mùa mưa năm 2007, nước lớn làm ngập khe Dum cả nửa tháng trời. Vào một buổi chiều khi trời đã ngớt mưa, Đồn trưởng Chánh ghé qua nhà Trưởng thôn Pà Ooi, thấy gia chủ chỉ còn mấy quả chuối non luộc để ăn. Hóa ra, mưa lớn, nhà Trưởng thôn hết gạo, không thể ra rẫy kiếm cái ăn.

Đồn trưởng Chánh nghĩ, nhà Trưởng thôn mà còn ăn quả chuối non luộc thì nhà dân khác lấy gì mà ăn. Lại nghĩ, đã ở với bà con thì bà con đói, bộ đội cũng không được ăn no. Anh quyết định mở kho dự trữ gạo của đơn vị, cấp 1 tấn gạo cho bà con, trong đó, cấp 200kg gạo cho trường Bán trú La Êê. Chưa hết, anh còn viết điện về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh báo cáo tình hình.

Ngay sau đó, được sự tham mưu của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định đề nghị Quân khu V đưa máy bay trực thăng chở lương thực, thực phẩm "tiếp viện" cho La Êê. Đồn trưởng Chánh chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ cùng bà con đốt lửa, vẫy cờ làm tín hiệu, nhưng do mưa nhiều, sương mù nên trực thăng không thể hạ cánh. Tuy vậy, cho đến giờ, câu chuyện ấy vẫn được bà con nhắc mãi.

Sự gắn bó giữa những người lính Đồn BP La Êê giờ đây càng mật thiết hơn, "ba bám, bốn cùng" càng sâu sát khi những người lính trực tiếp đảm nhiệm các vị trí Phó Bí thư Đảng ủy xã. Đó là Đại úy Đặng Đình Xuân được bầu làm Phó Bí thư xã La Ê ê. Anh Xuân được tăng cường cho La Êê từ tháng 1-2014, Trung úy Brao Thu làm Bí thư Đảng ủy xã Chơ Chun từ tháng 10-2014. Nói như Chủ tịch UBND xã La Ê ê Zơ Râm Huấn, nguyên là chiến sĩ Đồn BP La Êê, thì những cán bộ quân hàm xanh này là "cánh tay đắc lực", đầu tàu trong nhiều chủ trương, hoạt động của chính quyền địa phương.

Người Cơ Tu, Tà Riềng ở La Êê vẫn tự hào vì mảnh đất này đã "đóng góp" cho lực lượng BĐBP Quảng Nam biết bao cán bộ, chiến sĩ. Và thôn tự hào nhất hẳn là thôn Đắc Ngol, xã La Êê khi có Thiếu tá Zơ Râm Thức là Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Quảng Nam; Thượng úy Zơ Râm Thân, Đội trưởng Trinh sát, Đồn BP A Xan. Và còn nhiều quân nhân chuyên nghiệp khác đang phục vụ trên chính mảnh đất mà mình đã sinh ra và lớn lên như Thượng úy Zơ Râm Pênh, Thượng úy A lăng Blong…
Nguyễn Thế Cừ

Bình luận

ZALO