Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Thăm núi Kulen, nơi khởi nguồn của Angkor hùng vĩ

Biên phòng - Trong suốt một thời gian dài, giới khoa học thế giới luôn đặt ra câu hỏi: Người Campuchia đã xây dựng Angkor bằng cách nào. Một khối lượng đá khổng lồ ước tính lên đến hơn 5 triệu tấn được khai thác từ đâu và con người đã vận chuyển khối lượng đá đó về để xây lên những thành quách đền đài theo cách thức ra sao? Mãi đến những năm gần đây, một phần giả thuyết cho câu hỏi trên mới được phát lộ. Qua đó, tạm kết luận rằng, khu đền này được xây dựng ròng rã trong suốt hơn 35 năm. Đá dùng để tạo nên kỳ quan Angkor được khai thác từ ngọn núi thiêng cách kinh thành hàng chục cây số. Tất cả khối đá sau khi khai thác được vận chuyển bằng bè về kinh thành bằng một hệ thống kênh nước nhân tạo.

xjzm_8a
Một ngôi đền tạo tác bằng đá sa thạch trên đất nước Campuchia. Ảnh: Minh Nguyễn

Những phát hiện trên là mục tiêu cuốn hút tôi lên đường, tìm về một khu vực “công trường nguyên liệu đá” phục vụ cho việc khai thác xây dựng Angkor. Đó là núi Kulen – vùng đất ngàn linga.

Nằm cách thành phố Xiêm Riệp khoảng 50km, Kulen vốn có tên là Mahendraparvata, là một địa điểm linh thiêng của người Khmer. Tương truyền trên ngọn núi này, vào năm 802 sau công nguyên, vua Jayavarman 2 đã tuyên bố tách ra khỏi nhà nước Java để thành lập nên một vương triều riêng cho dân tộc Khmer. Vì thế, có thể gọi Kulen chính là thủ đô đầu tiên của đế chế Khmer.

Đường lên núi Kulen hẹp và khó đi nên nhà chức trách quy định từ sáng cho đến 12 giờ trưa chỉ cho xe lên và sau giờ đó sẽ dành cho chiều ngược lại. Do có địa hình thuận lợi với chiều cao gần 1.000m nên trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1990, núi Kulen được các nhóm tàn quân Khmer đỏ chọn làm căn cứ địa. Để truy quét nhóm tàn quân này, quân đội Campuchia đã mở nhiều đợt tấn công lên núi. Nhằm đối phó với những đợt tấn công đột ngột này, tàn quân Khmer đỏ đã phá hủy con đường lên núi. Chúng cài đặt hàng ngàn quả mìn sát thương từ chân lên đến đỉnh núi để ngăn không cho ai lên núi.

Sau khi hòa bình lập lại vào năm 1992, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, quân đội Campuchia từng bước tháo dỡ bom mìn, cho xây dựng lại con đường độc đạo này. Tuy nhiên, cũng giống như hiện trạng đường sá chung ở Campuchia, lên đỉnh núi hôm nay chưa thực sự dễ dàng, bởi con đường độc đạo này khá gồ ghề và hoang vu vì quá lâu không có ai dám lên núi. 

Đúng như tên gọi, dấu tích về linh vật của Hindu giáo – linga có mặt hầu như khắp lòng suối trên đỉnh núi Kulen. Chưa có một thống kê chính thức, song theo người hướng dẫn, con số ấy lên đến hàng ngàn và đó là lý do ra đời tên gọi là ngọn núi ngàn linga hay dòng sông ngàn linga. Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống linga này là một tác phẩm do đức vua Suryavarman 1 khởi xướng tác tạo vào năm 1050. Tương truyền rằng, để hoàn thành được công trình này phải mất tổng cộng gần 100 năm. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi người xưa đã tạo nên những linga này như thế nào và mục đích thực sự của việc này là gì? Có thể vì thế, núi Kulen càng huyền bí và hấp dẫn.

Cũng giống như nhiều trung tâm tín ngưỡng khác trên đất Angkor, Kulen cũng là nơi phức hợp tôn giáo. Nếu như hệ thống ngàn linga là dấu ấn Hindu giáo thì ngôi chùa có tên là Pang Thom nằm trên núi Kulen cho thấy sự ảnh hưởng đậm chất và lâu đời của đạo Phật trên vùng đất linh thiêng này. Theo các tài liệu còn lưu lại, ngôi chùa này ra đời vào thời kỳ trị vì của vua Jayavarman 7 – một vị vua theo đạo Phật. 

Không giống như những ngôi chùa thường thấy trên đất Angkor – với mái vòm cao vút, chùa Pang Thom có chính điện nằm hẳn trong lòng núi đá. Có một điều khá đặc biệt là, mặc dù cách khá xa khu dân cư và đường xá đi lại rất khó khăn, thế nhưng hàng ngày vẫn có rất nhiều người đến đây chiêm bái Phật. Điều này cho thấy, sức hút về sự linh thiêng của đỉnh núi này, của ngôi chùa này đối với Phật tử là vô cùng mạnh mẽ.

Ngoại trừ dấu chân theo truyền thuyết là bàn chân trái của đức Phật, trên núi Kulen có một bức tựợng Phật nằm dài 9,7m, cao 3,3m được tạc thẳng vào thân núi đá, nên xét về một khía cạnh nào đó thì đây là một bức tượng tự nhiên lớn nhất ở đất nước chùa Tháp.

Những vị lục canh giữ ngôi bảo tự này cho biết, bức tượng này có tuổi đời tương đương với Angkor, tức là cách đây gần 1.000 năm. Trong tâm thức của các Phật tử người bản xứ, bức tượng Phật khổng lồ này mang lại cho con người sức khỏe và sự may mắn, chạm tay vào tượng tức là chạm tay vào đức Phật.

Với tôi, núi Kulen không chỉ là một cố cung, một khu phức hợp tôn giáo mà nó còn là một thế giới đá hùng vĩ. Bởi dường như từng tiểu tiết của những công trình kiến trúc trên đỉnh núi này đều có sự hiện diện của đá: Đó là linga, đó là mái chùa, đó là tượng Phật.

Và như được sống trong vòng quay thời gian ngược trở lại ngàn năm trước, qua những dấu tích về một công trường khai thác đá trên ngọn núi này dường như vẫn còn hiện hữu khắp mọi nơi, tôi cảm nhận rất rõ một không khí hoành tráng mà người xưa đã tạo nên một kỳ quan vĩ đại cho hậu thế hôm nay.

Đến tận nơi, tận tay sờ vào những vét cắt gọn gàng của người xưa, tôi phần nào hiểu được lý do vì sao người xưa đã chọn đá nơi này để xây dựng nên một công trình kỳ vĩ như Angkor dường như đã rõ. Ngoài yếu tố tâm linh ra, theo các nhà khoa học, núi Kulen tồn tại hai loại đá rất phù hợp cho việc xây dựng – đó là đá tổ ông và đá sa thạch.

Trở lại với sự linh thiêng của dòng dòng suối ngàn linga, nhiều người cho rằng, nguồn nước ở đây giúp cho trẻ em khỏe mạnh, người lớn không mắc bệnh hiểm nghèo. Chính vì niềm tin đó mà hàng ngày, có rất đông người dân đến đây để được dịp ngâm mình dưới dòng suối cầu mong sức khỏe. Và phải chăng, đây chính là món quà mà thế giới đá Kulen đã dành cho Angkor, cho người dân trên đất nước Chùa Tháp. 

Minh Nguyễn

Bình luận

ZALO