Biên phòng - Hơn 1 năm qua, trên các tuyến biên giới của đất nước, những người lính Biên phòng đã cắm chốt, túc trực 24/24 giờ, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, với quyết tâm không để dịch Covid-19 xâm nhập vào đất nước. Bên cạnh đó, người lính Biên phòng còn cùng với lực lượng y tế làm tốt nhiệm vụ chăm sóc y tế đối với người nhập cảnh trái phép tại các khu cách ly. Thượng úy Lê Huy Đức, nhân viên quân y, Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang là một tấm gương điển hình như thế. Cùng với đồng đội của mình, Thượng úy Lê Huy Đức đã góp phần tô đậm hình ảnh người thầy thuốc quân hàm xanh trong lòng nhân dân.

Gác niềm riêng vì nhiệm vụ
Đến Trạm kiểm soát cửa khẩu liên ngành Mốc 456 - Săm Pun nằm sát biên giới Việt - Trung thuộc thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, dùng làm nơi cách ly tập trung cho những công dân nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam, chúng tôi cảm nhận được sự tận tâm của các lực lượng tại đây, đặc biệt là các thầy thuốc quân hàm xanh. Giữa vùng núi cao, giá lạnh, nơi đây trở thành mái nhà chung cho hơn 200 người đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước cách ly sau khi từ Trung Quốc trở về. Đến thời điểm hiện tại, nơi đây đã cách ly cho hơn 4.500 người từ Trung Quốc trở về.
Hàng ngày, khoảng 6 giờ sáng, khi sương mù vẫn còn dày đặc trên biên cương, cũng là lúc các nhân viên y tế, cán bộ quân y BĐBP bắt đầu làm nhiệm vụ chăm sóc người cách ly. Vừa giở cuốn sổ theo dõi người cách ly, Thượng úy Lê Huy Đức cho biết: “ Tháng 7 và tháng 11 là thời điểm cao nhất, có đợt cùng lúc tôi và các cán bộ ở đây phải quản lý, chăm sóc cho hơn 500 người”.
Thượng úy Lê Huy Đức sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Phúc, nhưng anh đã gắn bó với biên giới Hà Giang từ năm 2000. 20 năm khoác áo lính, 14 năm hình ảnh quân y Lê Huy Đức trở nên thân thuộc, gắn bó với người dân các xã biên giới nơi đơn vị anh đóng quân. Những năm qua, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS), Thượng úy Lê Huy Đức còn cùng với Ban chỉ huy đơn vị nơi anh công tác làm tốt công tác chăm lo sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.
Trong thời gian công tác tại các đồn Biên phòng, Thượng úy Đức không quản đường sá xa xôi đến các bản làng hẻo lánh, vận động bà con các dân tộc chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không xuất, nhập cảnh trái phép; khám, chữa bệnh, hướng dẫn bà con cách phòng tránh các loại dịch bệnh, tuyên truyền cho nhân dân loại bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; hướng dẫn bà con biết cách chăm sóc sức khỏe tại nhà...
Từ tháng 3 năm 2020, Thượng úy Lê Huy Đức được đơn vị phân công làm nhiệm vụ tại khu cách ly xã Thượng Phùng. Với sự nhiệt huyết của người lính Cụ Hồ, anh và đồng đội cũng như các lực lượng khác luôn tận tâm, làm việc không kể giờ giấc, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các trường hợp cách ly. Ngoài việc tiếp nhận, khám, đo thân nhiệt, khai thác lịch sử di chuyển các trường hợp được đưa đến cách ly, anh còn hướng dẫn công dân cách chăm sóc bản thân, cách phòng tránh lây lan dịch bệnh.
Mặc dù, nơi gia đình anh sinh sống cách nơi làm nhiệm vụ khoảng chục cây số nhưng đã mấy tháng nay, anh không về thăm nhà vì quá bận rộn với công việc tại khu cách ly. Những lúc nhớ vợ con, anh cũng chỉ biết gọi điện thoại, liên lạc trong điều kiện sóng điện thoại yếu, chập chờn câu được câu chăng. “Các con nhỏ của tôi đang gửi ông bà nội chăm sóc ở Vĩnh Phúc, vì công việc, tôi cũng không có nhiều thời gian về quê thăm con. Có lúc nhớ con, nghe tiếng con gọi trong điện thoại mà thương. Tất cả vì nhiệm vụ và đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân là ưu tiên hàng đầu nên dù nhớ vợ con, tôi cũng đành nén lại, chỉ mong dịch chóng qua để được về thăm con”.
Cuộc “chiến” không ngơi nghỉ
Đồn Biên phòng Xín Cái quản lý hơn 23,8km đường biên giới, thuộc 2 xã Xín Cái và Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc). Trong câu chuyện của những người lính nơi tuyến đầu, chúng tôi cảm nhận được sự quyết tâm với tinh thần “chống dịch như chống giặc" của họ. Thượng úy Lê Huy Đức cho biết, nhận nhiệm vụ ở khu cách ly, anh đã cùng ăn, cùng ở, cùng đồng hành với họ, giúp các công dân yên lòng thực hiện đúng quy định của Nhà nước.
Anh và các lực lượng làm nhiệm vụ tại đây làm việc không kể giờ giấc. Có ngày, các anh tiếp nhận trên 100 công dân nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam. Có lần, đồng hồ đã điểm 2 giờ sáng, anh em tại trạm chuẩn bị đi ngủ thì có hơn chục trường hợp nhập cảnh trái phép được đưa đến khu cách ly. Anh cùng đồng đội và đội ngũ y tế lại phải thực hiện nhiệm vụ tới gần sáng mới được nghỉ. Cũng có lần, đêm khuya, đang ngủ, các anh phải thức dậy để tiếp nhận người cách ly. Cứ thế, công việc của Thượng úy Đức diễn ra hàng ngày với cường độ cao. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người lính mang quân hàm xanh, dường như càng trải qua nhiều gian nan càng giúp anh vững vàng trước khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không chỉ tận tụy với công việc, người quân y Biên phòng ấy còn có tấm lòng nhân hậu, tinh thần tương thân, tương ái, sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 9-2020, khu cách ly tiếp nhận một trường hợp khá đặc biệt, đó là một người phụ nữ cùng con nhỏ 4 tuổi quê gốc ở Cà Mau, lấy chồng ở Trung Quốc, rồi trốn về Việt Nam. Theo nguyên tắc, vì con chị mang quốc tịch Trung Quốc thì Đồn Biên phòng Xín Cái phải trao trả con chị cho nước Bạn.
Thấy được sự đau khổ của người phụ nữ khi phải xa con, Thượng úy Đức đã thuyết phục Chỉ huy đơn vị cho chị được giữ con lại bên mình trong quá trình cách ly. Ngoài ra, trong thời gian đó, cùng với sự nỗ lực của Đồn Biên phòng Xín Cái và BĐBP Hà Giang, con gái chị đã được nhập quốc tịch Việt Nam. Khi hết thời gian cách ly, từ sự quan tâm, báo cáo kịp thời của Thượng úy Đức, Chỉ huy đồn đã vận động CBCS trong đơn vị quyên góp tiền để chị mua vé máy bay và có lộ phí trở về quê nhà ở Cà Mau.
Biên cương Hà Giang mùa này mưa, lạnh, thậm chí tuyết phủ trắng từng thước đất, nhưng ở nơi ấy vẫn có những người lính quân hàm xanh như Thượng úy Đức đang thầm lặng ngày đêm, hết lòng vì sức khỏe, an toàn của người cách ly, phòng chống dịch Covid-19 ở biên giới, để nhân dân, đất nước yên tâm vui Xuân, đón Tết.
Thanh Thuận