Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 04:56 GMT+7

Kỷ niệm 108 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (7/8/1912 - 7/8/2020):

Thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công

Biên phòng - Chúng tôi ghé thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (HĐNN) Võ Chí Công tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vào những ngày đầu tháng 8. Chính tại làng quê này, 108 năm về trước đã sinh ra một con người bình dị, gắn bó với dân và hết lòng vì dân, vì nước. Ông là một đảng viên Cộng sản, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, là người con ưu tú của quê hương, đất nước - Cố Chủ tịch HĐND Võ Chí Công.

Một góc Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Ngôi nhà cũ của gia đình cố Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công đã bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, hiện nay, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công ngay trên vị trí khu vườn cũ của gia đình trước đây tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 29-3-2003 và hoàn thành giai đoạn I đúng dịp kỷ niệm 29 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975 - 24/3/2004). Năm 2017, công trình nâng cấp mở rộng Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công giai đoạn II hoàn thành và đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan. Sau khi mở rộng, khu lưu niệm có diện tích 16.000m2, gồm các công trình: Nhà đón tiếp, nhà thờ, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà chiếu phim và thư viện cộng đồng.

Nhà đón tiếp khách có kiến trúc nối liền với nhà chiếu phim có diện tích 656m2, với kết cấu bê tông giả gỗ, mô phỏng nhà ở dân gian Quảng Nam với 5 gian 2 chái, được trang bị ti vi màn hình rộng để phục vụ chiếu phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công. Đối diện với nhà đón tiếp là khu nhà tưởng niệm - nơi đặt bàn thờ với bức tượng bán thân bằng đồng của Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công do Ban liên lạc cán bộ kháng chiến Khu V kính tặng.

Tại đây, sau khi thành kính thắp nén hương bày tỏ tấm lòng tri ân, tưởng niệm, du khách có thể ghé thăm nhà trưng bày để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Công. Tất cả các hiện vật, tư liệu, hình ảnh được bài trí khá trang trọng, sắp xếp đúng theo từng giai đoạn lịch sử tham gia đấu tranh cách mạng của Bác Công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Qua đó, chúng ta thấy được tinh thần yêu nước, vai trò lãnh đạo của Bác Công quan trọng như thế nào đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh đều ghi lại những giai đoạn lịch sử cống hiến của Bác Công cho sự nghiệp cách mạng.

Cũng tại đây trưng bày những hiện vật liên quan đến sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Chí Công như: Chiếc bàn, ghế làm việc bằng gỗ, chiếc bàn tròn tiếp khách bằng gỗ, chiếc võng và tấm chăn bằng vải dù, cà mèn đựng thức ăn, bộ đồ bà ba đen, đôi dép cao su, chiếc gậy, cái đèn tự tạo, bộ dao cạo râu, hộp thuốc điều trị, đôi dép da, khẩu súng ngắn... Tất cả đã nói lên sự đồng cam cộng khổ của Bác Công với đồng đội, đồng chí trong những năm chiến tranh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhất là khi quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam năm 1965.

Những bài viết, bài phát biểu của đồng chí Võ Chí Công về các chủ trương lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, quê hương Quảng Nam cùng rất nhiều hình ảnh hoạt động của đồng chí Võ Chí Công khi được Đảng và Nhà nước giao cho những trọng trách quan trọng, những hình ảnh tiếp các đoàn khách quốc tế hay những hình ảnh đồng chí Võ Chí Công chụp với các đồng chí lãnh đạo các nước khi đồng chí đến thăm... cũng được trưng bày trang trọng tại đây.

Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách, tại khu lưu niệm có một thư viện cộng đồng nhỏ với diện tích 197m2 - là nơi lưu giữ sách, báo nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công. Tại đây, cũng lưu giữ hơn 1.000 đầu sách, báo, tạp chí... để phục vụ nhu cầu đọc sách của các cháu học sinh và nhân dân địa phương.

Từ khu nhà tưởng niệm, đi qua khoảng sân lát đá rợp bóng cây xanh và những hàng chè tàu được cắt tỉa gọn gàng, du khách có thể ghé thăm khu nhà thờ cũ trước đây để thắp nén nhang tưởng niệm. Nhà thờ cũng được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của Quảng Nam “tiền khách hậu tự”, bàn thờ đặt chính giữa, 2 gian 2 bên và có hiên phía trước, 2 chái thông nhau và có lối ra ở phía nhà tiếp khách. Đây chính là cấu trúc tam đoạn, cấu kiện bằng gỗ và mái lợp ngói âm dương, mặt quay về hướng Nam. Trong nhà thờ bài trí những hiện vật như: Chiếc rương gỗ, bộ ván (phản) bằng gỗ mít, bộ trường kỷ... mà trước đây, gia đình Bác Võ Chí Công đã từng sử dụng.

Đặc biệt, điểm nhấn của khu vực bàn thờ là hai câu đối chữ nhũ vàng khắc trên gỗ sơn đỏ do Huyện ủy Đại Lộc (Quảng Nam) tặng: “Từ Quảng Nam dấn bước tiền phong, tù ngục chẳng sờn lòng, võ trang diệt giặc giành đất rộng trời xanh, đưa Tổ quốc đến ngày toàn thắng/ Ra Hà Nội chung vai trọng trách, gian nan càng vững lái, tâm huyết dốc lòng lo dân giàu nước mạnh, cầm chính quyền giữ phép chí công”.

Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công là một di tích lịch sử lưu niệm danh nhân tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam, gắn liền tuổi trẻ và những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí ở quê nhà với sự tồn tại và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công còn là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào của dân tộc, một trong những địa chỉ đỏ về hoạt động giáo dục truyền thống và sinh hoạt văn hóa cho các thế hệ không chỉ riêng đối với tỉnh Quảng Nam, mà còn đối với cả nước. Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia tại Quyết định số 2624/QĐ-BVHTTDL ngày 18-7-2012.

Lâm Đăng Khoa

Bình luận

ZALO