Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 07:29 GMT+7

Thắm đượm tình người đất Nậm Sim

Biên phòng - "Em nhớ mẹ, mẹ hay về thăm em trong giấc mơ. Ngày còn mẹ, chúng em còn có nhà để ở, được đi học. Em muốn đi học lắm, nhớ trường, nhớ cái chữ", cô bé 13 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ vừa nhặt từng cọng rau trên rừng, vừa khẽ khàng thủ thỉ. Đó là trường hợp của hai cháu bé người dân tộc Si La mồ côi cả cha lẫn mẹ được Đồn BP Leng Su Sìn (Điện Biên) nhận đỡ đầu và đồng bào Nậm Sim đùm bọc, nuôi dưỡng.

 1505a.gif
Gạch đỏ Đồn BP Leng Su Sìn chuẩn bị xây nhà cho hai bé mồ côi.

Cách Đồn BP Leng Su Sìn 25km, con đường cắt ngang qua Nậm Sim đã dễ đi hơn rất nhiều so với trước đây. Nậm Sim có 44 hộ, 156 khẩu là người dân tộc Si La, một dân tộc rất ít người đang được Nhà nước bảo tồn. "Bản ta đậu ở cái đất này già 20 năm rồi, cũng là nhờ cán bộ vận động, tuyên truyền an cư mới lạc nghiệp, xây được cái nhà vững chắc mới đi nương làm nhiều lúa, nhiều ngô cất trong nhà được" - Cụ Hù Chà Che, già làng được cộng đồng hết lòng yêu quý, tin tưởng, nói với chúng tôi. Người Si La ở bản Nậm Sim nay đã biết lợp nhà mái tôn, ở nhà gỗ. Những mái nhà san sát nhau, không tường rào đủ biết mối quan hệ trong dòng họ của người Si La khăng khít đến nhường nào.

Trung úy Lý Hừ Cà, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn BP Leng Su Sìn dẫn chúng tôi vào xem nơi ở cũ của hai chị em mồ côi. Ngôi nhà của Hù Có Ngài và Hù Chà Ngoại chỉ còn là nền đất rộng chưa đầy 20m2, nằm lọt thỏm xung quanh những căn nhà khác, cách đường chừng 100m. Căn nhà giờ chỉ còn bốn cây cọc chỏng chơ ở bốn góc nhà, không có mái che và những tấm phên bao bọc xung quanh. Nền nhà giờ là chỗ cho gà bới đất, cho lợn cày đất. Anh Cà chỉ sang: "Chị em Ngài và Ngoại đang ở nhờ gia đình cụ Che rồi chờ anh em cán bộ, chiến sĩ BĐBP cất ngôi nhà mới".

Cụ Hù Chà Che là người đi nhiều, biết rộng, am hiểu tinh tường, được mệnh danh là kho tàng sống về văn hóa, phong tục tập quán của người Si La. Cụ được Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên mời đi tham quan Thủ đô Hà Nội. Suốt dọc dải đất miền Trung, cụ đều đã đặt chân tới. Nhấm nháp chén nước thơm mùi lá cơm nếp, cụ kể cho tôi nghe về lễ cưới hai lần, Tết lúa mới, ma chay, tục làm lý, trang phục truyền thống... cụ bảo tình người ở Si La đầm ấm lắm. "Giữa xứ rừng thiêng nước độc thế này phải đùm bọc nhau mà sống, yêu thương chung sức mới tránh được con hùm, con beo, cùng nhau làm, cùng rủ nhau đi học cái chữ". Đó là những lời ghi tâm khắc cốt của vị già làng truyền dạy cho cháu con bao đời.

Hôm nay, cô bé Ngài phải đi trông trẻ thuê trên nương cho người trong bản, chỉ có bé Ngoại 5 tuổi đang trèo lên ụ đất chơi với đám trẻ trong bản. Ngoại hồn nhiên như bao đứa trẻ khác, tuổi em còn quá nhỏ chưa thể hiểu rõ mất mát, đau đớn. Có chăng cũng chỉ là tiếng gọi mẹ ú ớ trong mơ với những dòng nước mắt trộm rỉ ra từ khóe mắt những khi đói lòng, khát sữa, nhớ vòng tay mẹ. Ngoại hay nhắc tới mẹ, Ngài phải dỗ em rằng, Ngoại ngoan thì mẹ sẽ về, cậu bé 5 tuổi tấm tức lã chã nước mắt, nhưng chơi với đám bạn trong bản rồi cũng quên mau, lại cười hồn nhiên như tuổi em phải thế.

 Ngài đã học hết lớp 5, nhưng từ khi mẹ mất, Ngài bỏ lớp, bỏ sách, bỏ vở ở nhà trông em. Chờ em đến chiều muộn, nhìn theo tay anh Cà chỉ, tôi thấy Ngài nhỏ thó, đen đúa, đang lon ton từ trên con dốc xuống, đầu không mũ, chân không dép, tay ôm mớ rau rừng vừa mới kiếm được cho bữa tối nay. Bóng em đổ dài trên con đường mập mờ còn chút nắng hắt buổi cuối chiều. Đôi bàn chân đi nhanh như không chạm đất, tiến về phía ngôi nhà giữa bản. Chững chạc hơn tuổi, nụ cười đã bớt tươi, em dè dặt với người lạ, ánh mắt lẩn tránh, phải lâu lắm, tỉ tê, cùng nhặt rau, cùng đun nước, thủ thỉ trong căn bếp nhỏ chập choạng, em mới bắt đầu mở lời, sao mà xa xót: "Mẹ bỏ chúng em đi từ mùa gặt năm ngoái. Em nhớ mẹ, mẹ hay về thăm em trong giấc mơ. Ngày còn mẹ, chúng em còn có nhà để ở, còn được đi học. Em muốn đi học lắm, nhớ trường, nhớ cái chữ. Em muốn làm cô giáo như cô Pờ Cố Vư, gùi cái chữ về cho Ngoại, cho người Si La".

Ở tuổi 13, tuy vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng Ngài đã có thể làm nương, địu em, nấu cơm, gánh nước, kiếm củi... khéo léo và tháo vát như thiếu nữ Si La 16 tuổi. "Ngài ngoan ngoãn, hiền lành, chăm làm, thương em, tuy em có chút rụt rè nhưng chịu thương chịu khó, ham học hỏi, cả ở bản ai cũng quý mến, đùm bọc" - Cụ Che với ánh mắt nghiêm nghị vừa khen, vừa phê bình để em tiến bộ hơn. Trao đổi với trưởng bản Lỳ Hồng Sơn, chúng tôi được biết, mẹ hai bé cùng bà ngoại di cư từ Mường Tè (Lai Châu) sang đây từ những năm 1990. Không còn ai rõ danh tính người cha, người bà sau đó mất. Năm 2012, mẹ của Ngài và Ngoại cũng ra đi, để lại hai em bơ vơ giữa đường đời khi các em còn quá non nớt.

"Cô có thấy đống gạch đỏ kia không? Con sắp có nhà mới rồi, nhà bằng gạch đỏ duy nhất ở Nậm Sim. Các chú BĐBP sắp dựng nhà cho chị em con. Chúng con sẽ được đi học, con sẽ dạy cho bé Ngoại biết đánh vần, biết làm toán". Nỗi đau mất mẹ, không còn cha thật quá lớn, thật xót xa. Nhưng cạnh các em có già làng Che, có trưởng bản Sơn, có bộ đội Cà, Đồn BP Leng Su Sìn, thật ấm lòng biết bao. Ngài và Ngoại đã có thêm những người cha mang quân hàm xanh yêu thương, chăm sóc các em như mẹ hiền.

Vũ Trang

Bình luận

ZALO