Biên phòng - Ngày 6-6, Tiểu ban Cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thái Bình tổ chức tổng kết công tác cứu hộ, cứu nạn năm 2017, triển khai nhiệm vụ công tác cứu hộ, cứu nạn năm 2018. Đồng chí Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng Tiểu ban Cứu hộ, cứu nạn tỉnh chủ trì; lãnh đạo các ngành Công an, Quân sự, Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham dự cuộc họp.

Năm 2017, nước ta có 16 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Tỉnh Thái Bình chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và số 10 gây mưa lớn và nước dâng, xuất hiện lũ lớn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện nhân lực, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê, kè, cống. Thực hiện di dân ở khu vực xung yếu, nguy hiểm vào nơi an toàn. Huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang toàn tỉnh thu hoạch lúa giúp dân tại các vùng bị ngập úng do mưa lớn gây ra. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời, chính xác diễn biến thời tiết để người dân chủ động ứng phó. Công tác cứu hộ, cứu nạn được các địa phương, đơn vị tích cực triển khai thực hiện.
Tiểu ban Cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thái Bình đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Các cấp, các sở, ngành, hội đoàn thể tích cực tham gia công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra với nhiều hình thức, góp phần sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Đối với BĐBP Thái Bình, năm 2017 đã tổ chức cứu nạn 6 phương tiện với gần 30 ngư dân vào đất liền an toàn. Tổ chức kêu gọi hàng ngàn phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn, giúp dân hàng ngàn ngày công lao động thu hoạch lúa, chằng chống phương tiện và sửa sang nhà cửa...
Theo kế hoạch nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn năm 2018, UBND tỉnh Thái Bình thống nhất thành lập 3 tổ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, nắm chắc số lượng tàu thuyền và vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai cứu hộ, cứu nạn. Hướng dẫn cụ thể việc neo đậu phương tiện tàu thuyền vào nơi an toàn, tổ chức thường trực 24/24 giờ khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Thực hiện tốt chế độ báo cáo, huy động lực lượng vật tư, phương tiện cho công tác cứu hộ, cứu nạn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về công tác cứu hộ, cứu nạn...
Lại Hợp Khánh