Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:19 GMT+7

Thách thức xuyên biên giới

Biên phòng - Nếu đánh giá một nước có môi trường an ninh phức tạp và đầy thử thách, cả bên trong lẫn bên ngoài, thì không thể không nhắc tới Myanmar. Giành độc lập (từ Anh) vào tháng 1-1948, Myanmar đã trải qua rất nhiều phong trào vũ trang sắc tộc kể từ đó và đã có một giai đoạn quân đội cai trị kéo dài (1988-2010).

myanmar
Các công ty kinh doanh điện thoại di động đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Myanmar. Ảnh: Bloomberg

Trong bối cảnh nước này có các đường biên giới đất liền với cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ - hai quốc gia đông dân nhất thế giới và đang trỗi dậy mạnh mẽ, an ninh quốc gia và an ninh biên giới đang được Myanmar chú trọng.

Tháng 2-2016, Tatmadaw (các lực lượng vũ trang Myanmar) đã công bố Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên của mình, trong đó đánh giá về môi trường an ninh đối với Myanmar, chính sách an ninh quốc gia, chính sách quốc phòng và chiến lược quốc phòng. Sách Trắng xác định 5 lĩnh vực thách thức đối với an ninh quốc gia của Myanmar: chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội, và các lĩnh vực khác.

Sách Trắng nhấn mạnh nguy cơ các cường quốc nước ngoài “phát động chiến tranh đa chiều ở các nước nhỏ hơn vì lợi ích quốc gia của chính họ”, được biểu hiện ở việc tăng cường quân đội của các nước láng giềng, sự cung cấp hỗ trợ về trang thiết bị, tài chính và sự khuyến khích của các nhân tố bên ngoài dành cho các nhóm vũ trang trong nước, trong bối cảnh các vấn đề biên giới chưa được giải quyết. Đây được coi là những thách thức chính đối với an ninh quốc gia của Myanmar.

An ninh và nội lực

Nền tảng của chính sách an ninh ở Myanmar là khái niệm “sự thống nhất quốc gia là cần thiết; năng lực nhà nước là hàng đầu; nội lực là mãi mãi”. Người ta lập luận rằng khi sự thống nhất quốc gia suy yếu, nước đó phải đối mặt với sự xâm lược bên ngoài hoặc sự bẽ mặt về ngoại giao, do đó cần phải tập trung vào “sự thống nhất quốc gia” trên cơ sở tinh thần đoàn kết liên bang. Hơn nữa, chỉ khi có một “năng lực nhà nước” mạnh mẽ thì mới có an ninh cho cả nhà nước và người dân. Do đó, xây dựng năng lực nhà nước là nhiệm vụ quốc gia hàng đầu. Trong bối cảnh này, năng lực thực sự của nhà nước chính là nằm ở “nội lực” của đất nước.

Nằm ở phần cốt lõi của chính sách an ninh quốc gia lấy nhà nước làm trung tâm của Myanmar là cái gọi là khái niệm “3 sự nghiệp quốc gia chính của chúng ta”, đó là sự không tan rã của nhà nước dân chủ liên bang, không tan rã tình đoàn kết dân tộc, và chủ quyền vĩnh viễn. Việc kết hợp an ninh nhà nước với an ninh chế độ là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tư duy về các ưu tiên an ninh của Myanmar. Những thách thức an ninh nội bộ được xem là các vấn đề chính sách trong nước được giải quyết thông qua biện pháp chính trị và quân sự, trong khi các vấn đề bên ngoài được giải quyết thông qua các chính sách đối ngoại và quốc phòng.

Theo Sách Trắng, các vấn đề an ninh phi truyền thống, như buôn người, buôn bán ma túy, tội phạm xuyên quốc gia và di cư bất thường “sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia”. Hơn nữa, chủ nghĩa thực dân mới - dưới hình thức sự thâm nhập quá mức của nền văn hoá khác thông qua công nghệ hiện đại - sẽ gây nguy hiểm cho tinh thần đoàn kết Liên bang, sự thống nhất quốc gia và bản sắc quốc gia cùng với lịch sử của tất cả các dân tộc, và gây tổn hại cho an ninh quốc gia.

Tương tự, tính đa dạng của các nhóm sắc tộc thiểu số (không phải người Miến) và sự tồn tại của các nhóm vũ trang với lựa chọn ẩn náu dọc các đường biên giới cũng có thể trở thành những thách thức đối với an ninh quốc gia. Trong khi đó, thảm họa tự nhiên, an ninh hàng hải, an ninh lương thực và an ninh năng lượng cũng là những yếu tố tác động cần tính đến.

Xử lý thách thức xuyên biên giới

Trong lịch sử, Myanmar đã trải qua quá khứ kiểu “bị xâm lược” từ bên ngoài, với Trung Quốc những năm 50-60 của thế kỷ trước và với cả Thái Lan. Cuộc xung đột biên giới giữa Myanmar và Thái Lan vào đầu những năm 2000 cũng là một lời nhắc nhở về sự kình địch trong lịch sử giữa hai nước.

Tuy nhiên, thách thức an ninh bên ngoài nghiêm trọng được nêu bật là một số cường quốc hiện đang can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia nhỏ hơn bằng cách sử dụng các lý do dân chủ hóa, nhân quyền và nhân đạo - bao gồm khái niệm R2P (Trách nhiệm Bảo vệ) như một cái cớ để định hình các sự kiện và những diễn biến ở các khu vực quan trọng về địa chiến lược. Sách Trắng cho thấy suy nghĩ của Myanmar ở các cấp quốc tế, khu vực và quốc gia.

Trong lịch sử, chính phủ Myanmar đã theo đuổi một chính sách về các mối quan hệ không liên kết và cân bằng giữa các cường quốc chủ chốt. Mặc dù những nhận thức về an ninh của Myanmar về bản chất chủ yếu là mang tính thực tế, nhưng nước này nhận thấy một số giá trị ở các thể chế quốc tế và khu vực trong việc điều chỉnh các mối quan hệ nước lớn và giảm nhẹ bất cứ cuộc đấu tranh giành quyền lực bất chính nào. Ở cấp khu vực, Myanmar ưa thích ASEAN và các thể chế có liên quan của khối này như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Tin tưởng rằng không có các thỏa thuận an ninh hoặc phòng thủ tập thể nào có thể mang lại an ninh quốc gia cho Myanmar, các chính quyền kế tiếp nhau ở Myanmar đã làm rõ rằng trung lập hoặc không liên kết là tốt nhất. Ở cấp quốc gia, nước này nhấn mạnh việc phát triển các năng lực của nhà nước để đảm bảo chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Myanmar.

Thực tế địa chính trị và địa chiến lược của Mi-an-ma trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nước lớn trong và ngoài khu vực cũng là một yếu tố quan trọng trong việc định hình chính sách an ninh quốc gia của Myanmar. Có thể thấy việc tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ các cường quốc bên ngoài, dưới hình thức an ninh tập thể và phòng thủ tập thể, chưa bao giờ là một lựa chọn chính sách cho Myanmar kể từ đầu những năm 1950. Myanmar mong muốn đối phó với những thách thức về an ninh thông qua một chính sách đối ngoại không liên kết “theo chủ nghĩa thực tế”, kiên quyết tránh cả các chiến lược cân bằng lẫn lôi kéo. Việc duy trì các mối quan hệ chính xác và cân bằng với tất cả các cường quốc chủ chốt trên thế giới là nền tảng của chính sách đối ngoại trung lập của Myanmar.

Thông qua chính sách đối ngoại này, Chính phủ Myanmar cũng tìm cách ngăn chặn mọi cớ can thiệp của các nước khác, đặc biệt là các nước láng giềng. Thông qua chính sách ngoại giao quốc phòng song phương, Tatmadaw cũng tìm cách phòng ngừa hoặc kiềm chế các mối đe dọa vũ trang bên ngoài, ngăn chặn hoặc giảm thiểu sự tiếp tay từ bên ngoài cho các tổ chức vũ trang sắc tộc, nhờ đó bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO