Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 16/09/2024 10:44 GMT+7

Thách thức với vấn đề phát triển bền vững

Biên phòng - Những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả nền kinh tế, mà còn tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta. Vấn đề giảm thiểu tác động và thích ứng với BĐKH ở vùng DTTS đang là  “bài toán” cần lời giải để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, từng bước phát triển bền vững khu vực này.

Vấn đề BĐKH đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đồng bào DTTS. Ảnh: Linh Đan

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, cộng đồng các DTTS ở Việt Nam có khoảng 14 triệu người, sinh sống tập trung ở các vùng núi, trung du, ven biển, cửa sông, rừng đầu nguồn và các lưu vực sông... - nơi luôn bị tác động mạnh mẽ của thiên tai.

Nhiều năm trở lại đây, ở khu vực phía Bắc, Bắc Trung bộ, người dân nói chung và cộng đồng DTTS không chỉ chịu những đợt rét đậm, rét hại, mà còn thêm cả mưa tuyết làm chết gia súc, gia cầm, vật nuôi, thiệt hại về hoa màu; tình trạng mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất phá hỏng đường giao thông, hư hại nhà cửa, đường dây điện, thậm chí gây chết người. Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hạn hán, nắng nóng kéo dài gây ra tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Thậm chí, nắng nóng còn kéo theo dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trong khi đó, ở dọc vùng duyên hải miền Trung và Nam bộ, nước biển dâng, sạt lở đất, xâm nhập mặn cũng đã làm người dân điêu đứng; sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản bị đình trệ... BĐKH trong những năm qua không còn là nguy cơ tiềm ẩn nữa mà đã trở thành nỗi lo hiện hữu mà đồng bào DTTS phải đối mặt hàng ngày.

Ở góc độ xã hội, theo phân tích của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, BĐKH làm cho tình trạng nghèo của đồng bào DTTS trở nên trầm trọng hơn, do sinh kế của họ chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi đó, vấn đề sử dụng tài nguyên thiên nhiên lại phụ thuộc không ít vào điều kiện khí hậu. Đây là lý do khiến cho cộng đồng DTTS luôn sống trong vòng luẩn quẩn giữa tình trạng suy thoái và nghèo đói. Mặt khác, BĐKH sẽ làm thay đổi tập quán và địa bàn cư trú của người dân. Nhiệt độ tăng cao có thể làm một số DTTS ít người bị đẩy dần lên cao, làm gia tăng tình trạng di cư của các nhóm DTTS. Đặc biệt, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên, BĐKH tác động mạnh về mặt xã hội sẽ góp phần làm tăng các mâu thuẫn và xung đột xã hội về đất đai, nhà ở, nơi cư trú và vấn đề khai thác các nguồn lợi, đến sinh kế của các nhóm DTTS.

“Rõ ràng, BĐKH đang tác động ngày càng rõ rệt đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhất là ở những địa bàn miền núi - nơi dân cư phần lớn là đồng bào DTTS. Dù đã chủ động khắc phục khó khăn, nhưng đại bộ phận người dân ở khu vực này còn thiếu năng lực, công cụ để thích ứng với BĐKH, đặc biệt là trong sản xuất” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên nhấn mạnh.

Theo phân tích của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên, vấn đề BĐKH tác động lớn đến diện tích, chất lượng canh tác, sinh trưởng và năng suất cây trồng; làm tăng chi phí tái sản xuất với trồng trọt. Điều này khiến cho nông dân ở một số vùng không tha thiết với ruộng đất. Một số nơi hiện tượng bỏ đất đang diễn ra...

Được biết, để giảm thiểu các tiêu cực do BĐKH, Chính phủ đã có chiến lược, quy hoạch hạ tầng thủy lợi, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với những giải pháp căn cơ, lâu dài. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành chức năng, các địa phương tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kể cả trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất thiệt hại, giảm tới mức thấp nhất khó khăn của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình kế hoạch này ở các vùng DTTS còn nhiều khó khăn, trở ngại. Nhiều làng, bản, xã, phường cơ sở, chương trình kế hoạch ứng phó với BĐKH chưa được xây dựng hoàn chỉnh và chưa quán triệt trong cộng đồng dân cư. Nhiều người DTTS thậm chí còn chưa hiểu hết nguy cơ của BĐKH.

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Hà Giang giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Quang Long

Theo ông Kiên, để hạn chế tác động của vấn đề BĐKH vào vùng DTTS, các cơ quan chức năng và người dân cần có hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi về đất đai, tài nguyên trước các tác động của BĐKH ở các vùng DTTS.

“Chúng ta cần thiết lập, ứng dụng các mô hình như báo cáo tổng thể tác động của BĐKH để phát triển kinh tế-xã hội và tài nguyên, môi trường. Lập bản đồ dự báo và kế hoạch ứng phó ở các vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, xâm nhập mặn, để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần điều tra, tổng hợp để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về BĐKH theo chuẩn quốc tế, áp dụng cho từng vùng DTTS. Có cơ chế phù hợp nhằm khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin có hiệu quả nhằm ứng phó hiệu quả kịp thời với BĐKH, bảo đảm đời sống cho đồng bào các DTTS” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên khuyến nghị.

Theo những nghiên cứu đã được tiến hành, diện tích rừng Việt Nam ngày càng giảm. Năm 1976, diện tích rừng nước ta là 11 triệu ha với tỷ lệ che phủ 34%, hiện nay chỉ còn 27,7%, trong đó, Tây Bắc chỉ còn 8-10%. Tài nguyên rừng cơ bản bị tàn phá dẫn đến vấn đề đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng. Nước ta đang có 500 loài thực vật, 85 loài thú, 63 loài chim, 54 loài động vật có xương sống đang mất dần, trong đó có 100 loài thực vật, 83 loài thú, 60 loài chim, 40 loài động vật có xương sống đang có nguy cơ tuyệt chủng. Có 37 loài các nước ngọt, 38 loài cá nước mặn đang cạn kiệt nhanh, trong đó, có nhiều loại hải sản có kích cỡ lớn, có giá trị thương mại cao. Theo các công trình nghiên cứu và các thông tin điều tra được công bố, tại tất cả vùng DTTS đang sinh sống, các nguồn nước đang bị cạn kiệt và ô nhiễm, biểu hiện là nước mặt ở các hồ ao, sông, suối cạn kiệt nhất là vào mùa khô. Đây là các yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh kế của đồng bào DTTS.

Linh Đan

Bình luận

ZALO