Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 08:03 GMT+7

Thách thức trong năm 2014 của ông V.Pu-tin

Biên phòng - Năm 2013, dưới sự chèo lái tài tình của nhà lãnh đạo Vla-đi-mia Pu-tin, nước Nga đã đóng một vai trò quan trọng và chiếm vị trí trung tâm trên vũ đài chính trị thế giới. Tân Hoa xã cho rằng, thông qua sự hiện diện khắp lục địa Á-Âu, làm cầu nối giữa phương Đông và phương Tây, nước Nga đang trên con đường khôi phục niềm kiêu hãnh cũng như ảnh hưởng đối với thế giới.

dhxv_24a-1.jpg
Tổng thống Nga V.Pu-tin (trái) và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Lốt Ca-bốt, Mê-hi-cô, ngày 18-6-2012. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Tổng thống Pu-tin nhậm chức hơn một tháng trước đó. Ảnh: AFP
Sức mạnh Pu-tin

Ông Pu-tin trở lại nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba trong bối cảnh tình hình nước Nga và quốc tế không nhiều thuận lợi. Tỷ lệ ủng hộ ông tại cuộc bầu cử thấp hơn so với hai nhiệm kỳ trước. Mặc dù khả năng xảy ra cách mạng màu ở Nga là rất thấp, song nhìn chung, tỉ lệ ủng hộ của người dân đối với đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất nói chung và cá nhân ông Pu-tin nói riêng giảm sút. Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Nga chưa thoát khỏi khủng hoảng, ảnh hưởng lớn đến việc thực thi các cam kết mà ông Pu-tin đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử. Trên bình diện quốc tế, hơn một năm ông Pu-tin cầm quyền là khoảng thời gian mà tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Với đặc thù là Nhà nước liên bang và thể chế cộng hòa tổng thống, Tổng thống Pu-tin có vai trò đặc biệt quan trọng đằng sau những thành công và cả thất bại đối ngoại của Liên bang Nga trong hơn một năm trở lại cầm quyền.

Ông A-lếch-xây Phê-nen-cô, Phó Tiến sĩ lịch sử, chuyên viên khoa học kỳ cựu của Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc tế, đồng thời là giảng viên bộ môn Quan hệ quốc tế tại hai trường Đại học danh tiếng của Nga là Học viện Ngoại giao và Đại học Tổng hợp quốc gia Mát-xcơ-va cho rằng, trong hơn một năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Nga đã đạt được 6 thành tựu nổi bật. Thứ nhất, Nga đưa ra và thực hiện dự án thành lập Liên minh Á-Âu. Đây được coi là nhiệm vụ ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của Nga giai đoạn 2012 - 2018. Nga đã bước đầu đạt được thành công qua việc vận hành Liên minh Hải quan giữa Nga - Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan. Thứ hai, trong vụ bê bối nghe lén do Ét-uốt Xnâu-đơn, cựu nhân viên tình báo của CIA tiết lộ, Nga là nước dám cấp quy chế tị nạn chính trị cho nhân viên này, qua đó ghi điểm cho ông Pu-tin. Thứ ba, dư luận quốc tế đánh giá cao vai trò của Nga tại Trung Đông, sau khi Crem-li ngăn chặn được sự can thiệp vũ lực của Mỹ và phương Tây vào Xy-ri vào phút chót và nỗ lực trong thỏa thuận hạt nhân I-ran. Thứ tư, bằng nỗ lực của Nga, cộng đồng quốc tế đang dần khôi phục vị thế trung tâm của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các xung đột, tạo nền tảng cho việc xây dựng trật tự thế giới mới công bằng và minh bạch hơn, dần loại bỏ sự áp đặt hành động đơn phương trong các vấn đề quốc tế. Thứ năm, Nga đã làm giảm ảnh hưởng của Liên minh châu Âu (EU), ngay cả đối với các nước láng giềng của khối này. Việc ông Pu-tin quyết định can thiệp bằng gói cứu trợ trị giá nhiều tỷ USD đối với U-crai-na, qua đó, U-crai-na đột ngột tạm dừng chương trình liên kết với EU, chứng tỏ áp lực của Nga có một sức mạnh nhất định. Thứ sáu, việc Nga đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa đông tại Xô-tri cũng có ý nghĩa không nhỏ khi Nga cần sự kiện thể thao này nhằm đạt được sự thừa nhận của phương Tây đối với vấn đề Tre-sni-a và hai vùng lãnh thổ Áp-kha-di-a, Bắc Ô-xê-ti-a.

Trong chính sách hướng Đông của ông Pu-tin, các chuyên gia cho rằng, vẫn chưa có "bước đột phá nào" trong năm 2013, song những động thái ngoại giao đang đi đúng hướng thể hiện qua quan hệ hợp tác đối tác chiến lược với Trung Quốc, thành công mang tính chiến thuật trong quan hệ Nga - Nhật với việc cả hai bên lần đầu tiên tổ chức Hội đàm "2+2" (hội đàm giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước), hay hợp tác kỹ thuật - quân sự chặt chẽ với Ấn Độ và Việt Nam.

AFP bình luận, năm 2013 vừa qua là một năm không thể thành công hơn của Tổng thống Pu-tin. Với chính sách ngoại giao của ông Pu-tin, không quyết đoán hay gây chiến, mà thay vào đó là kiến tạo hòa bình, Nga đang trên con đường phục hồi niềm tự hào dân tộc, đề ra chương trình nghị sự quốc tế và tham gia xây dựng trật tự thế giới mới.

Năm 2014 đầy thách thức

Bên cạnh những thành công đạt được, Nga còn gặp không ít khó khăn, đồng nghĩa với việc Tổng thống Pu-tin phải trải qua nhiều áp lực. Theo quan điểm của Nga, việc đưa Ki-ép trở lại quỹ đạo của nước này được xem là một chiến thắng ngoại giao trước EU. Tuy nhiên, trong suốt lịch sử 20 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga vẫn chưa đưa được U-crai-na vào vòng ảnh hưởng tuyệt đối. Chiến thắng của Nga trước EU trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại U-crai-na mới chỉ mang tính chất tạm thời. Bên cạnh đó, việc U-dơ-bê-ki-xtan ra khỏi Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể cũng là một thất bại của Nga. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, quan hệ Nga - Mỹ hiện nay đang rơi vào tình trạng căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Trong hơn một năm qua, Nga - Mỹ chưa có cuộc đối thoại cấp cao trực tiếp nào, ngoại trừ các cuộc gặp bên lề các sự kiện quốc tế. Xu thế quan hệ hai nước hiện nay đang đi theo hướng tiếp tục chạy đua vũ trang. Điều này không có lợi cho Nga trong bối cảnh kinh tế chưa cho phép đối đầu trực diện với Mỹ.
lpcs_24b-1.jpg
Ngày 5-1, hàng nghìn người ủng hộ chính sách thân EU xuống đường biểu tình tại Thủ đô Ki-ép, U-crai-na. Chiến thắng của Nga trước EU trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại U-crai-na mới chỉ mang tính chất tạm thời. Ảnh: Reuters

Quan hệ Nga - EU phát triển theo hướng bất lợi cho Nga với việc Pháp giảm dần vai trò là trung gian dàn xếp quan hệ giữa Nga và Mỹ, trong khi đó, quan hệ với Đức, đối tác lớn nhất của Nga tại châu Âu cũng bị rạn nứt vì chương trình "Đối tác phương Đông" của EU và một số vấn đề khác.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung gần như chia khu vực này thành hai khối rõ rệt là Trung Quốc và các nước còn lại, trong đó, không có vị trí nào dành cho Nga. Sự xâm lấn kinh tế, chính trị và văn hóa của Trung Quốc đối với một số nước láng giềng Trung Á ngày càng thể hiện xu thế rõ nét, trong khi Nga chưa đưa ra được biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Trong khi đó, nền kinh tế Nga đang ngày một có dấu hiệu rơi vào chu kỳ đình trệ với mức tăng trưởng thấp, không phải do các yếu tố bên ngoài mà là bởi sự hạn chế của ông Pu-tin trong việc đưa Nga thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân và cải cách hệ thống tư pháp.

Giải quyết bài toán kinh tế trong nước và các mối quan hệ bên ngoài vốn đang nằm trong bối cảnh có nhiều biến động là những thách thức đối với Tổng thống Pu-tin trong năm 2014 này.
Bảo Hà

Bình luận

ZALO