Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:42 GMT+7

Thách thức thống nhất một quốc gia bị chia rẽ

Biên phòng - Giới chuyên gia chính trị Pháp đánh giá, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tái đắc cử thành công và sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức phức tạp hơn nhiệm kỳ đầu tiên. Ông Macron thêm một lần vượt qua đối thủ Marine Le Pen với 58,54% số phiếu bầu để trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên sau 2 thập kỷ đắc cử nhiệm kỳ thứ 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đệ nhất phu nhân Pháp Brigitte Macron trên sân khấu sự kiện chúc mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối tuần trước. Ảnh: REUTERS

Trong cuộc bầu cử năm 2017, ông Macron từng vượt qua bà Le Pen khi giành được hơn 66% số phiếu bầu. Giới quan sát đánh giá, trong cuộc bầu cử vừa qua, tín nhiệm của cử tri đối với ông Macron đã giảm và kết quả của phe đối lập lần này tốt nhất từ trước tới nay với 41,46% số phiếu bầu. Ở góc độ quốc tế, giới chuyên gia chính trị châu Âu đánh giá, chiến thắng của ông Macron đã khiến cả châu Âu thở phào nhẹ nhõm vì quốc gia có vị thế quan trọng bậc nhất của Liên minh châu Âu (EU) này đã ít nhiều giữ được sự ổn định chính trị, thay vì tiếp tục có những sự xáo trộn như những dự báo trước đó.

Nhiều nguyên thủ quốc gia đã chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tổng thống Mỹ Joe Biden chúc mừng Tổng thống Macron, đồng thời nhấn mạnh, Pháp “là đối tác chủ chốt trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu”, bày tỏ Washington mong đợi hợp tác chặt chẽ với Paris trong nhiều vấn đề như Ukraine hay chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc mừng Tổng thống Pháp thành công trong các hoạt động sắp tới... Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng Tổng thống Pháp. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng đã chúc mừng ông Macron, trong đó, nhấn mạnh sự hợp tác và đoàn kết trong Liên minh châu Âu.

Dẫu vậy, trong nội tại nước Pháp vẫn hiện hữu những thách thức lớn. Dễ nhận thấy nhất là có tới 41,46% số phiếu bầu cho bà Le Pen, phản ánh rõ nét sự hoài nghi đối với chính quyền của ông Macron, cũng như sự chia rẽ khá lớn trong nội bộ đất nước. Một số học giả chính trị Pháp cùng chung nhận định rằng, hiện nay, có tới ba nước Pháp trong một nước Pháp, bởi các phe chính trị phân cực khá sâu sắc. Truyền thông Pháp dẫn các nguồn thống kê về bầu cử cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở vòng thứ 2 là thấp nhất kể từ năm 1969, cho thấy dấu hiệu nổi bật khác về sự bất đồng với chính trị của cử tri. Nhật báo Le Monde của Pháp gọi chiến thắng của ông Macron là một chiến thắng mà không có khúc khải hoàn.

Theo các nhà quan sát, vị tổng thống 44 tuổi đang có một danh sách dài những việc phải làm, trước mắt là chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6, nơi ông rất cần giữ được vị thế đa số ghế để thực hiện những tham vọng của mình. Song hành với đó, ông Macron cũng chịu nhiều áp lực đốc thúc phải thực hiện các cuộc cải cách đã bị trì hoãn trong nhiệm kỳ đầu tiên, đồng thời phải đương đầu trước những áp lực ngày càng gia tăng từ bất ổn an ninh châu Âu đang hiện hữu. Giới chuyên gia dự báo, ông Macron sẽ cố gắng thực hiện tầm nhìn của mình về những cải cách ủng hộ doanh nghiệp và hội nhập chặt chẽ hơn với EU, sau nhiệm kỳ đầu tiên bị lu mờ bởi các phong trào biểu tình rầm rộ, tiếp đó là đại dịch Covid-19 và các diễn biến bất ổn an ninh châu Âu trên nhiều phương diện.

Theo giới chuyên gia chính trị, trước mắt, ông Macron sẽ phải dành mối quan tâm hàng đầu đối với cuộc cạnh tranh với các phe chính trị đối lập đang có vị thế ngày càng mạnh trong chính trường. Giới chuyên gia cho rằng, đây chính là thách thức lớn nhất và việc tạo ra sự gắn kết trong một quốc gia đang bị phân cựu gay gắt như hiện nay phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Macron. Ngay sau khi đắc cử, ông Macron cũng thừa nhận thách thức này và cam kết hàn gắn những rạn nứt, chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đất nước. Đặc biệt là lời hứa xoa dịu cơn giận dữ đã khiến một bộ phận lớn người Pháp không bỏ phiếu cho mình.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO