Biên phòng - Ngày 24-7, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã tiếp ông Boris Johnson, Chủ tịch đảng Bảo thủ Anh tại Cung điện Buckingham. Cũng tại đây, ông Boris Johnson chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh thay cho bà Theresa May vừa từ nhiệm trước đó. Trong thời điểm Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đang tới gần, thách thức đối với người đứng đầu nước Anh càng trở nên nặng nề hơn.

Ông Boris Johnson đã giành chiến thắng trước đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt trong cuộc chạy đua vào chức lãnh đạo đảng Bảo thủ ngày 23-7 vừa qua với số phiếu ủng hộ tương ứng là 91.153 phiếu và 46.656 phiếu.
Ngày 24-7, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU vào đúng thời hạn chót 31-10. Tuy nhiên, theo ông Boris Johnson, "xứ sở sương mù" phải chuẩn bị kịch bản cho khả năng Brexit không thỏa thuận, nếu EU tiếp tục từ chối đàm phán lại thỏa thuận do cựu Thủ tướng Theresa May đạt được với các nhà lãnh đạo "ngôi nhà chung" tháng 11 năm ngoái. Ông Johnson khẳng định, ông có kế hoạch đạt một thỏa thuận Brexit mới, mặc dù EU nhiều lần tuyên bố sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hiện nay. Theo tân Thủ tướng Anh, London sẽ không chờ đợi thêm và giờ là thời điểm để hành động, đưa ra quyết định cũng như vai trò đi đầu mạnh mẽ nhằm thay đổi đất nước vì một tương lai tươi sáng hơn.
Sau bài phát biểu đầu tiên trước cửa số 10, phố Downing trên cương vị Thủ tướng, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc gặp gỡ với các thành viên trong Chính phủ của cựu Thủ tướng Theresa May và đưa ra quyết định bổ nhiệm các thành viên nội các mới. Trong danh sách nội các mới của Chính phủ ông Boris Johnson, các vị trí chủ chốt như Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đều thay bằng những gương mặt mới. Cụ thể, ông Sajid Javid được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Dominic Raab làm Ngoại trưởng Anh, bà Priti Patel được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, ông Ben Wallace giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Stephen Barclay tiếp tục làm Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit...
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng điều cần thiết nhất với ông Boris Johnson lúc này là sự đoàn kết và ủng hộ của đảng Bảo thủ, bởi ít thủ tướng thời bình nào của nước Anh lại nhậm chức trong bối cảnh có nhiều thách thức chính trị như hiện tại. Tỷ lệ đa số tối thiểu mà Chính phủ đang có nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục giảm trong trường hợp ông Johnson quyết tâm theo đuổi Brexit không thỏa thuận trước hạn chót 31-10 mà không thông qua Hạ viện. Giới phân tích Anh nhận định, bế tắc chính trị sẽ làm gia tăng khả năng dẫn đến một cuộc tổng tuyển cử sớm trong khi tiến trình Brexit thì vẫn mông lung như khi bắt đầu.
Trong phát biểu đầu tiên sau khi ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng Anh, nữ Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết, bà mong muốn sẽ hợp tác tốt với ông Boris Johnson để tiến trình Brexit được thực thi một cách trật tự và đáp ứng được lợi ích của cả EU và Anh. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ra nóng lòng muốn được làm việc với ông Boris Johnson sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, các lời lẽ ngoại giao không che giấu được một thực tế rằng, các lãnh đạo châu Âu đang nhìn về nước Anh với con mắt thận trọng và hoài nghi. Nguyên nhân chủ yếu không phải vì thái độ cứng rắn và có phần tiêu cực của tân Thủ tướng Anh với châu Âu mà chủ yếu vì tính cách khó dự đoán và các quan điểm mập mờ của ông Johnson về Brexit, bất chấp các phát biểu rất mạnh mẽ về việc nước Anh sẽ rời EU vào cuối tháng 10-2019 bằng mọi giá, kể cả Brexit không có thỏa thuận.
Thu Uyên