Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 11:13 GMT+7

Thác Bản Giốc và những cột mốc thiêng liêng

Biên phòng - Thác Bản Giốc nằm trên địa bàn xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Dòng thác cũng chính là một đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng, khơi dậy nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, hội họa và nhiếp ảnh...

ijkq_9a
Du khách chụp ảnh lưu niệm dưới chân thác Bản Giốc. Ảnh: Phan Anh

Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn (âm Hán Việt là Quy Xuân hà). Sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thủy, dòng sông lượn dưới chân núi Cô Muông trên các cánh đồng, bờ bãi quanh Bản Giốc và trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh. Đến Bản Giốc, lòng sông đột ngột tụt xuống hàng chục mét, đổ qua nhiều bậc núi đá vôi tạo thành thác nước hùng vĩ. Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba luồng nước, chia thành hai thác phụ và một thác chính. Ở giữa thác chính là cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc. 

Theo Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc (năm 1999), phần thác phụ hoàn toàn thuộc về lãnh thổ Việt Nam, phần thác chính chia đôi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thác chính có độ cao 70m, độ sâu 60m rộng 300m chia thành 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Dưới chân thác là mặt sông rộng, với hai bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng nguyên sinh, mặt sông này hai bên Việt Nam và Trung Quốc cùng sử dụng chung. Mặt sông dưới thác trong xanh như tấm gương khổng lồ, ngày đêm soi bóng vạn vật, đất trời khiến vẻ đẹp nơi đây thêm sinh động và cuốn hút.

Vẻ đẹp lung linh, tuyệt mỹ của thác Bản Giốc đã được người xưa thổi hồn bằng một thiên tình sử đầy bi thương của đôi trai gái người Tày lại càng ám ảnh du khách. Truyện xưa có kể rằng, có một người con gái Tày đẹp nhất của Bản Giốc được chàng Hoàng tử đem lòng yêu mến. Nhưng người con gái này lại đem lòng yêu một chàng trai bản bên. Nàng đã từ chối tình yêu của chàng Hoàng tử. Chàng Hoàng tử đã giận dữ sai người đi bắt cô gái đem về cung giam lại.

Biết chuyện, chàng trai người yêu của cô đã bất chấp mọi nguy hiểm đi tìm và cứu được người yêu. Đôi trai gái đã trốn thoát sau những ngày dài gian khổ. Khi về đến Bản Giốc, nơi trước kia họ gặp gỡ và yêu nhau thì cũng là lúc tối trời. Chàng trai và cô gái đã dừng lại khe suối ở bìa rừng để nghỉ ngơi. Vì sau nhiều ngày dài chạy trốn vất vả, cả hai đều kiệt sức, rồi lịm đi trong những vô vàn hồi tưởng về những kỷ niệm hạnh phúc ngọt ngào khi mỗi lần được ở bên nhau. Điều kỳ lạ là ngay sau ngày đôi trai gái trốn thoát khỏi nhà Hoàng tử thì trời có mưa liên tục tạo thành trận đại hồng thủy. Đến khi mưa tạnh, người ta thấy xuất hiện hai ngọn thác lớn ngày đêm miệt mài tung bọt nước trắng xóa ở khe suối, bìa rừng. Phía dưới chân thác, dòng nước lại trong xanh đến hiền hòa. Để tưởng nhớ mối tình thủy chung đầy bi thương của đôi trai gái, người dân đã đặt tên thác là Bản Giốc.

Bây giờ, hai bên dòng thác đang ngày đêm tung bọt trắng trời là mốc đôi 836 (1) và 836 (2) cắm hai bên Việt Nam và Trung Quốc. Đường biên giới phân định đi từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong chạy xuống điểm giữa của mặt thác chính, rồi chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn. Đứng bên cột mốc thiêng liêng của đất mẹ trong lồng ngực bỗng trào lên một cảm xúc rất lạ. Đó là cảm xúc về chủ quyền lãnh thổ, cảm xúc về đất mẹ yêu thương nơi tuyến đầu Tổ quốc và nghe đâu đây trong ầm ầm thác đổ là những lời nhắc nhủ của tiền nhân phải bảo vệ vững chắc từng tấc núi, thước sông của Tổ quốc.

Có lẽ, thấm nhuần lời di huấn của người xưa mà bao đời nay, các cư dân sinh sống trên dải đất này đã ngày đêm canh giữ từng bờ cây, ngọn cỏ của đất nước mà cha ông để lại. Cùng với những cột mốc tâm linh, cột mốc được phân định theo luật pháp quốc tế thì những người con ưu tú của đất Việt ấy cũng chính là những cột mốc chủ quyền sống động nhất, đẹp đẽ nhất.

Phan Anh

Bình luận

ZALO