Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 10:38 GMT+7

Tết yêu thương trong ngôi nhà của mẹ

Biên phòng - Mùa Xuân này, Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Năm đã bước qua tuổi 98. Một đời chịu nhiều đau thương, mất mát khi những đứa con mẹ dứt ruột sinh ra đã vĩnh viễn nằm xuống cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, mẹ vẫn mãi là “vầng trăng” ấm áp, yêu thương, là tấm gương sáng về tinh thần cách mạng để các thế hệ con cháu noi gương vững bước.

5rqc_24
Mẹ Năm hạnh phúc khi sum vầy bên con cháu và những người con Biên phòng. Ảnh: Phương Oanh

Nghe phía dưới nhà có các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Khánh Hòa đến thăm, mẹ mừng lắm. Từ tầng trên của căn gác xép, mẹ vội đứng dậy, đưa tay víu chặt thành cầu thang rồi áp người theo đó mà bước qua những bậc tam cấp để xuống nhà. Từng bước chân cứ luống cuống, vội vàng như thể mẹ sợ niềm vui tuột mất.

Trong niềm vui, mẹ dang đôi tay gầy guộc, ôm choàng những đứa con bộ đội. Mẹ lại bóp vai, nắn từng ve áo, sờ từng chiếc quân hàm, rồi rộn ràng hỏi chuyện. Quay sang người con này, mẹ hỏi, công việc con ra sao, cuộc sống còn khó khăn không. Quay sang người con khác, mẹ hỏi thăm con cái học hành tới đâu. Mẹ lại căn dặn, các con hãy luôn vẹn toàn trách nhiệm với đất nước, đừng phụ công cha anh đã ngã xuống.

Rồi mẹ hồ hởi kể: “Mấy hôm trước, xem trên Đài Truyền hình Khánh Hòa, thấy BĐBP cứu nhiều người dân trong bão, được bà con thương quý, nể phục, mẹ hãnh diện lắm!”... Nụ cười hồn hậu trên gương mặt của mẹ như sưởi ấm căn phòng khách trong buổi chiều cuối năm. “Từ ngày có thêm những người con BĐBP, mẹ mừng vui, phấn chấn hẳn lên. Thường vào mỗi tháng hay khi có dịp đi qua, anh em đều ghé vào nhà thăm, nghe mẹ tỉ tê kể chuyện. Vậy nhưng, hễ nghe tin BĐBP sắp đến, mẹ bồn chồn ra vào không chịu ngủ” - Chị Nguyễn Thị Yên, người con gái của mẹ Năm kể.

Suốt buổi chiều ngồi trong căn nhà nhỏ nơi thành phố biển Nha Trang, chúng tôi như được sống lại với không gian những năm tháng bi hùng mà đầy kiêu hãnh của mẹ. Thời chiến, làng quê nghèo thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi của mẹ là cái nôi cách mạng. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và Mỹ, ngụy.

Là người con trong gia đình vốn là cơ sở của cách mạng, lớn lên, mẹ tiếp nối truyền thống, “hạt gạo làm ra không dám ăn, tất cả dành để nuôi quân”. Mẹ ngày đêm tăng gia, gom góp lúa gạo, thuốc men, cất giấu kỹ càng, chờ có cán bộ xuống là gửi lên chiến khu nuôi bộ đội. Những năm cuộc đấu tranh thống nhất đất nước vào giai đoạn cam go nhất, cùng với việc khủng bố, truy sát gắt gao để uy hiếp những người theo cách mạng, địch lùng sục bắt quân dịch. Quyết không để các con bị bắt đầu quân cho địch, mẹ cùng chồng vội vã đưa cả gia đình rời làng quê Quảng Ngãi, vào lánh ở vùng đất Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Ở đây, tiếp tục kết nối với tổ chức, gia đình mẹ trở thành cơ sở bí mật, nuôi giấu cán bộ và tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho kháng chiến. Nhiều đêm, cán bộ về nhà mẹ ẩn náu, hội họp, địch phát hiện đã truy kích vây bắt, nhưng mẹ nhanh trí tìm cách đánh lạc hướng địch, giải vây cho tổ chức. Địch nghi ngờ, theo dõi, nhiều lần bắt mẹ đưa đi tra khảo, mẹ vẫn trước sau như một, “không thấy, không biết”. Mẹ kiên gan: “Các ông muốn giết tôi, thì cứ giết các con tôi trước, tôi chết rồi không ai nuôi nấng chúng!”. Không thể khai thác gì thêm, địch đành thả mẹ về.

Trong vòng tay của mẹ, những người con lớn lên đã sớm tiếp nhận ngọn lửa cách mạng, nung nấu tâm nguyện sẵn sàng góp sức cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Các anh Nguyễn Lưu Sách (anh Hai), anh Nguyễn Văn Hiền (anh Năm) và người con thứ bảy Nguyễn Văn Hậu của mẹ đến tuổi thanh niên đều thoát ly, theo kháng chiến.

Trong trận giao tranh ác liệt giữa ta và địch hồi Tết Mậu Thân 1968, anh Sách ngã xuống trên chiến trường huyện Vạn Ninh. Đến năm 1975, khi chỉ còn chưa đầy nửa tháng Khánh Hòa giải phóng, trên đường đi công tác, anh Hậu bị trúng đạn của địch và nằm lại bên bờ sông Dinh, thị xã Ninh Hòa. Ngày giải phóng, chỉ còn mỗi anh Hiền về với mẹ.

Là cán bộ đi kháng chiến, từng vào sinh ra tử, anh Hiền càng thấu hiểu đức hy sinh và sức nhẫn nhịn, chịu đựng của mẹ khi đã sẵn sàng hiến dâng những người con mà mẹ hết lòng yêu thương cho Tổ quốc. “Mẹ không đòi hỏi gì hết cho riêng mình, chỉ có niềm mong muốn bình dị tột cùng là con cháu thành người, trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với nhân dân. Với mẹ, tình yêu đất nước là tuyệt đối” - Anh Hiền khẳng định.

Kể về một thời chiến tranh, anh Hiền cho biết, nhà nghèo nhưng đứa con nào đi kháng chiến, mẹ cũng dốc hết lúa gạo, thức ăn, tiền nong trong nhà để gói ghém cho con mang theo lên cứ. Đêm xuống, tiễn con ra cửa, mẹ cố tỏ ra rắn rỏi: “Ráng theo các chú, các anh. Hễ quay về là mẹ không cho vô nhà”. Nói thì cứng vậy, nhưng con vừa bước đi, mẹ quay vô, vén tay áo, quệt nước mắt.

Sống giữa lòng địch, mỗi lần hay tin con hy sinh, mẹ bỏ ăn nhưng không dám khóc vì sợ bị lộ. Mẹ lao vào công việc như không biết đau đớn, mệt nhọc. Rồi đêm xuống, nước mắt mẹ cứ tuôn chảy để sáng ra phải kéo sụp chiếc nón lá che hết nửa mặt, giấu đi đôi mắt đã sưng nhòa. Thương những đứa con hy sinh chưa từng được biết một cái Tết bình yên, chưa biết những bữa ăn no đủ, những năm sau giải phóng, dù nhà rất nghèo nhưng cái Tết nào, mẹ cũng nấu một nồi bánh chưng thật to. Mẹ nói đó là dịp để đoàn tụ cả nhà.

Anh Hiền cho biết, từ đầu tháng Chạp, mẹ dành dụm tiền để mua nếp và đậu xanh. Qua ngày đưa ông Táo về trời là mẹ đi đặt mua lá chuối, dây lạt rồi tự tay mẹ lau lá, chẻ dây, gói bánh. Những chiếc bánh do tay mẹ gói vuông vức, đều tăm tắp và xanh um. “Chiều 30 Tết, khi bỏ bánh vào thùng, mẹ thầm gọi anh Sách, em Hậu về, quây quần cùng cả nhà chụm củi nấu bánh cho mẹ” - Anh Hiền kể.

Rồi anh rưng rưng xúc động: “Mấy năm nay, có thêm các con BĐBP, ngày Tết của mẹ Năm càng đông vui, rôm rả. Những hộp sữa, túi bánh kẹo, phần quà mà anh em BĐBP mang lên mừng tuổi mẹ, mẹ nâng niu, đặt lên bàn thờ của hai người con liệt sĩ, để “khoe” với các anh, cuộc sống mẹ giờ rất vui vẻ, đủ đầy. Cùng với sự chăm lo của con cái trong gia đình, sự quan tâm của các cấp chính quyền, của anh em BĐBP Khánh Hòa, mẹ đang sống những ngày thật mãn nguyện, hạnh phúc của tuổi già, bù đắp phần nào những đau thương, mất mát đã qua trong cuộc đời” - Anh Hiền tâm sự.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO