Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:20 GMT+7

Tết Việt ở bên kia biên giới

Biên phòng - Thường thì hoa đào sẽ nở vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng khóm đào trong sân Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình có khi khoe sắc giữa tháng 7 để tháng 4 Tết Lào lại một lần nữa bung cánh. Và, trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong công việc, mối quan hệ của những con người cùng chung nhiệm vụ bảo vệ đoạn biên giới giữa 2 tỉnh Khăm Muộn và Quảng Bình lúc nào cũng đong đầy tình hữu nghị anh em.

41b
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo tặng quà cho học sinh tỉnh Khăm Muộn, Lào. Ảnh: Trúc Hà

Tết Việt của người Lào

Nói đến tình Việt - Lào anh em, người ta thường nghĩ đến những câu chuyện đoàn kết, cùng chung chiến hào chiến đấu chống quân xâm lược bảo vệ quê hương đất nước. Nay, đất nước hòa bình, tình hữu nghị ấy lại được viết tiếp bằng những câu chuyện về thế hệ trẻ 2 nước cùng học tập, cống hiến và dựng xây hạnh phúc trên biên giới. Những câu chuyện mà chúng tôi gặp ở tuyến biên giới tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) và Khăm Muộn (Lào) là điển hình như thế.

Thiếu tá Phăn Lạ Khon, Đại đội trưởng Đại đội bảo vệ biên giới 312, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn từng học ở Đại học Văn hóa Hà Nội. Giữa Thủ đô, chàng trai Lào đã để ý cô bạn cùng trường Lê Thị Ngọc. Tình cảm chân thành của chàng trai đến từ đất nước Triệu Voi đã khiến cô gái Việt Nam này rung động. Ra trường, chị Ngọc ở lại Hà Nội, làm ở bộ phận một cửa Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, còn anh biền biệt ở Đại đội bảo vệ biên giới 312, giáp biên giới Quảng Bình. Hai đất nước, hai quốc tịch, lại xa biền biệt, nhưng gia đình hai bên vẫn ủng hộ mối lương duyên này.

Từ đấy, cứ năm này, gia đình của Thiếu tá Phăn Lạ Khon sang Việt Nam ăn Tết thì năm sau, gia đình chị Ngọc lại “tay xách nách mang” sang Lào. Bố của Thiếu tá Phăn Lạ Khon là bộ đội Pa Thét Lào, mỗi lần gặp bố của người yêu con trai mình, cũng là cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Xiêng Khoảng lại hàn huyên không dứt. 4 năm như vậy, chị mới trở thành vợ anh. Vậy nên, khi cậu con trai ra đời, anh chị đã đặt tên con là Pi May (năm mới). Đôi tháng, chị lại bắt xe từ Hà Nội vào Quảng Bình, qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo để thăm chồng. Giờ thì chị đã chuyển hẳn sang Lào sống cùng anh và gia đình ở tỉnh Khăm Muộn, thế nhưng, mỗi khi có dịp là chị lại đưa con, mời bố mẹ chồng, họ hàng nhà chồng sang Việt Nam chơi. Tất nhiên, Tết Việt, có bận đến mấy thì Thiếu tá Phăn Lạ Khon cũng gắng thu xếp để cùng vợ con sang Việt Nam ăn Tết.

Đại đội phó Đại đội bảo vệ biên giới 311, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn, Lào là Thượng úy Bun Thạ Vi Thục Mi Sít lại có quê ở ngay xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trong những năm chiến tranh, tránh bom đạn giặc, bố mẹ anh đã sang Lào sinh sống và anh được sinh ra, mang quốc tịch Lào. Thế nên, khi nhận công tác tại Đại đội 311, Thượng úy Bun Thạ Vi Thục Mi Sít vui lắm vì địa bàn quản lý tiếp giáp với quê hương anh. Đường từ huyện Na Kai về Minh Hóa khá xa và không được thuận tiện, nhưng mỗi lần ở quê có giỗ, đám cưới, đám hỏi, đám hiếu, anh đều thu xếp để về thăm và giúp đỡ họ hàng. Khi gặp mọi người, anh đều nói tiếng mẹ đẻ - tiếng của đồng bào Khùa nơi đây. Chẳng ai có thể nghĩ, trong huyết quản của người lính Biên phòng Lào kia lại đang dào dạt chảy dòng máu thuần Việt. Thượng úy Bun Thạ Vi Thục Mi Sít bảo, nếu Tết Việt nào gia đình anh không về quê được thì tổ chức ăn Tết tại Lào. Ở đó, có nhiều người gốc Việt nên Tết Việt ở Lào cũng rất vui.

41a
Thiếu tá Phăn Lạ Khon và vợ Lê Thị Ngọc hạnh phúc cùng con trai Pi May. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mùa Xuân miền trấn ải

Buổi sớm, trước khi chia tay đơn vị, chúng tôi cùng đứng nói chuyện ngoài sân. Thiếu tá Dương Đăng Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo chỉ tay về phía trước mặt, giới thiệu về dãy núi Giăng Màn dựng đứng, hiên ngang như bức tường thành. Nơi ấy, trong những năm chiến tranh, máy bay Mỹ đã oanh tạc xuống cả trăm, ngàn tấn bom đạn, nhưng không chia cắt nổi tình đoàn kết Việt - Lào anh em. Dãy núi Giăng Màn có đường biên giới, nay thì bộ đội hai bên lại cùng nhau chung tay bảo vệ, xây đắp tình đoàn kết truyền thống, hữu nghị anh em.

Anh bảo rằng, nơi biên giới này, tình hữu nghị Việt - Lào dường như không chỉ hiện hữu trong mối quan hệ giữa người với người, mà còn ẩn vào cây cối, vạn vật. Ví như khóm cây đào ở sân đồn năm nào cũng ra hoa hai lần. Có khi giữa tháng 7, đào đã khoe sắc thắm, nhưng tháng 4, lại một lần nữa kịp nở đón Tết Bun Pi May của Lào. Bởi vậy, trong túi quà tặng những người anh em bên kia biên giới lại có thêm cành đào phai Việt Nam. Hay chuyện cây lúa của người Lào, thứ nếp trồng trong ruộng được dẫn nước từ nước sông Mê Kông, tuy không được chăm sóc kĩ, nhưng vẫn cho những bông lúa trĩu hạt, thơm và dẻo vô cùng.

Những cánh đồng lúa nếp ở, Na Kai, Bua La Pha dài tít tắp luôn kịp chín trước mùa xuân. Và thứ nếp ấy lại càng dẻo, càng thơm khi được gói trong lá dong lấy trên núi Giăng Màn cùng đậu xanh và thịt lợn. Năm nào cũng vậy, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo gói cả trăm chiếc bánh chưng bằng gạo nếp Lào. Những tấm bánh chưng xanh ngời ân tình, chiếc bánh truyền thống của người Việt lại mang đậm hương vị Lào sẽ được gửi tặng các đầu mối của huyện Na Kai, Bua La Pha, cán bộ, chiến sĩ Đại đội bảo vệ biên giới 312, 311.

Đồn Công an cửa khẩu Nà Phàu (Lào), đơn vị kết nghĩa và cũng là người anh em gần nhất với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Sáng, tối nhìn thấy mặt nhau, hằng ngày cùng làm việc nên tình cảm thân thiết, gắn bó lắm. Những ngày lễ, Tết, ngày Truyền thống của 2 đơn vị đều không thể vắng mặt và sau phần lễ luôn có giao lưu văn hóa, thể thao. Năm nào cũng vậy, cứ đến Ngày Quốc khánh Lào, Tết Bun Pi May là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo lại cử đoàn sang chúc mừng và cổ vũ cho đoàn huyện Bua La Pha, Na Kai đua thuyền trên sông Mê Kông.

Ngày Quốc khánh Việt Nam, Tết Nguyên đán, Ngày Truyền thống lực lượng BĐBP Việt Nam, các đầu mối của hai huyện lại cử đoàn sang đơn vị “tranh cúp” bóng chuyền biên giới Việt - Lào. Niềm vui, tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt thể hiện trong ánh mắt, nụ cười, những cái bắt tay, cái ôm thật chặt với vòng xoay lăm vông nhịp nhàng không có hồi kết.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO