Biên phòng - Nếu không đi, không đến tận nơi “mục sở thị”, ít ai biết rằng, dọc theo các con sông uốn lượn vòng quanh TP Hồ Chí Minh lại có những tổ chốt Biên phòng nép mình bên những bến cảng, phố thị tấp nập, sôi động. Họ là những người lính ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác, góp phần giữ gìn sự bình yên cho thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Khi cái riêng hòa quyện với cái chung
Trên cái pông-tông rộng chừng 40m2 là “doanh trại” của tổ chốt số 2, thuộc Trạm Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Nhà Rồng, BPCK cảng TP Hồ Chí Minh, BĐBP TP Hồ Chí Minh. Nhỏ thôi nhưng gọn gàng, ấm cúng, mang đậm dấu ấn của lính. Bên cạnh chiếc bàn nhỏ kê ở phía trước vừa dùng để làm việc, vừa để tiếp khách, đã thấy sự hiện diện của 1 chậu mai cùng 2 chậu bông giấy đỏ tươi.
Và hình ảnh gần như không thể thiếu ở các đơn vị bộ đội là dải băng rôn đỏ tươi ghi dòng chữ “Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”. Đại úy, Chốt trưởng Nguyễn Trường Hùng chia sẻ, dù vất vả nhưng mọi người vẫn tranh thủ mua mấy chậu hoa, ít bánh kẹo... cho có tý không khí Tết, để anh em đỡ nhớ nhà mỗi khi chiều buông.
Tổ chốt số 2 nằm nép mình ở bên kia bờ sông, thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Phía trước, chỉ cách đó chừng 300m là cảng Cát Lái (quận 2, TP Hồ Chí Minh) lúc nào cũng nhộn nhịp người, xe. Hai khung cảnh như hai gam màu đối lập, không thể thiếu nhau, không thể tách rời trên một bức tranh. Ít ai hiểu rằng, để có được sắc màu tươi sáng, sự tấp nập, bình yên của bên kia bến cảng, là những đêm trắng tuần tra, mật phục của những chiến sĩ mang quân hàm xanh.
“Thường thì càng gần Tết, hoạt động buôn lậu, trộm cắp... diễn ra càng nhiều, nên anh em lại càng phải thức khuya, dậy sớm, tăng cường tuần tra, bảo vệ mục tiêu, địa bàn. Phần lớn anh em có gia đình xung quanh đây, chỉ trên dưới 10-20km nhưng có người cả tháng chưa được ghé qua nhà” - Thiếu tá Hoàng Gia Khánh, Chính trị viên Trạm BPCK cảng Nhà Rồng chia sẻ.
Theo Trung tá Nguyễn Thành Sơn, Phó Chỉ huy trưởng BPCK cảng TP Hồ Chí Minh, có tới 9/10 chốt, trạm kiểm soát Biên phòng được bố trí trên pông-tông, neo đậu dọc sông. Ở những chốt gác này, hầu như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Cực nhất là những hôm mưa to, sóng lớn, thời tiết không chiều lòng người. Nhưng dù vất vả, khó khăn đến đâu, dẫu là giữa trưa hay đêm khuya, lúc nào anh em cũng phải trực sẵn sàng xử lý công việc. Đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vừa tham gia phòng, chống dịch Covid-19...
Không chỉ ở tổ chốt số 2, Trạm BPCK cảng Nhà Rồng mà trong 10 tổ chốt chúng tôi đến, mỗi nơi đều để lại những dấu ấn riêng. Nhưng tất cả lại có một dấu ấn chung khó phai mờ: Đó là tinh thần khắc phục khó khăn, gian khó, chủ động trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không lúc nào, không bao giờ anh em lơ là hay bỏ vị trí...
Trưởng thành từ chiến sĩ, đã từng có những năm tháng gian khó, gắn bó trên những cái pông-tông như thế này, nên đi thăm, chúc Tết, động viên anh em làm nhiệm vụ, Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Chính ủy BĐBP TP Hồ Chí Minh rất thông cảm và chia sẻ với đồng đội đang làm nhiệm vụ trên những tổ chốt. Đến đâu anh cũng nhắc nhở anh em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để bị động, bất ngờ. Với chỉ huy các đơn vị, anh lưu ý: “Ai cũng có gia đình, tổ tiên, nếu được thì nên tạo điều kiện cho anh em tạt qua nhà đôi ba tiếng, đủ để lau cái bàn thờ, động viên vợ con...”.
“Nhà Bè nước chảy chia hai…”
Từ nhỏ, tôi đã nghe, đã yêu câu ca:
“Nhà Bè nước chảy chia hai.
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.
Nhưng mãi đến trước thềm năm mới 2021, tôi mới được đặt chân đến nơi hợp lưu của ba con sông: Nhà Bè, Đồng Nai và Sài Gòn. Một điều thú vị là tổ chốt số 2 của Trạm BPCK Phú Mỹ (thuộc BPCK cảng TP Hồ Chí Minh) được đặt ở nơi “Nhà Bè nước chảy chia hai” này.
Cũng là một cái pông-tông rộng chừng 40m2 neo dọc sông, suốt ngày dập dờn sóng nước, nhưng hôm nay, tổ chốt số 2 này như đẹp hơn, tươi hơn bởi sắc màu của mùa Xuân. Tuy tuổi đời, tuổi quân đã khá cao, nhưng lẫn trong câu chuyện của anh em ở đây vẫn thấy ngập tràn tinh thần lạc quan, yêu đời của tuổi trẻ. Đã từng có hàng chục năm gắn bó với khu vực này, nên Thiếu tá Nguyễn Văn Khiêm (Chốt phó chốt số 2) khá thông hiểu địa bàn, luồng lạch, cảnh vật nơi đây.
Đứng trên pông-tông, anh Khiêm chỉ tay và giới thiệu cho chúng tôi từng địa danh, từng vị trí neo đậu của các con tàu một cách cặn kẽ. Anh nói, trong khu vực do chốt quản lý, hiện đang có 8 chiếc tàu neo đậu, nhưng đã có 5 tàu mang quốc tịch nước ngoài. Hồi chưa có dịch, cao điểm có tới 20 chiếc neo đậu mỗi ngày... Mỗi tàu thường neo đậu từ 3 đến 7 ngày, có khi 20 ngày, chủ yếu là để bốc dỡ hàng. Từ đầu năm 2020 đến nay, ngoài việc giữ gìn trật tự khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu thuyền ra vào, neo đậu, anh em trên tổ chốt còn làm thêm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho các thành viên trên tàu.
“Do các thủy thủ tự cách ly trên tàu theo quy định nên hay tìm cách trốn lên bờ, nhất là vào ban đêm. Và nhiệm vụ vất vả nhất của cán bộ, chiến sĩ là kiểm soát không cho thủy thủ trốn lên bờ thăm gia đình hoặc mua sắm” - Thiếu tá Nguyễn Văn Khiêm chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Văn Hiệu, Chính trị viên Trạm BPCK Phú Mỹ cho biết, dọc theo 12km do đơn vị quản lý, có 13 cảng xăng dầu và sửa chữa tàu biển; 13 cặp phao và 19 điểm neo; 3 trạm kiểm soát nổi trên sông. Để ngăn chặn tình trạng người trốn lên bờ, không chỉ chốt số 2, Trạm BPCK Phú Mỹ mà tất cả các tổ, chốt dọc trên các tuyến sông đều phải thay nhau thức khuya, dậy sớm tuần tra, canh gác.
Bên cạnh đó, thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ nhắc nhở người dân, doanh nghiệp, tàu thuyền chấp hành các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của trên về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Công việc của họ cứ diễn ra trong nhịp điệu khẩn trương, nhưng lặng lẽ, giữa mênh mang “nước chảy chia hai”…
Một mùa Xuân mới đang đến. Năm qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên có lẽ Tết sẽ được thay đổi chút ít cho phù hợp tình hình thực tế. Nhưng ở những pông-tông “doanh trại”, các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm vẫn làm nhiệm vụ trên sông. Tết đến với họ bằng chậu mai vàng mua vội, bằng chút tình riêng được cất giấu trong lòng, bằng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của người lính.
Khi tình riêng hòa quyện vào nhiệm vụ chung, đối với họ, chẳng dịp Tết nào vui và ý nghĩa hơn khi thấy quê hương mình bình yên, người dân an tâm đón Tết!
Đăng Bảy