Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 01:34 GMT+7

Tết sum vầy của người Hà Nội

Biên phòng - Tết Nguyên đán là nét văn hóa truyền thống của ông cha ta từ hàng ngàn năm về trước. Với người Hà Nội, Tết Nguyên đán vẫn mang phong vị riêng của con người và cuộc sống nơi đây: thanh tao, lịch thiệp và đậm đà tính nhân văn. Trải qua thời gian, không khí ăn Tết ở Hà Nội vẫn được lưu giữ và truyền lại qua bao thế hệ. Trong đó, nếp đoàn viên trong những ngày Tết cổ truyền vẫn được các thế hệ duy trì.

Tết với người Hà Nội cũng là lúc để những người con dù có đi đâu xa vẫn trở về sum vầy bên gia đình, nơi có mâm cơm đầm ấm, cả nhà quây quần bên nhau, là mùi thơm của nhang trầm, của đồ ăn ngon, là tục gói bánh chưng xanh, treo câu đối đỏ, là sự rộn ràng tất bật chuẩn bị đón Tết... “Không có niềm vui nào quý giá hơn khoảnh khắc gia đình sum họp. Không có Tết nào vui bằng Tết đoàn viên” - Đó chính là lời lời nhắn nhủ của tác giả Đinh Văn Linh với bộ ảnh “Tết sum vầy”.

61gf_1
Trong quan niệm của cha ông ta, bánh chưng là một phần không thể thiếu của Tết. Do vậy, những ngày cuối cùng trước khi Tết về, nhà nhà nói chung và người Hà Nội nói riêng đều tự gói bánh chưng để thắp hương tổ tiên. Trong ảnh, hai thiếu nữ gói bánh chưng.
x312_2
Đối với người Hà Nội, hoa đào là biểu tượng của một Tết sum vầy, no ấm, bình an. Nhìn thấy đào là nhìn thấy mùa xuân trỗi dậy. Do đó, mỗi dịp Tết đến xuân về, họ thường chọn hoa đào để chơi trong mấy ngày Tết. Thú chơi hoa Đào từ lâu đời đã trở thành tập quán không thể thay đổi của người Hà Nội. Trong ảnh, thiếu nữ Hà Nội đang trang trí cây đào Tết.
0jgr_3
Người Hà Nội xưa thường chơi câu đối đỏ mỗi dịp Tết đến. Họ treo câu đối đỏ và những bức tranh dân gian mộc mạc, thể hiện ước mơ về một cuộc sống thái bình, sung túc… Ngày nay, phong tục chơi câu đối đỏ mỗi dịp Tết đến, xuân về vẫn được lưu giữ trong các gia đình Người Hà Nội. Trong ảnh, các thiếu nữ Hà Nội đang bình phẩm về câu đối Tết.
j6bn_4
Tà áo dài là nét đẹp truyền thống của thiếu nữ Hà Nội từ xưa đến nay. Người con gái Hà Nội khi mặc nó sẽ đẹp hơn bất cứ một người phụ nữ nào khác vì ở đó chứa đựng nét duyên thầm khó nói. Đó là nét đẹp dịu dàng, tao nhã và thanh lịch của thiếu nữ Hà Nội. Dịp Tết cũng là dịp các thiếu nữ mặc những chiếc áo dài đẹp nhất du xuân. Trong ảnh, các thiếu nữ Hà Nội đang thử áo dài. 
yz53_5
Trong đời sống văn hóa của người Thăng Long - Hà Nội, hoa và cây cảnh đã là một nhu cầu trong đời sống hàng ngày. Nhất là trong những ngày Tết lại càng không thể thiếu được một lọ hoa tươi trong nhà. Trong ảnh, thiếu nữ Hà Nội cắm bình hoa hồng đón năm mới- loài hoa biểu trưng cho sự thanh cao. 
qr2f_6
Theo phong tục cổ truyền, người Việt sẽ làm mâm cỗ cúng tất niên vào chiều ngày 30 Tết trước ban thờ tổ tiên để kính mời ông bà, tổ tiên về thăm con cháu, tỏ lòng thành kính, tri ân đối với thế hệ đi trước vì đã luôn dõi theo, soi chiếu và chở che cho mình trong suốt một năm sắp qua. Trong ảnh, mâm cỗ cúng tất niên trong không gian đậm chất Hà Nội với những món ăn truyền thống.
dhtv_7
Mâm cơm tất niên không chỉ đơn giản là dịp để nhà nhà cùng đoàn tụ, quây quần bên nhau nâng ly rượu chúc nhau năm mới và kể cho nhau nghe những chuyện đã qua cùng những mục tiêu sắp tới. Chính vì ý nghĩa sum họp, đoàn viên thiêng liêng đó, người Việt dù ở đâu cũng mong ngóng được trở về bên gia đình trong mâm cơm tất niên. Trong ảnh là không khí đầm ấm, vui vẻ của các thành viên trong gia đình Người Hà Nội quây quần quanh mâm cơm tất niên.
pj5d_8b
Lì xì đầu năm là phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt mỗi dịp Tết Nguyên Đán với mong muốn lấy may và đem lại những điều tốt đẹp trong năm mới. Bên trong phong bao lì xì thường có chút tiền gọi là tiền may mắn, lấy hên. Trong ảnh, người chị gái lì xì cho cô em với mong muốn năm mới gặp nhiều may mắn. Ảnh: Đinh Văn Linh

Thanh Thuận (thực hiện)

Bình luận

ZALO