Biên phòng - Nằm ở vùng đất cực Nam tỉnh Phú Yên, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa là nơi hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề khi tâm bão số 12 quét qua. Tết này, tuy không có nhiều bánh mứt, hoa tươi như mọi năm, nhưng người dân nơi đây vẫn đón xuân trong sắc màu yên bình và ấm áp nghĩa tình quân dân, tình cảm yêu thương, sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng.
Trong vòng tay cộng đồng
Chúng tôi theo chân những người lính Biên phòng trở lại vùng tâm bão xã Hòa Xuân Nam những ngày cuối năm. Dưới màn mưa phùn lây phây và tiết trời se lạnh, những nông dân đang tranh thủ ra vườn chăm chút cho vụ rau Tết.
"Bà con ở đây từng gánh chịu nhiều cơn bão, cũng sẵn sàng ứng phó với bão. Thế nhưng cơn bão năm 1993 được coi là mạnh nhất, cũng chỉ quét qua gần 2 tiếng đồng hồ. Bão số 12 sức gió tương đương lần trước, lại quần đảo suốt 7 tiếng đồng hồ. Người và mọi vật bị vắt kiệt sức”- Ông Trần Trọng Quyền, Bí thư xã Hòa Xuân Nam nói.
Sau bão, đối diện với đổ nát, tan hoang, hàng chục gia đình tưởng chừng không gượng dậy nổi. Nhưng rất may, trong hoạn nạn, tình người lại bừng lên thật bao la, ấm áp. Những gia đình bị sập nhà được bà con, hàng xóm cưu mang, không ai phải chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”. Rồi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đến tận nơi thăm hỏi, trao quà cứu trợ, từ thức ăn, nước uống đến dụng cụ sinh hoạt hằng ngày. Cùng với dân quân địa phương, anh em Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô luôn sát cánh, giúp người dân trong xã dọn dẹp, chỉnh trang lại những hư hại, phục hồi nhà cửa để tiếp tục cuộc sống.
Tại thôn Phú Khê, xã Hòa Xuân Nam, ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi rừng đèo Cả, đó đây, nhiều căn nhà tốc mái vừa được lợp lại. Một số ngôi nhà bị sập trong bão cũng đang được người dân khẩn trương xây dựng lại, như chạy đua với thời gian, khi Tết Mậu Tuất 2018 đã đến gần.
Qua cầu Đập Hàn, chúng tôi đến ngôi nhà đang xây của gia đình chị Huỳnh Thị Lắm. Trong niềm hạnh phúc, chị Lắm kể, nhà khởi công gần một tháng, xây trên nền của căn nhà cũ bị đánh sập trong bão. Nhà cũ khánh thành hôm trước bão chỉ 3 tháng, với số tiền xây cất 75 triệu đồng. “Gom hết tiền làm thuê tích góp sau 7 năm cưới nhau để trả tiền xây nhà, hai vợ chồng vẫn nợ 25 triệu đồng. Vậy nên, sau bão, nhìn căn nhà bị sập đến tận chân nền, cả đàn gà vịt nuôi gần 200 con bị cây cối, đồ đạc ngã đổ làm chết hết, vợ chồng tui muốn qụy xuống” - Chị Lắm kể.
Từ sự hỗ trợ của chính quyền, các nhà từ thiện, sự giúp đỡ của bà con làng xóm, đến nay, chị đã có được trong tay hơn 30 triệu đồng. Chị Lắm tâm sự: “Ban đầu chỉ nghĩ sẽ mua vài tấm tôn dựng tạm cho có chỗ chui ra, chui vào, nhưng bà con hàng xóm, chính quyền, anh em BĐBP cứ đến động viên thúc giục, giúp đỡ nên hai vợ chồng quyết tâm làm lại nhà mới. Nhà xây lại chi phí trên 120 triệu đồng, có trụ đúc, vững chắc hơn nhà cũ rất nhiều”.
Chiếc bánh chưng xanh và tấm lòng vì người nghèo
Đứng chân giữa núi rừng Đèo Cả, thuộc thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, doanh trại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô đã hứng trọn trận cuồng phong dữ dội trong cơn bão số 12. Sau bão, cùng với việc giúp dân khôi phục lại nhà cửa bị hư hại, ổn định cuộc sống, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tích cực sửa sang lại doanh trại, trồng thêm khóm hoa cho kịp đón Tết. Bởi, đây là địa chỉ mà đông đảo cán bộ, người dân địa phương sẽ tề tựu về, cùng tham gia các hoạt động vui Xuân, đón Tết hàng năm.
“Những ngày qua, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô đã cùng với Hội Phụ nữ xã Hòa Xuân Nam chuẩn bị xong nguyên liệu để nấu 200 chiếc bánh chưng tặng bà con nghèo trên địa bàn dịp Tết” - Thượng tá Phan Thành Dinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô thông tin. Theo Thượng tá Dinh, chương trình nấu bánh chưng tặng người nghèo trên địa bàn đã trở thành hoạt động thường xuyên của đơn vị cùng Hội Phụ nữ xã mỗi dịp Tết đến. Năm nay, chương trình dự tính số bánh trao bà con nghèo sẽ tăng gấp đôi mọi năm. “Với người dân nghèo, Tết có thể không sắm được cành mai hay cây quất trưng bày, nhưng có cặp bánh chưng xanh dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên, lòng họ sẽ an vui” - Thượng tá Dinh nói.
Với những chiến sĩ trẻ, hoạt động nấu bánh chưng tặng bà con nghèo trong những ngày giáp Tết còn đem đến cho họ nhiều cảm xúc đẹp. Binh nhất Phạm Đại Tuyên nhập ngũ năm ngoái, về nhận nhiệm vụ ở đồn và đón trọn cái Tết tại đây cùng đồng đội. Nói chuyện gói bánh chưng, anh chiến sĩ trẻ hào hứng kể, Tổ hậu cần đã hoàn tất việc chuẩn bị nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, lá dong... từ nhiều ngày trước. Đợi ngày đưa ông Táo về trời, đơn vị mổ heo xong là lấy thịt gói bánh.
Đại úy Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô cho biết: Ngoài gia đình chị Lắm, 9 hộ có nhà sập trong bão số 12 của xã Hòa Xuân Nam đều được nhận hỗ trợ, đang hoàn thiện xây dựng và sẽ về nhà mới trước Tết Mậu Tuất. “Căn nhà không chỉ giúp gia đình người nghèo có nơi ở khang trang, vững chắc, mà còn là đòn bẩy để bật lên sức sống mới cho bà con nghèo, cũng là nơi nhân lên nghĩa tình ấm áp của cộng đồng” - Đại úy Nam thổ lộ.
Mờ sáng ngày gói bánh, Tổ nuôi quân đem nếp đi vo và ngâm. Buổi trưa, các chị phụ nữ và đoàn viên, thanh niên trong xã về tập trung đông trong căn bếp đơn vị. Trong không khí khẩn trương, mỗi người một việc, ướp thịt, gói bánh, đắp bếp. Những đôi tay thoăn thoắt cắt lá, cuộn bánh, buộc lạt. Đến cuối giờ chiều, những chiếc bánh chưng xanh cuối cùng đã được hoàn tất, bỏ vào nồi. “Trên bếp lửa bập bùng, tiếng nước trong những nồi bánh chưng sôi sùng sục hòa trong âm thanh của núi rừng nghe vừa rạo rực, vừa lắng sâu” - Tuyên mô tả cảm xúc.
Sau một đêm thức trắng nấu bánh, những chiếc bánh chưng nghĩa tình đã được trao tận tay cho các gia đình nghèo. “Ngoài việc được hiểu thêm về sự tỉ mẩn cẩn thận khi làm bánh chưng, hoạt động này còn giúp những bạn trẻ như em mở rộng tấm lòng, biết nhìn nhận cuộc sống với tình thương, trách nhiệm và sẻ chia để trưởng thành hơn” - Anh chiến sĩ trẻ tâm sự.
Những ngày gần Tết, nhiều chuyến xe chở hàng cứu trợ mang theo tấm lòng ấm áp của người dân trên cả nước vẫn tiếp tục đến với xã nghèo Hòa Xuân Nam. Nếu những ngày sau bão, hàng chủ yếu là gạo, mì gói, các nhu yếu phẩm ngày thường thì lúc này đã có thêm những chiếc chăn mới, tấm áo hoa. Những nụ cười mừng vui, hạnh phúc của người dân nghèo nơi đây khi ôm trong tay túi quà khiến chúng tôi có cảm nhận mùa Xuân mới đã thực sự trở về nơi vùng đất đầu sóng ngọn gió này.
Phương Oanh