Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

“Tết Mông xuống phố”

Biên phòng - Tiếp nối thành công từ những lần tổ chức trước, “Tết Mông xuống phố năm 2020” vừa được cộng đồng người Mông đang sinh sống và học tập tại Hà Nội tổ chức. Đây là sự kiện văn hóa hàng năm, nhằm quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của người Mông đến với các cộng đồng dân tộc khác.

p40g_8a
Những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Mông mang đến không khí sôi động cho sự kiện. Ảnh: Nguyên Thanh

Đưa văn hóa Mông đến với giới trẻ thủ đô 

“Tết Mông xuống phố” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016 bởi Nhóm Hành động vì sự phát triển của người Mông (Action for Hmong Development - AHD), Hội Sinh viên Mông Hà Nội, cộng đồng người Mông tại Hà Nội nhằm quảng bá nét văn hóa đặc trưng của người Mông với người dân thủ đô. Trưởng nhóm AHD Khang A Tủa chia sẻ, thời gian đầu xuống Hà Nội học đại học, anh nhận thấy người Mông còn nhiều mặc cảm, tự ty. A Tủa nhận ra, văn hóa truyền thống của người Mông đang đứng trước sự đe dọa lớn. Trẻ em không nói tiếng Mông nữa, các sản phẩm văn hóa dân gian biến mất theo những già làng vì chẳng có ghi chép nào còn lại. 

Từ những nhận định ấy, Khang A Tủa đã cùng với bạn bè lập ra Nhóm AHD vào tháng 8-2015 với 12 thành viên, là những bạn trẻ người Mông đang sống và học tập tại Hà Nội, dưới sự hỗ trợ của tổ chức iSEE. Khang A Tủa được bầu làm Trưởng nhóm. 

Đi vào hoạt động, nhóm bắt đầu tìm tài trợ để tổ chức các buổi nói chuyện về văn hóa người Mông. "Tết Mông xuống phố" là một sự kiện nổi bật của AHD về chủ đề này. Họ mô phỏng trải nghiệm Tết truyền thống của người Mông ở giữa lòng Hà Nội với váy thổ cẩm, với sáo, khèn, những điệu hát và cả những món ăn truyền thống của người vùng cao.“Chúng tôi muốn ngày hội này là cơ hội để các bạn sinh viên người Mông giúp mọi người hiểu hơn về phong tục tập quán dân tộc mình. Có thể từ đó, mọi người sẽ đến cộng đồng chúng tôi du lịch nhiều hơn”, Khang A Tủa, thành viên trong Ban Tổ chức "Tết Mông xuống phố" chia sẻ.

Từ khi được tổ chức đến nay, “Tết Mông xuống phố” luôn là điểm hẹn đậm đà bản sắc văn hóa Mông, đặc biệt trong những ngày giáp Tết. Sự kiện đã thu hút hàng trăm người tham gia không chỉ cộng đồng người Mông đang sinh sống và học tập ở Hà Nội, mà còn có các bạn trẻ dân tộc khác và du khách nước ngoài.

Đồng bào Mông là một trong những dân tộc có nhiều phong tục độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân tộc mình, trong đó, phong tục Tết cổ truyền được gìn giữ lâu đời. Tết của người Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán một tháng. Đây cũng là thời điểm người dân thu hoạch xong mùa màng, có thời gian sửa sang nhà cửa, bàn thờ, mặc váy áo đẹp để mừng đón Xuân...

Trong ngày hội này, những người con của dân tộc Mông tụ tập về đây như một dịp để giao lưu và gặp gỡ nhau. Tiếng hát, điệu múa, tiếng khèn, sáo đã mang lễ hội náo nhiệt của đồng bào dân tộc về thủ đô. Sự kiện cũng đem đến cho người tham dự cơ hội được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc với phần tham gia trình diễn của những người bản địa, tái hiện một không gian văn hóa đầy sức sống và hấp dẫn của người Mông trên khắp mọi miền đất nước quy tụ tại Hà Nội.

Ngày hội của cộng đồng dân tộc Mông

"Tết Mông xuống phố 2020” như thường lệ được tổ chức tại sân vận động trong khuôn viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Đến với lễ hội, đông đảo nhất là cộng đồng người Mông với những cô gái, chàng trai khoác trên mình những trang phục truyền thống đặc trưng, được dịp khoe dáng rực rỡ. Không gian của Tết Mông hiện ra với chợ Tết, các trò chơi ném pao, đánh yến, đánh cù...

Rất nhiều các tiết mục hát dân ca, dân vũ, múa ô khèn, sáo và kịch đã tái hiện lại các hoạt động ngày thường, phong tục tập quán, tình yêu lứa đôi, lòng hăng say ca nhạc nghệ thuật, tình yêu văn hóa dân tộc, tình yêu quê hương của người Mông. Tiếng hát, điệu múa, tiếng khèn đã mang lễ hội náo nhiệt của đồng bào dân tộc về thủ đô. Điểm nhấn của ngày hội là các gian trưng bày mang đến một không gian thân mật và gần gũi với những món ăn giản dị như: Mèn mén, mật ong, măng ớt, bánh giày... cùng các gian hàng thổ cẩm, trang phục và nhạc cụ dân tộc.

Lấy hình ảnh nét đẹp trong trang phục Mông làm điểm nhấn tại sự kiện, “Tết Mông xuống phố 2020” còn có phần thi "Nam thanh, nữ tú” đòi hỏi thí sinh thể hiện sự khéo léo, tinh tế, tài năng và sự am hiểu về văn hóa và trang phục của người Mông ở nhiều vùng. Bên cạnh đó, các phần thi văn nghệ của các đội nhóm cá nhân gồm những tiết mục đặc sắc về văn hóa đặc trưng của người dân tộc Mông mang đến sự kiện sự sôi động, hấp dẫn... Tại sự kiện này, khách tham quan còn được thảo luận về thời trang và văn hóa Mông đương thời cùng người Mông trẻ ở Hà Nội qua diễn đàn "Thúc đẩy thảo luận về phát huy trang phục truyền thống của người Mông hiện đại"; trải nghiệm những không gian làm thổ cẩm của người Mông như vẽ sáp ong trên vải lanh...

Em Giàng Thị Hoa (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 em được tham gia “Tết Mông xuống phố”. Đây thực sự là một dịp có ý nghĩa cho những sinh viên sống xa nhà như em. Và em mong muốn tiếp tục quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của người Mông đến với bạn bè các cộng đồng dân tộc khác”. 

Trưởng ban Tổ chức sự kiện Vừ Quốc Minh chia sẻ: Tiếp nối thành công “Tết Mông xuống phố 2019”, “Tết Mông xuống phố 2020” là dịp để những người Mông nói riêng và người dân tộc thiểu số đi xa nói chung cùng tụ họp, vui chơi và chia sẻ những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm học tập, làm việc và câu chuyện của năm qua.

“Tết Mông xuống phố 2020” đã tạo nên một sân chơi bổ ích, là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau, thu hút khách trong nước và quốc tế. Không chỉ vậy, ngày hội còn mang ý nghĩa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Mông, mang lại cho du khách một không khí ngày Tết của đồng bào thật đặc biệt.

Nguyên Thanh

Bình luận

ZALO