Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 05:18 GMT+7

Tết Độc lập - Tết ơn Đảng, nhớ Bác của đồng bào Thái

Biên phòng - Đối với đồng bào dân tộc Thái ở các huyện miền núi Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Tương Dương… thuộc miền Tây Nghệ An, Tết Độc lập (2/9) được coi là Tết lớn của đồng bào. Tết Độc lập được đồng bào tổ chức to như Tết Nguyên đán với phần lễ trang trọng và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, thể hiện tấm lòng biết ơn của đồng bào đối với Đảng, với Bác Hồ đã mang đến nền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Đồng bào Thái (nhóm Thái Thanh) ở huyện Nghĩa Đàn vui múa sạp trong ngày Tết Độc lập. Ảnh: Ngọc Ánh

Tết Độc lập trong ký ức tuổi thơ

Tôi sinh ra, lớn lên ở Quỳ Hợp, một huyện miền núi phía Tây Nghệ An, từ ngày thơ bé đã được đi cùng với bố mẹ, anh chị vào các bản làng đồng bào dân tộc Thái để ăn Tết Độc lập. Trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn hằn in những phiên chợ ngày giáp Tết, đồng bào dân tộc Thái từ các bản làng thuộc các xã vùng sâu, vùng xa như Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Thái, Châu Lý, Châu Hồng, Châu Thành… nườm nượp đổ về chợ để mua bán, trao đổi lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho một cái Tết vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với đồng bào.

Từ khoảng 1 tuần trước ngày Quốc khánh (2/9), không khí chuẩn bị đón Tết Độc lập đã được mọi nhà, mọi bản trang hoàng từ trong nhà ra ngoài ngõ. Băng rôn, khẩu hiệu được giăng khắp bản làng. Nhà nào cũng treo lá cờ Tổ quốc, niềm vui hân hoan thể hiện trên khuôn mặt của mỗi người dân. Đường làng, ngõ xóm được bà con quét dọn vệ sinh sạch sẽ, tinh tươm. Thanh niên trong bản mang vật liệu ra ngoài sân bóng hoặc sân nhà văn hóa để dựng sân khấu chuẩn bị cho các hoạt động văn nghệ, thể thao, hội thi các trò chơi dân gian…

Sau công việc chung của cả bản, những người thân trong gia đình lại quây quần bên nhau chung tay dọn dẹp nhà cửa, sửa sang bàn thờ, ảnh Bác cẩn thận, sắm mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ Bác và gia tiên, rồi chọn những cây tre thẳng tắp để treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Nhiều người con của bản làng đi làm ăn xa, dịp này cũng tranh thủ trở về quê hương để vui Tết Độc lập.

Vào những ngày này, toàn bộ công việc đồng áng, nương rẫy của người dân trong bản đều tạm nghỉ, dành thời gian cho các hoạt động vui Tết Độc lập. Trong các bản làng người Thái, đâu đâu cũng vang lên âm thanh cồng chiêng king coong vui hội, tiếng khắc luống (chày gõ máng gỗ) vui tai. Giai điệu nhuôn, lắm, khắp, xuối… thiết tha, cảm động khi đồng bào thể hiện lòng biết ơn đối với Đảng, với Bác Hồ đã mang đến cho người dân Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc Thái nói riêng một cuộc sống độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc.

Đây cũng là khoảng thời gian để người dân trong bản đến thăm hỏi, chúc mừng nhau những điều tốt đẹp về sức khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn và cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ. Mâm cơm truyền thống mà người Thái dâng cúng tổ tiên trong ngày Tết Độc lập có các món ăn chính như gà luộc, vịt luộc, thịt lợn luộc, món mọc cá, cơm lam, canh bồi, cá nướng, các loại bánh chưng dài… Các món ăn không chỉ để thết đãi con cháu, anh em, họ hàng, khách khứa, mà còn dùng để làm quà cho khách khi đến chơi nhà. Trước khi dọn mâm cỗ mời anh em, con cháu trong nhà và đãi khách thì chủ nhà phải làm lễ dâng cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết, chia vui cùng con cháu. Sau đó, báo cáo với tổ tiên hôm nay là ngày lành tháng tốt, ngày được gia đình chọn và tổ chức lễ mừng Tết Độc lập. Tại một số gia đình còn kết hợp tổ chức lễ gọi vía, buộc chỉ cổ tay cho trẻ em trong dịp này để cầu sức khỏe, mong các con cháu trong dòng họ lớn lên sẽ giỏi giang và luôn khắc sâu về cội nguồn dân tộc.

Còn tại nhà văn hóa của bản và sân bóng đá, bóng chuyền, các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền giao hữu giữa các bản, các xã được tổ chức sôi nổi. Tiếng reo hò, cổ vũ hòa trong tiếng trống, tiếng cồng vang động cả một vùng. Tiếp sau đó là các trò chơi truyền thống như ném còn, đi cà kheo, nhảy sạp…

Nhớ về nguồn cội

Tết Độc lập cũng là dịp để những người ông, người bà, các bậc cao niên trong dòng họ ôn lại kỷ niệm những năm tháng trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám. Đồng thời, nhắc nhở con cháu luôn nhớ về nguồn cội, biết yêu quý tự do và lòng tự hào dân tộc.

Phụ nữ Thái, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An hôm nay. Ảnh: Ngọc Ánh

Ông Sầm Văn Kiêm ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu năm nay đã 86 tuổi, nhưng vẫn nhớ rõ những câu chuyện lập bản, lập mường, những câu chuyện về Cách mạng Tháng Tám cũng như Tết Độc lập ở mường Chiềng Ngam xưa (nay là vùng đất huyện Quỳ Châu). Ông Kiêm kể, xã Châu Tiến và Châu Bính (huyện Quỳ Châu) xưa thuộc mường Chiềng Ngam. Dòng họ Lo Căm về sau gọi là họ Sầm. Dòng họ nghe đâu có 17 đời làm quan tri phủ Quỳ Châu. Riêng họ Sầm ở Hoa Tiến thì có 3 người làm tri phủ. Ông Sầm Viên là tri phủ cuối cùng.

“Chiềng Ngam” có nghĩa là vùng đất tươi đẹp, yên bình. Nơi “đất lành chim đậu” là mơ ước ngàn đời của con người. Từ thời kháng chiến chống Pháp là những năm tháng ấu thơ của ông Kiêm, đất này người ta đã có nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trong mường, trừ một số gia đình người miền xuôi lên làm ăn ở nhà vách đất và nhà xây theo kiến trúc người Pháp của quan phủ thì mọi người dân bản địa đều ở nhà sàn. Cứ vào mùa thu, khi lúa đã gặt về nhà cho đến hết năm là mùa hội hè. Quan phủ khi rỗi việc công cũng đến vui cùng dân bản. Khi về bản, quan cũng giữ lễ nghĩa. Trong quan hệ họ hàng, nhiều khi quan cũng là bậc em, con cháu của nhiều người trong bản. Gặp người bậc trên, quan cũng phải cúi chào.

Thế rồi Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Ông Kiêm nhớ lại, ngày ấy mình mới gần 10 tuổi. Lúc đó, việc cướp chính quyền ở quê ông diễn ra tại phủ lỵ, nay là thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu). Hồi đó, người ta về cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà quan phủ trong bản. Vậy là từ nay, cách mạng đã thắng lợi, người dân đã làm chủ, không có quan phủ nữa, chỉ còn chính quyền cách mạng.

Cũng từ đó, ngày Tết Độc lập ra đời. Hàng năm, ngoài lễ “Cắm Phạ” vào tháng 8 âm lịch, lễ “Pủ Xừa” vào tháng 9 thì người dân còn mổ gà ăn mừng ngày Quốc khánh. Đó cũng là một ngày hội lớn để nhớ về ngày đất nước có chính quyền, chính phủ. Vào sáng ngày Quốc khánh, dù không thể quây quần cùng bản làng mở hội, nhưng ông Kiêm cũng đã cho con cháu mổ gà cúng tổ tiên. Ngày Tết Độc lập chẳng thể thiếu một nghi lễ tâm linh để nhớ về nguồn cội.

Còn già làng Sầm Thanh Minh ở bản Nhang Thắm, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp chia sẻ, từ khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, người dân ở vùng đất này đã đón thêm một cái Tết mới là Tết Độc lập mừng ngày Quốc khánh 2/9. Tết Độc lập cũng là ngày hội mừng cho nhân dân đã thoát khỏi cơ cực, lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, bước sang trang mới độc lập, tự do. “Vào ngày Tết Độc lập, gia đình đều chuẩn bị mâm cúng có xôi, gà, rượu, trầu cau, nước chè để làm lễ cúng Bác Hồ, tổ tiên của dòng tộc, dòng họ theo phong tục của người Thái. Mong rằng, tục lệ tốt đẹp này sẽ truyền lại mãi mãi cho con cháu đời sau” - già làng Sầm Thanh Minh bộc bạch.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO