Biên phòng - Chuẩn bị đón Xuân Mậu Tuất 2018, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, chia sẻ với các bạn sinh viên Lào, Campuchia đang theo học tại Học viện Biên phòng về Tết cổ truyền của Việt Nam. Thực sự bất ngờ khi các bạn nói tiếng Việt lưu loát, am hiểu về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Tết cổ truyền của người Việt. Dù trong những ngày Tết của Việt Nam, các bạn được nghỉ phép về nước, nhưng mỗi người vẫn háo hức, chờ đón và sắm cho mình những đặc sản của Tết Việt Nam về làm quà cho người thân...

Chuẩn úy Xu-li-vông Sắc (sinh viên Lào), năm thứ 5:
Năm học thứ 3, nhận lời mời của người bạn cùng khóa, tôi về Nghệ An đón Tết cùng gia đình bạn ấy. Những ngày cận Tết, nhà bạn lúc nào cũng đông người và rộn rã tiếng nói cười. Tôi được bố mẹ của bạn chỉ cách làm mấy món ăn truyền thống như muối củ kiệu, làm mứt dừa, mứt gừng, gói bánh chưng, bánh tét... Nhưng tôi nhớ nhất là đêm Giao thừa, sau khi cúng tổ tiên, trong thời khắc đất trời chuyển sang năm mới, tôi được bố mẹ, các anh chị của bạn mừng tuổi, chúc những lời tốt lành. Lúc đó, tôi rất xúc động và thấy thiêng liêng lắm.
Sáng mùng một Tết, biết được phong tục xông đất đầu năm, nên cả buổi sáng, tôi chẳng dám bước ra khỏi nhà. Đến 10 giờ, có người đến xông đất thì tôi và bạn mới đi chùa thắp hương, đến nhà hàng xóm, láng giềng chúc mừng năm mới. Cứ đến cuối năm, hoa đào nở, tôi lại cảm nhận như mình sắp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, nên năm nào gần đến kỳ nghỉ phép đón Tết Nguyên đán, tôi cũng theo bạn bè đi mua sắm bánh mứt để làm quà tặng gia đình.

Chuẩn úy Xai-song Khăm-ma-ni-vông (sinh viên Lào), năm thứ 5:
Bà con người Việt định cư và làm ăn ở Viêng Chăn (Lào) rất đông. Ở cạnh nhà tôi, có một gia đình từ Hà Tĩnh (Việt Nam) sang làm ăn và định cư từ lâu. Cho nên, cứ đến khoảng giữa tháng 2 hằng năm, bác ấy lại háo hức quét dọn, sơn mới lại nhà cửa, nấu nhiều món ăn, trong đó, món bánh chưng, mứt, dưa hành là không thể thiếu. Bánh chưng được nấu trong nồi to, gần 1 ngày mới xong.
Sang chơi, tôi mới biết các bác đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền giống như ở quê nhà. Do đó, năm nào tôi cũng được thưởng thức nhiều món đặc trưng trong ngày Tết Việt. Nhưng tôi thích nhất là món bánh chưng, bánh được gói trong lá dong, bên trong có nếp, đậu xanh và thịt mỡ, ăn vào miệng vừa có độ dẻo của nếp, vừa có độ thơm, béo ngậy của nhân, ăn kèm với món hành muối. Từ đó, đến Tết của người Việt là tôi tranh thủ sang nhà họ chúc Tết, được ăn món bánh này, dần dần biết luôn về sự tích của bánh chưng, bánh dày của người Việt.

Thượng sĩ Nun Pi xít (sinh viên Campuchia), năm thứ 5, Khoa Trinh sát:
Quê hương mình là tỉnh Ratanakiri có chung đường biên giới với tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và bố mình cũng là cán bộ Biên phòng Campuchia đang công tác tại cửa khẩu quốc tế Ozadao tỉnh Ratanakiri, đối diện với cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, Gia Lai), nên gia đình được các chú, các bác BĐBP, Hải quan Việt Nam mời sang ăn Tết nhiều lần. Nhờ đó, phong tục, các nghi lễ của Tết Việt mình cũng am hiểu phần nào.
Vì vậy, mỗi lần được nghỉ phép vào dịp Tết, mình tranh thủ mua nhiều món ăn cổ truyền của Việt Nam về làm quà cho mọi người. Món mứt dừa, mứt bí, hạt sen rất ngon nên mình mua nhiều để tặng mẹ và các chị, em gái. Mình đã theo học tại Học viện Biên phòng được 5 năm. Ngoài các bạn ở Học viện, từ các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao với các trường trên địa bàn thị xã Sơn Tây, mình có điều kiện được kết thân với một số bạn các trường khác và được về quê các bạn chơi, nên biết nhiều về các phong tục và nét văn hóa đặc sắc của đất nước Việt Nam.

Thượng sĩ Đum-van-đa (sinh viên Campuchia), năm thứ 5, Khoa Trinh sát:
Tết cổ truyền Việt Nam giống Tết té nước Chol Chnam Thmay của Campuchia ở chỗ, trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, con cháu ở xa cũng về để sum họp với gia đình. Mấy hôm nay ở trên giảng đường, các bạn Việt Nam bàn tán xôn xao việc về quê đón Tết làm tôi rất háo hức, nhớ nhà và cảm giác như đang chuẩn bị về quê đón Tết cổ truyền của mình vậy. Tôi biết đến món bánh chưng lần đầu tiên trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của Campuchia được tổ chức tại Học viện, lúc đang là sinh viên năm thứ nhất.
Năm đó, ở bữa tiệc đón Tết cổ truyền Campuchia do Học viện tổ chức có rất nhiều món ăn cổ truyền của Campuchia và Việt Nam, trong đó có món bánh hình vuông được gói trong lá dong xanh. Chúng tôi được thầy cô, bạn bè giới thiệu đó là bánh chưng, loại bánh gắn với truyền thuyết chàng Lang Liêu và không thể thiếu trong những dịp Tết của người Việt. Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món ăn này và mê luôn nó.
Danh Anh (thực hiện)