Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:33 GMT+7

Tên gọi Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng được phạm vi điều chỉnh

Biên phòng - Việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn diện, rộng khắp, nhân dân làm chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) trong tình hình mới. Vì vậy, dự án luật lấy tên gọi Luật BPVN đã đáp ứng được phạm vi điều chỉnh, góp phần xây dựng biên giới vững mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, BĐBP Đồng Tháp và Đồn Công an bảo vệ biên giới Bontiachaccray (Campuchia) tuần tra song phương. Ảnh: Viết Hà

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG đã xác định: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, cập nhật luật pháp quốc tế; xác định rõ phạm vi, trách nhiệm, để thực hiện, có tính khả thi cao. Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG.

Theo đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, việc ban hành Luật BPVN sẽ thể chế đầy đủ Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG. Như vậy, tên gọi Luật BPVN là hợp lý, đáp ứng được phạm vi điều chỉnh và nội hàm của luật, thể hiện được vai trò quan trọng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ BGQG.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật BPVN và lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương biên giới, việc dự thảo luật lấy tên gọi Luật BPVN sẽ giải quyết được những vấn đề cơ bản, chủ yếu: Thể chế hóa được đầy đủ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc Chiến lược bảo vệ BGQG; thể hiện toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới.

Ngoài ra, một số văn bản pháp luật cũng điều chỉnh những vấn đề liên quan đến quản lý, bảo vệ BGQG như: Luật Quốc phòng có phạm vi điều chỉnh rộng, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong phạm vi toàn bộ lãnh thổ Việt Nam; Luật BGQG chủ yếu đề cập đến BGQG, chế độ pháp lý về BGQG; trong đó quy định mang tính nguyên tắc về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG và khu vực biên giới (KVBG)... Các văn bản luật trên chưa đề cập đầy đủ, chưa quy định chi tiết toàn diện về nhiệm vụ biên phòng. Vì vậy, tên gọi Luật BPVN sẽ đảm bảo thống nhất với Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị.

Theo Đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP, việc xây dựng luật và lấy tên gọi Luật BPVN nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau khi tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng công trình biên giới, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, bố trí dân cư. Đồng thời, thể chế hóa chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Hình, BĐBP Lạng Sơn giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: Viết Hà

Là người nhiều năm gắn bó với địa bàn biên giới, đồng chí Bàn Thanh Hiền, Tổng Biên tập Báo Cao Bằng cho biết, tên Luật BPVN là phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Nếu lấy tên gọi khác như một số ý kiến sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong xây dựng, phát triển KVBG.

“Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật, chương trình, mục tiêu quốc gia nhằm phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó khăn, trong đó tập trung chủ yếu ở KVBG. Tuy nhiên, pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ này, nhất là công tác phối hợp giữa các chủ thể thực hiện nhiệm vụ ở biên giới, KVBG còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Do đó, Luật BPVN sẽ điều chỉnh các mối quan hệ, khắc phục bất cập, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, phát triển KVBG, bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc” - Đồng chí Bàn Thanh Hiền nhấn mạnh.

“Phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật BPVN phản ánh đầy đủ nội hàm tên gọi, quy định nhiều nội dung mới như: Chính sách của Nhà nước về biên phòng, nhiệm vụ biên phòng, nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, hợp tác quốc tế về biên phòng; nhiệm vụ của BĐBP. Mặt khác, luật cũng điều chỉnh trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các đoàn thể và nhân dân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Dự thảo luật quy định đầy đủ, toàn diện về nhiệm vụ, trách nhiệm, đảm bảo nguồn nhân lực, chế độ chính sách... trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Huy động nguồn lực xây dựng KVBG vững mạnh, phát triển toàn diện, bền vững, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” - Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến cho rằng: “Tên gọi Luật BPVN đáp ứng được yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, thể hiện tính thiêng liêng, uy nghiêm, gắn với chủ quyền lãnh thổ và không có tên gọi nào có thể thay thế. Với tên gọi như vậy, khi luật được ban hành sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc; xây dựng KVBG ngày một phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa địa bàn biên giới với các khu vực phát triển”.

Viết Hà

Bình luận

ZALO