Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:16 GMT+7

Tệ nạn mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp

Biên phòng - Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhận định, tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, tình trạng này có chiều hướng gia tăng. Nạn nhân là phụ nữ, trẻ em, chiếm tỷ lệ hơn 90%.

62sp_15
Lực lượng chức năng BĐBP ngăn chặn một nhóm người vượt biên giới trái phép.  Ảnh: Phương Vy

Nạn nhân trong số này thuộc các dân tộc ít người chiếm hơn 80%. Các nạn nhân thường ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Đa số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm, trình độ học vấn thấp. Nạn nhân là phụ nữ bị bán ra nước ngoài đa số bị ép kết hôn làm vợ và bóc lột tình dục (chiếm gần 80%).

Theo báo cáo của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, từ năm 2011 đến 2017, tại Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện, xử lý 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số nạn nhân là 5.984 người. Như vậy, trong giai đoạn này, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 900 người đã bị mua bán (trong đó, 92% là phụ nữ và trẻ em). Các nạn nhân bị bán ra nước ngoài vì nhiều mục đích khác nhau như: Bóc lột tình dục, hôn nhân trái pháp luật, thậm chí là bóc lột sức lao động...

Tình hình tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đối tượng phạm tội thường lợi dụng hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế của một số phụ nữ, trẻ em để dụ dỗ, lừa gạt, sau đó bán ra nước ngoài. Đối tượng phạm tội rất đa dạng như lưu manh chuyên nghiệp, người có tiền án, tiền sự cấu kết với đối tượng là người nước ngoài tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, móc nối đưa nạn nhân ra nước ngoài bán.

Bộ Công an cho biết, trong số gần 6.000 nạn nhân từ năm 2011 đến nửa năm 2017, có gần 1.200 nạn nhân bị lừa bán vì mục đích hôn nhân. Tình hình mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt của bọn tội phạm, diễn ra ở khắp 63 tỉnh, thành.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Bạc Liêu thông tin, chỉ tính 2 năm gần đây, Công an tỉnh đã khởi tố 10 vụ án, liên quan đến hơn 40 đối tượng. Có 9 đối tượng đã bị bắt. Tòa án đã đưa ra xét xử 3 vụ, những vụ còn lại đang chờ ngày ra tòa. Đặc biệt, một vụ đang trong quá trình điều tra, dù chỉ có 2 bị can nhưng có hơn 40 bị hại ở 3 tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng.

Ngày 25-4-2018, Công an tỉnh Tây Ninh tạm giữ hình sự Lâm Thị Thảo (27 tuổi, trú tại Tân Châu, Tây Ninh) khi thị chuẩn bị đưa 3 cô gái sang Malaysia. Thảo khai nhận: Năm 2015, thị sang Malaysia làm tiếp viên nhà hàng kiêm bán dâm. Đầu năm 2017, Thảo được chủ quán bar tên A Lìn bảo về nước rủ rê những cô gái nhẹ dạ, hám tiền đưa sang Malaysia làm tiếp viên và bán dâm, với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Đến khi bị bắt, Thảo đã bán 16 phụ nữ ở Tây Ninh và các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu... sang Malaysia.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tây Ninh, nạn mua bán người vẫn đang diễn biến phức tạp tại Tây Ninh dù công an đã triệt phá nhiều vụ án. Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, Công an tỉnh Tây Ninh đã giải cứu 306 nạn nhân, khởi tố điều tra 49 vụ án mua bán người với 250 bị can. Các băng nhóm mua bán người khai báo, đã bán trót lọt ít nhất 478 phụ nữ ở Tây Ninh ra nước ngoài trong khoảng 10 năm qua. Hầu hết nạn nhân là các cô gái tuổi từ 18-30, trình độ nhận thức thấp, gia cảnh khó khăn, sống ở những nơi hẻo lánh.

Tuy các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã rất kiên quyết phối hợp ngăn chặn, đấu tranh, nhưng việc mua bán người ngày càng có chiều hướng gia tăng. Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), các đối tượng tội phạm mua bán người hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Chúng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber... để tiếp cận, rủ rê, giả vờ làm “người yêu”, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao hay xuất khẩu lao động với chi phí thấp... để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động... Những cái bẫy giăng sẵn đó sẵn sàng sập xuống bất cứ lúc nào đối với các cô gái nhẹ dạ cả tin, lười lao động nhưng luôn ôm mộng đổi đời nhanh chóng.

Phương Vy

Bình luận

ZALO