Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 04:59 GMT+7

Tây Nguyên, rừng xanh áo lính

Biên phòng - Nhiệm vụ bảo vệ rừng của BĐBP các tỉnh khu vực Tây Nguyên mỗi ngày một nặng nề và nhiều áp lực. Bề ngoài, rừng Tây Nguyên được quản lý hành chính theo nguyên tắc chấp hành nghiêm chủ trương “đóng cửa rừng tự nhiên” của Chính phủ. Thế nhưng, cũng từ khi đóng cửa rừng tự nhiên, nhiệm vụ phối hợp bảo vệ rừng của BĐBP không giảm áp lực mà ngày càng nặng nề, vất vả nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công vụ.

vjf5_16a
Một đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Tây Nguyên nằm trong lòng Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: TTH

Đi dọc tuyến biên giới các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, chúng tôi lắng nghe nhiều câu chuyện về đời sống người lính Biên phòng gắn bó với rừng Tây Nguyên. Có lẽ hơn ai hết, họ hiểu sâu sắc câu thơ căn cốt: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Suốt dọc tuyến biên giới đất liền giáp với nước bạn Campuchia, các đơn vị BĐBP hầu hết đóng quân sâu trong rừng già. Có đồn Biên phòng còn nằm sát biên giới với Campuchia, xung quanh bán kính 30km không có dân cư, quanh năm “rừng thiêng nước độc”.

Những năm trước đây, người dân Tây Nguyên nghe lời xúi giục của các phần tử xấu, vượt biên qua biên giới, bị lạc ở rừng, chết trong rừng, BĐBP phải lội vào rừng sâu để đưa thi thể ra ngoài. Nói vậy để thấy rừng sâu còn là rào chắn biên cương, không dễ gì vượt qua được thiên nhiên hoang dã, nếu lén lút thực hiện những việc trái pháp luật.

Ngồi trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng, chúng tôi bị muỗi rừng, ruồi vàng, côn trùng từ rừng bay vào từng đàn đốt ngứa ngáy rất khó chịu. Mà ai cũng phải quen với cảnh sống chung với côn trùng như thế. Các đơn vị ở tuyến biên giới Đắk Lắk, có khi một cái cây trong sân đơn vị là cây được nằm trong Vườn quốc gia Yok Đôn. Bảo vệ rừng cũng là bảo vệ sân vườn nhà mình, nói rộng ra, bảo vệ “tấm áo” của mình, của biên giới. Những người lính Biên phòng đóng quân ở đây đều nhận thức rất sâu sắc điều đó. Thời tiết khắc nghiệt cỡ nào cũng phải lội rừng đi tuần tra. Thời tiết càng xấu, càng phải tăng mật độ tuần tra để phòng ngừa và bảo vệ rừng.

Ở các đồn Biên phòng giáp với vùng dân cư lại có một áp lực khác, đó là ngăn chặn “lâm tặc” chặt phá rừng. Có người bị BĐBP, Kiểm lâm phát hiện, thu giữ gỗ hết lần này đến lần khác. Lần đầu, thấy người dân nghèo thì cảnh cáo không phạt, lần sau lại tái diễn. Mỗi lần mỗi khúc gỗ rồi rừng bị lẹm đi cả mảng lớn. Vào mùa cao điểm, cả đơn vị huy động tuần tra ở các tuyến đường, mà người dân chặt gỗ vẫn luồn lách trong rừng qua mặt lực lượng tuần tra liên ngành. Những chiếc xe máy cà tàng cũ nát chỉ còn khung xương được cải hoán để chở gỗ, bị bắt và thu giữ chỉ giải quyết được phần “ngọn”. Rồi không những không ngăn chặn được nạn phá rừng nhỏ lẻ, mà còn khiến thị trường gỗ gia dụng càng khan hiếm, gỗ lậu càng được giá, càng kích thích nhu cầu thị trường. Buôn lậu gỗ vì thế ngày càng gia tăng.

Việc tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu gỗ từ các nước láng giềng đã được BĐBP nghiêm túc thực hiện. Nhưng cùng với thị trường gỗ bị kích cầu, việc ngăn chặn buôn lậu gỗ qua biên giới không giảm nhiệt. Tiếp giáp với nước ta, cả vùng rừng Campu-hia có điều kiện địa lý và khí hậu rất giống với Tây Nguyên cũng đang nằm trong vùng báo động về nạn chặt phá rừng. Một khối lượng gỗ lớn được khai thác bằng nhiều phương thức, chờ để tuồn sang Việt Nam. Các lực lượng chức năng càng kiên quyết chống buôn lậu thì các đầu nậu càng liều lĩnh bằng nhiều thủ đoạn đưa hàng nhập biên trái phép.

Một trong những vấn đề phức tạp khó xử lý hiện nay là việc một số doanh nghiệp mua rừng Campuchia, khai thác gỗ và tìm nhiều cách để nhập gỗ về Việt Nam. Lỗ hổng từ các cơ quan Nhà nước, sự quản lý lỏng lẻo của nhiều cấp, nhiều ngành trong trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng khiến cho gỗ lậu có kẽ hở lọt vào thị trường Việt Nam. Các xưởng gỗ vẫn có nguyên lậu nhập lậu. Nếu nói rằng, bảo vệ rừng là giữ gìn lá phổi xanh cho nhân loại, thì nhìn rộng ra, rừng Campuchia bị tàn phá cũng là nỗi đau xót mất mát tài nguyên của cả 2 quốc gia. Trên thế giới, việc cam kết bảo vệ rừng được tính vào nhiệm vụ chung của các quốc gia có đường biên giới tiếp giáp. Vì vậy, áp lực của nhiều nhiệm vụ, vừa chống buôn lậu, gian lận thương mại, vừa bảo vệ rừng khiến BĐBP phải căng sức chống đỡ, xử lý hằng ngày.

atbm_16b
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ rừng trong mùa khô ở Tây Nguyên. Ảnh: TTH

Sự bất cập trong chính sách quản lý rừng cũng đã khiến cho lực lượng Biên phòng tăng thêm áp lực. Rừng Tây Nguyên hiện nay được giao cho các chủ rừng theo từng cụm, từng tiểu khu một cách không có quy hoạch. Có những chủ đầu tư được giao rừng thì gặp phải lệnh đóng cửa rừng. Họ bỏ không được, mà muốn làm gì ở rừng cũng không xong. Gỗ rừng cấm chặt phá, chủ trương chuyển đổi rừng nghèo, rừng kiệt sang rừng sản xuất ngừng lại không thực hiện nữa. Vậy là chủ rừng ở thế mắc kẹt, không sinh lợi ích, nhưng rừng đã giao dài hạn, đành bỏ đó, thuê người trông coi cho có.

Những người làm thuê này không có nghiệp vụ chuyên ngành về bảo vệ rừng. Cháy rừng hay phát hiện có chặt phá, họ chạy đến báo BĐBP ra giải quyết. Chủ rừng gồm nhiều thành phần từ doanh nghiệp địa phương tới Trung ương, tư nhân, có doanh nghiệp “mọc ở đâu ra không ai biết” cũng tới nhận rừng rồi bỏ đó không biết bảo vệ, bí quá họ phá rào pháp luật, phá luôn rừng mình làm chủ. Việc càng nan giải và phức tạp khi rừng càng nghèo kiệt đi, gỗ càng quý và chính sách cho người bảo vệ rừng, lâm luật cũng chưa theo kịp đời sống thực tiễn. Lực lượng bảo vệ rừng vẫn thường trực công tác bảo vệ bằng sức mình, trong khi “thượng tầng” bảo vệ bằng pháp luật, bằng chính sách vẫn chưa thỏa đáng.  

Để tăng cường đấu tranh đối với các hoạt động mua bán, vận chuyển gỗ trái phép trên biên giới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị BĐBP tuyệt đối không để tình trạng mua bán, vận chuyển gỗ trái phép trong địa bàn quản lý. Các đồn Biên phòng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên tăng cường tuần tra biên giới, kết hợp với việc bảo vệ rừng, sẵn sàng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Với tuyến biên giới Tây Nguyên, bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mà còn là danh dự của lực lượng BĐBP.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO