Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Tàu thuyền của ngư dân Bắc miền Trung đã vào bờ tránh trú an toàn

Biên phòng - Sáng 14-11, tất cả tàu thuyền và ngư dân địa phương đã vào bờ tránh trú an toàn trước khi bão số 13 đổ bộ. Do tính chất phức tạp, khó lường, có khả năng bão đổ bộ vào địa bàn các tỉnh miền Trung sớm hơn dự kiến. Hiện, các đơn vị BĐBP trên tuyến biển đang khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương, hỗ trợ nhân dân triển khai công tác ứng phó. Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP cũng đã chuẩn bị nhân lực, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Đồn Biên phòng Ra Mai, BĐBP Quảng Bình hỗ trợ nhân dân gia cố nhà cửa. Ảnh: Hoài Nam

Theo thông tin từ BĐBP Hà Tĩnh, toàn bộ 3.957 tàu thuyền /14.932 lao động của địa phương đã vào bờ tránh trú an toàn. Các đồn Biên phòng đang rà soát lại các hệ thống doanh trại, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa.

Đối với các vùng dễ bị ngập lụt cô lập, các đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị đầy đủ các phương án sơ tán dân khi có tình huống xảy ra. BĐBP Hà Tĩnh duy trì 100% quân số, chuẩn bị tốt về mọi mặt từ lương thực, thực phẩm đến các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu. Tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thực hiện cấm biển từ 17 giờ ngày 13-11.

Tại tỉnh Quảng Bình, toàn bộ 6.564 tàu cá của ngư dân địa phương và 147 tàu cá ngoại tỉnh (Quảng Ngãi, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa) đều đang neo đậu an toàn tại các âu thuyền, bến bãi. BĐBP Quảng Bình duy trì 100% quân số và 15 tàu, xuồng, ca nô, 15 ô tô các loại sẵn sàng tham gia ứng phó và tìm kiếm cứu nạn; triển khai 40 tổ/190 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ chằng chống trên 245 nhà dân. Các đồn Biên phòng đang phối hợp với chính quyền địa phương cương quyết di dời, sơ tán người dân ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét đến các vị trí an toàn, hoàn thành việc di dời trước 16 giờ ngày 14-11.

Đồng thời, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, thuốc, dụng cụ y tế và tình trạng kỹ thuật cho các phương tiện để tham gia ứng phó với bão, lũ. Tham mưu cho chính quyền địa phương có phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm để hỗ trợ cho người dân ở các địa bàn dễ bị chia cắt, cô lập; rà soát các khu vực có nguy có xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng… để cảnh báo, sẵn sàng di dời khi có tình huống xảy ra. Đồn Biên phòng Làng Mô phối hợp với chính quyền địa phương di dời, đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) đang sinh hoạt trong các lều bạt, nhà tạm.

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế sử dụng ca nô yêu cầu người dân trên các lồng bè nuối trồng thủy sản vào bờ tránh bão. Ảnh: Ngọc Bình

Tại tỉnh Quảng Trị, tất cả 2.312 phương tiện/ 7.163 lao động địa phương đều đã vào bờ tránh trú, hiện đang có 36 tàu /251 thuyền viên của ngư dân tỉnh khác đang neo đậu tại các bến trong tỉnh Quảng Trị. BĐBP Quảng Trị cũng đang duy trì 100 quân số, sẵn sàng phương tiện tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, các tổ công tác cũng đã được lệnh cơ động đến các địa bàn trọng điểm hỗ trợ chính quyền và nhân dân địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Xuân, BĐBP Thừa Thiên Huế sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ảnh: Ngọc Bình

Sáng 14-11, UBND Thừa Thiên Huế đã có thông báo cấm người dân ra đường từ 12 giờ trưa 14-11. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại học Huế cũng đã có thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong ngày 14, 15-11. UBND Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu tiến hành di dời các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn trước 9 giờ ngày 14-11. Hiện, BĐBP Thừa Thiên Huế đang phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện các chủ trương đề ra.

Viết Lam

Bình luận

ZALO