Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:11 GMT+7

Tàu cá nằm bờ chờ… giá dầu giảm

Biên phòng - Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao hiện nay, nhiều ngư dân tại tỉnh Quảng Nam đã tạm dừng vươn khơi đánh bắt. Việc này cũng đồng nghĩa với khó khăn lại thêm chồng chất với ngư dân, bởi trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá thủy sản thiếu ổn định, không được giá.

Giá xăng dầu tăng khiến nhiều chủ tàu ở Quảng Nam không dám vươn khơi. Ảnh: Trúc Hà

Toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển với 34 xã có nghề khai thác hải sản trên biển với tổng số tàu cá khai thác trên biển là 2.743 tàu. Sản lượng khai thác thủy sản hằng năm từ 90.000-95.000 tấn, trong đó, khoảng 60% là từ khai thác vùng khơi. Nghề khai thác thủy sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó, khoảng 12.000 lao động khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 3.000 lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua. Giá trị từ khai thác thủy sản khoảng 2.500-2.700 tỷ đồng mỗi năm.

Nghề khai thác thủy sản đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Quảng Nam, cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, giải quyết việc làm cho người dân ven biển. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các tàu cá trên biển, nhất là tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, là những cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu/4.879 lao động; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia đã góp phần hỗ trợ sản xuất, cứu nạn, cứu hộ khi có tai nạn, thiên tai trên biển. Có thể thấy, ngành khai thác thủy sản là ngành mũi nhọn kinh tế của tỉnh Quảng Nam.

Tại huyện Núi Thành, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngư dân Quảng Nam bắt đầu “mở biển” khai thác và bước vào vụ cá Nam (đối với ngư dân ở các địa phương ven biển của tỉnh, đây là vụ khai thác hải sản chính trong năm). Tuy nhiên, năm nay, sau chuyến biển đầu năm, giá xăng dầu liên tục tăng cao nên số đông ngư dân đang cho thuyền “nằm bến”.

Ghi nhận tại cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cho thấy, dù thời tiết thuận lợi, nhưng nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ vẫn xếp hàng neo đậu. Nguyên nhân là do giá xăng dầu từ đầu năm đến nay đã tăng nhiều đợt. Sau kỳ giảm giá gần đây, giá xăng dầu vẫn ở mức cao khiến nhiều ngư dân địa phương lo lắng thu không đủ bù chi phí cho chuyến ra khơi.

Cho biết về tình trạng tàu cá của mình đang nằm bờ, ngư dân Lê Văn Nam (huyện Núi Thành) - chủ tàu cá QNa90787TS chia sẻ: “Tàu của tôi có công suất hơn 800CV, trung bình mỗi chuyến biển kéo dài gần 1 tháng, tiêu tốn khoảng từ 4.000-6.000 lít dầu. Với giá dầu hiện nay, chi phí cho chuyến biển quá lớn, khiến việc ra khơi dễ bị lỗ nặng nên tốt nhất là cho thuyền nằm nhà, chờ khi nào giá xăng dầu hạ thấp mới ra khơi được”.

Ông Lê Văn Nam, chủ tàu cá QNa90787TS buộc phải để tàu nằm bờ do lo ngại giá dầu tăng cao. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Cùng nỗi buồn cho tàu nằm bờ như ông Nam, ngư dân Ngô Ri (trú tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành) - chủ tàu cá QNa91559TS cho hay: “Thời điểm này, để tàu nằm bờ là rất buồn, nhưng do giá xăng dầu tăng cao liên tục kéo theo chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt thường tiêu tốn từ 6.000-7.000 lít dầu. Trước đây, giá dầu còn thấp, bình quân mỗi chuyến biển, chủ tàu sẽ bỏ ra khoảng hơn 100 triệu đồng phí tổn (bao gồm dầu, lương thực, thực phẩm...), nhưng nay giá xăng dầu tăng cao, khiến các chủ tàu phải bỏ ra khoản chi phí cao gần gấp đôi, bình quân gần 200 triệu đồng/chuyến biển. Trước đây, bình thường, mỗi chuyến biển, tôi thu về hơn 200 triệu đồng, sau khi thanh toán các khoản chi phí, các bạn thuyền cũng có từ 7 đến 15 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Nhưng với mức chi phí tăng cao như hiện nay thì sau mỗi chuyến biển, tôi thua lỗ từ 20 đến 30 triệu đồng hoặc hòa vốn. Điều này cũng đồng nghĩa, các bạn tàu không có thu nhập nên không ai muốn ra khơi”.

Nói về tình trạng nhiều tàu cá nằm bờ, ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Sau Tết Nguyên đán, ngư dân địa phương tiếp tục gặp khó khăn do giá sản phẩm đánh bắt về thiếu ổn định bởi tác động của dịch Covid-19. Khó khăn này chưa hết thì hiện nay, với việc giá xăng dầu cao khiến nhiều ngư dân chấp nhận cho tàu nằm bờ để tránh thua lỗ. Nếu giá dầu không giảm, thậm chí là tăng tiếp, trong khi giá hải sản không cải thiện thì chắc chắn không ai dám vươn khơi”.

Trong khi đó, theo ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 670 tàu thuyền có chiều dài 15m trở lên; hơn 720 tàu có chiều dài từ 12-15m. Ước tính, mỗi chuyến biển, với các khoản chi phí như nhân công, thực phẩm... thì nhiên liệu chiếm từ 60-70% chi phí. Do giá xăng dầu tăng cao, cùng với giá đầu ra thủy sản không ổn định đã tạo áp lực cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh, khiến nhiều chủ tàu không dám vươn khơi vì sợ bị thua lỗ.

Thực tế, không chỉ ở Quảng Nam mà nhiều tỉnh, thành phố khác cũng diễn ra tình trạng tàu cá nằm bờ dù đang vào vụ cá. Tâm nguyện của các chủ tàu hầu hết vẫn mong muốn tiếp tục vươn khơi bám biển, nhưng họ cũng không thể đánh cược với diễn biến giá xăng dầu leo thang như hiện nay.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO