Biên phòng - Ngư dân làm nghề lưới vây trũ bao ở Khánh Hoà đã nghĩ ra cách hợp sức “tác chiến” trên biển, rồi đưa cá vào chợ bán với giá cao. Cuộc sống thực tiễn hun đúc muôn vàn điều hay và tốt đẹp cùng nhau, tăng hiệu quả kinh tế cho mỗi chuyến biển.
Bài 2: Lấy chợ làm “chuẩn”
Chợ và chủ vựa là “đầu ra” sản phẩm cực kỳ quan trọng của tàu đánh cá, chọn đúng thời điểm sẽ bán được giá cao, chọn sai dẫn đến thua lỗ cả chuyến biển. Sự hợp sức “tác chiến” khai thác thủy sản, tăng sản lượng và tăng khả năng bảo quản cá tốt, “chạy chợ” bán cá thật nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Thông thường chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu đánh bắt có quyền “phát giá” bán cho chủ vựa hoặc tàu thu mua trên biển. Đối với nghề lưới vây trũ bao ở tỉnh Khánh Hòa, có “tàu lai” (tàu thu mua) đi theo tàu đánh bắt, vừa hỗ trợ bao vây đàn cá, vừa thu mua trọn gói thủy sản. Chủ tàu thu mua là người quyết định đưa ra giá mua cá trên biển, dựa theo thị trường mua bán ở chợ” - Ông Lê Văn Dũng, ở phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chủ 5 chiếc tàu thu mua cá mở đầu câu chuyện.
Lo “chạy chợ” thật nhanh
Khi tàu lưới xây cẩu cá lên đổ ra boong tàu, tất cả các lao động phụ vào phân ra từng loại cá, theo kích cỡ và chủng loại, rồi chuyển sang tàu thu mua bảo quản. Tàu thu mua chỉ việc đổ cá vào từng thùng phi nhựa, đổ đá lạnh trực tiếp lên từng lớp cá, tàu lưới vây không cần kiểm đếm gì cả. “Muốn bán cá được giá cao, mọi hoạt động trên biển phải lấy chợ làm “chuẩn”, từ việc bảo quản cá đạt chất lượng tốt đến tăng tốc độ chạy tàu,... Anh muốn nhắm bán cho thương lái chở lên các tỉnh Tây Nguyên, thì phải có mặt ở chợ cảng cá Cửa Bé từ lúc 1-2 giờ sáng. Nếu nhắm bán cho các bà mối ở các chợ quanh thành phố Nha Trang và các huyện lân cận, tàu phải về lúc 4-5 giờ sáng. Về trễ quá coi chừng bán theo giá “cá dạt” chẳng được bao nhiêu tiền” - Ông Dũng phân tích.
Gia đình ông Dũng có 5 chiếc tàu thu mua cá trên biển, trong đó có 4 chiếc đi theo 4 chiếc tàu lưới vây, còn 1 chiếc dự bị. Nếu tàu nào đó đã đánh trúng cá nhiều cần phải chạy vào bán trước cho được giá, chiếc tàu dự bị sẽ chạy ra thay thế trong đêm. Ông Dũng nêu kinh nghiệm: “Đầu hôm tàu lưới đánh được 1 - 2 tấn cá, gọi điện về nhà biết để điều tàu dự bị rời cảng sớm hơn. Chỉ cần tàu chạy nhanh hơn 1 giờ có thể bán cao hơn 2 - 4 giá, nếu chậm trễ thì ngược lại”.
Sự khắc nghiệt của biển cả và cuộc sống thực tiễn đã “dạy” cho ngư dân biết cách bám chặt vào nhau để phát triển. “Trước đây, tàu thu mua cứ chạy lòng vòng ngoài biển, gặp tàu nào bán cá, bán mực thì mình mua “tiền trao cháo múc” ngay giữa biển. Làm theo kiểu này lúc trồi, lúc sụt. Mấy ông tàu lưới vây cũng đi “cô đơn” một mình, lúc thả lưới xuống biển gặp gió thổ, nước chảy mạnh, đưa đẩy chiếc tàu “chồm” lên giàn lưới, đàn cá vây được nó chạy ra ngoài sạch trơn, rồi giàn lưới rách be bét. Lúi húi với lưới chài, “quên mất” chuyện đi bán cá, đã làm ít cá rồi, còn bán mất giá nữa. Từ lúc tàu lưới vây và tàu thu mua bắt tay hợp tác làm ăn, ông nào cũng được lợi. Một ông lo đánh bắt, một ông cho “chạy chợ”, sáng ngày bán cá xong đâu vào đó, hai ông ngồi lại tính tiền, khỏe re luôn” - Ông Dũng nói lên ý nghĩa hợp tác làm ăn.
Tin tưởng nhau
Ông Nguyễn Thành Công, chủ 2 chiếc tàu lưới vây trũ bao, ở phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, giải thích cặn kẽ: “Muốn làm ăn bền lâu, điều quan trọng nhất là phải tin tưởng nhau. Tôi là chủ tàu lưới vây, không cần đi theo tàu ra biển căn giữ sản lượng cá. Đặt toàn bộ niềm tin với anh Dũng chủ tàu thu mua. Tàu đánh bắt bên tui làm được bao nhiêu tấn là chuyển sang cho tàu thu mua chạy về bờ bán, không cần phải “cân đo đong đếm” gì cả. Anh Dũng bán giá bao nhiêu? Tổng bao nhiêu tiền? Gần trưa hoặc buổi chiều, người nhà tôi đến anh Dũng lấy tiền mới biết tối hôm qua, tàu mình đánh lỗ - lãi ra sao?”.
- Loại lưới vây như anh đang làm, đánh bắt được nhiều loại cá khác nhau. Ví dụ, cá liệt giá 50.000 đồng/kg, cá hồng giá 200.000 đồng/kg, chỉ cần chênh 1 tạ cá, nó sẽ lệch khá nhiều tiền. Anh giải quyết mâu thuẫn này như thế nào? - Tôi hỏi thẳng thắn vào vấn đề hay “mất lòng” nhau.
- Hôm rồi, tàu tui chỉ đánh một mẻ lưới, trúng đàn cá “ngon”, anh Dũng giao cho tui 100 triệu đồng. Mình phải biết bán cá ở chợ, lúc giá cao, lúc giá thấp. Bao nhiêu năm nay tui chẳng bao giờ nghi ngờ anh Dũng “ăn” của tui đồng nào cả. Lòng dạ của ai như thế nào, chỉ cần đi vài chuyến biển là “lòi” ra ngay. Làm nghề biển “mắt” ông trời phán xử công bằng lắm.
- Tàu anh dài 20m, tại sao không tổ chức bảo quản cá và trực tiếp đưa vào cảng bán luôn?
- Kỹ thuật bảo quản cá cực kỳ quan trọng, anh nai lưng ra làm hùng hục 3 tấn cá, bảo quản kém chất lượng, vào cảng bán giá trị không bằng 5 tạ cá tươi. Tàu thu mua kích cỡ lớn để được nhiều thùng, nhiều đá, cá bắt lên còn sống đưa vào nước đá ngay, sáng mai bán ở chợ cá còn tươi. Cá đẹp mình mới “hét” giá cao được. Hợp tác với nhau làm ăn như tụi tui đang làm, nó lợi đủ đường.
Nhiều ông chủ tàu thu mua trên biển, còn kiêm “ngân hàng” hợp tác đầu tư, có thuyền trưởng giỏi muốn đóng tàu lưới vây, nhưng ít vốn. Chủ tàu thu mua muốn có “thêm tay” sản xuất, hùn vốn 30% hoặc 50% giá trị chiếc tàu, rồi ăn chia lợi nhuận mỗi chuyến đánh bắt. Trường hợp chỗ “chí cốt” làm ăn, chủ tàu thu mua cho mượn tiền hoặc cho vay với lãi suất rất thấp. Nhờ làm kiểu này, nhiều lao động đã “lên đời” trở thành chủ tàu và thuyền trưởng. “Tàu lưới vây có lúc này, lúc kia, lúc kẹt tiền cần mua dầu đi biển, đẩy tàu lên đà sửa chữa,... điện thoại chủ tàu thu mua tạm ứng vài chục triệu đồng là họ đồng ý ngay. Làm ăn phải “trọng” nhau mọi lúc, mọi nơi” - Ông Công chia sẻ.
“Chơi xấu” là “cắt cầu” ngay
“Trong hợp tác làm ăn với nhau, cái quan trọng nhất là thông tin rõ ràng cho nhau biết, không đố kỵ lẫn nhau. Tui năm nay trên 60 tuổi, chứng kiến nhiều chủ tàu lưới vây và chủ thu mua tranh cãi chuyện cân cá, giá cả cao thấp, cho rằng, tàu thu mua “chơi xấu” là “cắt cầu” ngay không hợp tác làm ăn. Tàu lưới vây một mình “tự bơi” ngoài biển cũng khó khăn vô cùng. Tàu thu mua gian dối không ai hợp tác, đành phải bán nghề, bỏ đi làm thuê tứ xứ” - Ông Nguyễn Thành Công tâm sự từ đáy lòng.
Hải Luận