Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 01:35 GMT+7

Tàu cá chạy bến vì dịch bệnh

Biên phòng - Hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, hoặc ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Kiên Giang trước khi vào cảng ở Quảng Ngãi để bán cá thì đều nhấc máy “a lô, cảng nào vô được”. Ngư dân Ngô Tấn Tín quẹt dầu nhớt dính trên mặt và nói với tôi: “Ngoài biển đánh cá, vô bờ đều phải hỏi để chạy chỗ, kiếm bến”.

Ngư dân lo ngại nhất là vào bến bán cá, lỡ tiếp xúc nguồn lây thì tàu sẽ kẹt tại bến. Ảnh: Văn Chương

Về bến nào?

Ngày 9-11-2021, chiếc tàu QNg98478TS hành trình từ ngoài khơi vào đất liền để bán cá sau nhiều ngày bám biển. Phía sau con tàu này là nhiều tàu cá khác của ngư dân các xã Tịnh Khê, Nghĩa An, Nghĩa Phú, Bình Châu, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cũng rẽ sóng tiến về phía cảng Sa Kỳ. Cách đây hơn 6 tháng (ngày 6-5), xã Tịnh Kỳ nằm bên bờ Nam của cửa biển Sa Kỳ phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Vụ việc này khiến cả một khu cảng rộng lớn đóng băng các hoạt động. Ông Dũng, ngư dân huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Nghe tin có ca dương tính với Covid-19 là tàu cá bỏ đi hết, không ai dám tới cảng, chỉ trừ người ở địa phương”.

Trong ngày 9-11-2021, trước thông tin về dịch Covid-19 tái phát tại bờ Nam của cảng Sa Kỳ, nhiều tàu cá lặng lẽ bẻ lái, hoặc rời đi ngay khi sắp chạm mũi tàu vào bến. Tuy nhiên, phản ứng của các ngư dân so với thời điểm đầu năm 2021 đã có phần thay đổi, ngư dân không rời bỏ hoàn toàn cảng Sa Kỳ, mà chỉ chuyển sang các bến cá khác để bán cá. Vào giờ phút này, những cầu cảng càng ít tàu vào thì luôn được ngư dân để mắt tới. Vì ít người, ít tàu thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ giảm.

Tại vũng neo đậu tàu thuyền ở xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi có khoảng 300 tàu đánh cá từ ngoài khơi chạy vào thả neo tránh trú thời tiết xấu. Thời điểm trước đây, vùng neo đậu chật như bàn cờ vì lưu lượng tàu. Nhưng trước tình cảnh tàu bán cá chạy rông để tìm cầu cảng bán cá, vũng neo đậu tránh bão đã thông hẳn luồng cập để tàu cá áp sát mạn đưa cá lên bờ. Trong buổi chiều 9-11-2021, có khoảng 35 chiếc xe đông lạnh chờ cá lên tại sân cảng, lần lượt cứ 3-4 tàu cập mạn để xuất hàng.

Một nhân viên quản lý cảng có vẻ ái ngại, tránh né không dám trả lời về việc vũng neo đậu đột ngột diễn ra khung cảnh tấp nập như chợ cá. Các chủ nậu phải chuyển sang làm các mái hiên di động, khi tàu vào điểm nào thì đặt chốt tại đó để cân, thu mua, đưa cá lên xe đông lạnh. Ngư dân Nguyễn Văn An, quê ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi cho biết: “Chạy vô bán cá, nhưng nếu dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề quá thì không có người mua, nếu anh muốn bán thì phải hạ giá thấp xuống để họ mua về trữ lạnh bán dần”.

Ngủ tàu chờ bán cá

Trong bóng đêm, trên con đường chạy dọc bờ biển từ Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ (Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, BĐBP Quảng Ngãi) về khu vực bãi tắm Tịnh Khê vẫn thấp thoáng bóng người chở hàng đi lại với vẻ vội vã. Một người cho biết, tàu cá vô bến bán cá ban ngày thì ngại vì có khi phải cách ly, trong khi toàn bộ ngư dân chỉ ra biển đánh cá chứ không cập vào bất cứ nơi nào trong đất liền. Ngư dân này cho biết, do khó giãi bày cho mọi người hiểu hết nên anh em tranh thủ tạt vào vùng bờ ngang bán cá, chưa bao giờ diễn ra cảnh bán cá theo kiểu vừa bán, vừa trốn, vừa chạy như vậy.

Chiều 9-11, ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi gửi thông báo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn và vệt đỏ vùng dịch tiếp tục rơi vào các làng chài: Nghĩa An, Đức Lợi. Còn cách đây không lâu là cửa biển Sa Huỳnh, Sa Kỳ. Làng chài Đức Lợi có 11 ca, cửa biển Mỹ Á 2 ca; một số ca F0 đến cảng cá Tịnh Kỳ, vì vậy, tàu thuyền, ngư dân, tiểu thương lập tức rời khỏi nơi này. Dãy nhà tấp nập người mua bán hàng ngày nằm sát cầu cảng, liên tục có 4-5 tàu cá cùng cập để lên cá, nhưng vào buổi chiều cùng ngày không một bóng người.

Các nhân viên y tế test nhanh Covid-19 cho ngư dân ngay tại sân cảng cá Tịnh Kỳ. Ảnh: Văn Chương

Dưới con tàu đánh cá ngổn ngang lưới, dây, ngư dân Trần Văn Hào cho biết: “Mới thông báo liền cho 2 tàu cá đang vô là né bến Tịnh Kỳ, sang vũng neo đậu Tịnh Hòa bán cá, vô chỗ này là mắc kẹt luôn, khỏi ra khơi vì đang là vùng đỏ”. Anh Hào cho biết thêm, đi biển gần nửa tháng, mới vô bờ bán cá xong thì nghe thông báo có F0 từng ghé tới cảng, nên anh em tự nhốt mình dưới tàu và chờ y tế xuống để test nhanh kết quả, sau đó lại tự cách ly dưới tàu thêm vài ngày nữa.

Câu chuyện của anh Hào khiến tôi nhớ lại hình ảnh 44 ngư dân ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị mắc kẹt tại cửa biển Sa Huỳnh vào cuối tháng 6-2021. Khu vực Sa Huỳnh bùng phát dịch dữ dội, bị phong tỏa, vì vậy, toàn bộ tàu thuyền không được rời bến đi làm. Đối với các ngư dân cho thuyền vào neo đậu bán cá thì cũng chung số phận. Tất cả ngư dân tá túc trên những con tàu neo đậu tại chỗ. Hằng ngày, các ngư dân nhắn tin mong mỏi ai cho ít rau, củ quả.

Phần lớn các tàu cá khi ra khơi đánh bắt đều không tiếp xúc vì ở giữa biển. Từ trước đến nay, tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 1 vụ 12 ngư dân trên tàu cá QNg94184TS bị mắc Covid-19, do ghé Hòn Rớ (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để tiếp nhiên liệu nên đã tiếp xúc nguồn lây.

“Đề nghị ngư dân lên bờ để test nhanh...” - anh Dương Thái Tân, cán bộ quản lý cảng cá Tịnh Kỳ gọi loa thông báo cho các ngư dân đang sửa lưới dưới tàu cá lên bờ đến gặp các nhân viên y tế. Dự kiến, phải test cho khoảng 650 người dân đang làm ăn, buôn bán tại cảng cá Tịnh Kỳ, sau đó, khoanh vùng, phun thuốc khử trùng rồi mới mở cảng cá trở lại. Ngay sau khi có tin test ngư dân, giá cá tại các bến cảng này tiếp tục rớt. Ngư dân Ngô Minh Chính cho biết, cá thóc giá 60 ngàn đồng/kg rớt xuống còn 30 ngàn đồng/kg, giá mực 220 ngàn đồng/kg, chỉ còn 160 ngàn đồng/kg.

Ngay khi tôi viết bài này, các ngư dân từng gặp tôi đã điện thoại nói vui “giờ coi như chưa vô bờ mà các tàu đã điện hỏi thăm, test xem giá cá còn rớt xuống đâu nữa”. Giá cá rớt 50%, thậm chí dưới 50% được một chủ nậu giải thích là “thị trường bán không trôi, xuất khẩu cá rất chậm”. Một người thu mua cá tên Hải cho biết: “Chúng tôi phải bao sân cho ngư dân, những tàu cá đã mua bán chung thủy, còn cá mang về phải trữ lạnh và bán dần, nếu dịch cứ kéo dài thì chủ tàu cũng đuối và người mua cá cũng khó theo nổi”.

Anh Sanh, một trong những doanh nghiệp buôn bán dầu, đá lạnh nhìn khung cảnh bảo hộ y tế đi lại thấp thoáng trong sân cảng và thốt lên: “Chết thiệt, hồi kia càng đông thì càng tốt, còn bây giờ mà càng đông là càng nguy cấp, nên phải đi thuê mướn mặt bằng khác để đặt nhà máy đá mới ổn thôi”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO