Biên phòng - Nhà văn Triệu Hoàng Giang (sinh năm 1989, dân tộc Dao, hiện công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn) vừa ra mắt tập truyện “Nghiệp rừng” (Nhà xuất bản Văn Học) với mong muốn góp tiếng nói bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã.
Nhà văn Triệu Hoàng Giang sinh ra ở bản Phiêng Lằm, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Anh đến với công việc viết văn khá sớm, có lẽ do ảnh hưởng của người cha yêu văn chương và cũng đã sáng tác một số bài thơ lục bát, thơ xưa.
Năm 2005, khi mới 16 tuổi, Triệu Hoàng Giang là lứa học viên đầu tiên tham gia trại sáng tác văn học thiếu nhi Hè do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn tổ chức. Từ đó, anh đã bắt đầu viết và sáng tác theo hướng chuyên nghiệp. Lúc đầu, anh viết những câu chuyện xung quanh cuộc sống những trải nghiệm của bản thân rồi sau đó tìm hiểu thêm tư liệu từ những câu chuyện của những người từng trải. “Quả ngọt” đã đến khi Triệu Hoàng Giang đang là sinh viên Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, anh cho ra đời tập sách đầu tay mang tựa đề “Chim đón dâu” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2009.
Với Triệu Hoàng Giang, viết truyện ngắn là truyền đi thông điệp những ý nghĩa mà bản thân người viết không thể nói ra. Các nhân vật trở thành người phát ngôn cho người viết. Cũng giống như nhiều nhà văn miền núi khác, Triệu Hoàng Giang mong muốn dùng ngòi bút để giới thiệu văn hóa, cuộc sống của người miền núi đến với bạn đọc, ở đó có những câu chuyện rất hay, rất cảm động mang đặc trưng của người miền núi nói chung và dân tộc Dao nói riêng. Anh cũng thừa nhận, hướng sáng tác của mình tập trung xây dựng các nhân vật người miền núi và những câu chuyện thật gần gũi với độc giả xung quanh cuộc sống của họ. Và các nhân vật là những đại diện tiêu biểu cho phong tục, đời sống văn hóa, con người vùng đất đó. Bởi thế, trong văn của anh, cách dùng từ và lối viết rất dung dị, gần gũi, dễ đi vào lòng người. Đó cũng là những điều mà người đọc cảm nhận thật rõ trong tập sách mới nhất của anh gần đây, mang tên “Nghiệp rừng”.
“Nghiệp rừng” là tập sách với 16 truyện ngắn được anh chọn lựa trong số nhiều tác phẩm của Triệu Hoàng Giang. Ở đó, người đọc có thể bắt gặp một số truyện ngắn mang những cái tên rất gợi, như: “Vía của rừng”, “Củ mài đá”, “Đuốc lửa”, “Hoa lửa”, “Hồn sấu”, “Puột Pu”, “Săn”, “Người trong bản”... và đặc biệt là truyện ngắn được lấy làm nhan đề cho tập sách này - “Nghiệp rừng”.
Truyện ngắn “Nghiệp rừng” kể về chàng thợ săn tên là Bàn Văn Dần trong một lần đi săn thú đã vô ý bắn chết người trong bản và bị đi tù. Chính trong thời gian ở tù, Bàn Văn Dần nhận ra lỗi lầm rằng, không thể “ăn” của rừng mãi mà phải “chuyển sang nuôi gà, nuôi lợn mới lâu dài được”. Đúng như thông điệp mà tác giả gửi gắm qua lời nói của Bàn Văn Dần: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Sự thực thì rừng là tài nguyên vô hạn và hơn hết, rừng và những loài thú sống trong rừng cần được bảo vệ, đó cũng chính là bảo vệ cuộc sống của con người trước những thiên tai, thảm họa môi trường có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Theo nhà văn Triệu Hoàng Giang thì tập “Nghiệp rừng” là thành quả của một quá trình sáng tác bền bỉ, lâu dài nhưng bản thân anh vẫn chưa thực ưng ý lắm. Với tinh thần cầu thị, ham học hỏi, anh cho rằng, lối viết của mình còn “non” và cần phải được va vấp, trải nghiệm nhiều hơn nữa.
Còn theo cảm nhận của người bạn học cùng thời đại học với anh, nhà thơ Lữ Mai (hiện công tác tại Ban Văn hóa Văn nghệ, Báo Nhân dân): “Khắc họa tâm lý nhân vật chỉ thông qua vài câu thoại ngắn là điểm mạnh của tác giả. Lấp lánh phía sau lối kể chuyện mạch lạc, sâu sắc, là nét trong sáng, nhân văn để người đọc luôn cảm nhận được tình đất, tình người hiện hữu. Ngay cả những nhân vật phản diện vẫn có đường lui thông qua nỗi ăn năn. Mỗi tác phẩm như một hoài niệm tha thiết và xa xăm về núi rừng với những rung động gần gũi mà sâu thẳm”.
Nối tiếp thế hệ nhà văn tiêu biểu người dân tộc Dao, như: Bàn Tài Đoàn, Triệu Kim Văn..., nhà văn Triệu Hoàng Giang đang được kỳ vọng sẽ làm “khởi sắc” mảng sáng tác về dân tộc Dao - một dân tộc với nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, đa dạng.
Ngô Khiêm