Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:23 GMT+7

Tập trung vào những nội dung đột phá tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ

Biên phòng - Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7-2020, Đại hội các tổ chức cơ sở Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ  BĐBP Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2020-2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sau đại hội, vấn đề lớn đặt ra là làm thế nào để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả nhất.

Đại tá Lê Văn Nguyên. Ảnh: Nguyễn Tý

Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là thể hiện bản lĩnh chính trị, sự quyết tâm của các cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ chính trị, xây dựng đơn vị và công tác xây dựng Đảng của toàn đảng bộ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “...Nghị quyết đã có, điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.

Đảng bộ BĐBP Thừa Thiên Huế có 20 tổ chức cơ sở Đảng và gần 600 đảng viên. Nhiệm kỳ 2015-2020, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP, lần thứ X, Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội đã xác định rõ chủ trương, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo đơn vị, phát huy kết quả đạt được nhiệm kỳ qua, khắc phục những hạn chế, tồn tại, tập trung đột phá vào những nội dung trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, cần thực hiện tốt những nội dung sau:

Cấp ủy ở các cơ quan, đơn vị trong toàn Đảng bộ cần khẩn trương chỉ đạo nghiêm túc việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đến từng tổ chức, từng cán bộ, đảng viên và quần chúng; nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, nhất là bí thư cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, phải thật sự thống nhất về quan điểm, nhận thức và quyết tâm cao trên cơ sở quán triệt đầy đủ Nghị quyết của Đảng, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết, đề án đã được tập thể cấp ủy, đại hội thông qua.

Đồng thời, chú trọng đề cao trách nhiệm đội ngũ báo cáo viên để nghị quyết thật sự thấm sâu vào trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng. Chú trọng chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết đại hội Đảng cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ, nhất là trong trạng thái mới.

Cụ thể hóa nghị quyết bằng việc xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện. Các chủ trương, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phải được cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch sát hợp với thực tiễn của các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị chiến đấu được xem là yếu tố quan trọng, là việc làm thường xuyên, quyết định để đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Cần nhận thức rõ, chương trình hành động, kế hoạch không phải là nghị quyết của cấp ủy cấp dưới để thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên; cũng không phải là “sao chép” lại nghị quyết của cấp trên rồi sửa lại một số ý để trở thành chương trình hành động, kế hoạch cấp mình. Chương trình hành động, kế hoạch phải nêu được những nội dung đề ra trong nghị quyết mà cơ quan, đơn vị, ngành cần triển khai thực hiện. Những nội dung này phù hợp với thực tế, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện, đồng thời, đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của cơ quan, đơn vị mình. Việc xây dựng và triển khai chương trình hành động, kế hoạch phải được thảo luận dân chủ, rộng rãi, bởi đó là những việc cần làm, sẽ làm của mỗi cơ quan, đơn vị.

Mặt khác, cần hướng dẫn cấp ủy cấp dưới xây dựng kế hoạch tuyên truyền chương trình hành động thực hiện nghị quyết; định kỳ hằng năm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình hành động, kế hoạch để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ, sao cho nghị quyết sớm đi vào cuộc sống thông qua các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và Hội đồng quân nhân các cơ quan, đơn vị trong việc quán triệt, học tập triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Cơ quan chính trị và cấp ủy các cơ quan, đơn vị cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo, xây dựng các chuyên mục “Đưa Nghị quyết của Đảng vào trong cuộc sống”.

Tổ chức tuyên truyền thực hiện Nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân trên địa bàn biên phòng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi đây là một khâu quan trọng để chuyển tải nội dung cốt lõi của nghị quyết đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu kỹ, thấu đáo nội dung các nghị quyết, từ đó, thực hiện và vận dụng sáng tạo nội dung các nghị quyết vào tình hình thực tế cơ quan, đơn vị, thúc đẩy quá trình đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra việc thực hiện nghị quyết. Đảng ta đã khẳng định lãnh đạo phải có kiểm tra, không có kiểm tra coi như không có lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhận xét: “Chín phần mười khuyết điểm của chúng ta là do thiếu sự kiểm tra”.

Để việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghị quyết không mang tính hình thức, đối phó, cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cả trong và sau quá trình học tập các nghị quyết của Đảng. Nội dung kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực như: Việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch của cấp ủy; kế hoạch tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết (thời gian, nội dung, tài liệu...); số lượng cán bộ, đảng viên, quần chúng tham gia học tập; số lượng, chất lượng bài thu hoạch...

Mục đích của sự kiểm tra là làm cho Nghị quyết của Đảng được thực hiện đúng trong cuộc sống, kịp thời uốn nắn nhận thức sai trái, lệch lạc; có hình thức xử lý nghiêm đối với những đảng viên không chấp hành tham gia học tập nghị quyết; những đảng bộ, chi bộ tổ chức học tập không nghiêm túc, tỷ lệ đảng viên tham gia học tập, chất lượng thảo luận, viết thu hoạch thấp; không thực hiện nghiêm túc, chu đáo việc tuyên truyền, phổ biến nghị quyết cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, kiểm tra không chỉ ở những nơi làm chưa tốt, mà còn ở những nơi làm tốt để nhân rộng cho nơi khác học tập, phát hiện, biểu dương, nhân rộng cái đúng, cái mới, cái tiến bộ.

Chú trọng hơn nữa khâu sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nghị quyết. Kịp thời đánh giá, bổ sung ngay trong quá trình triển khai hoặc sau một khâu của cả quá trình thực hiện nghị quyết những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống.

Trong quá trình sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cần có thái độ thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào sự thật, khẳng định những việc đã thực hiện được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục, tháo gỡ. Đánh giá sát, đúng thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm, phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả, những điển hình tiên tiến để biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng. Như vậy thì mới có hiệu quả tốt hơn trong việc triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào trong cuộc sống.

Đại tá Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế

Bình luận

ZALO