Biên phòng - Nắng nóng kéo dài, nhiều ngày không có mưa khiến cho nhiều địa phương khu vực Nam Trung bộ đã phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán. Hàng chục nghìn hộ dân đã bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt, hàng chục nghìn héc ta đất canh tác nông nghiệp bị chết cháy hoặc bỏ không do thiếu nước tưới.
Hàng nghìn héc ta đất canh tác phải dừng sản xuất
Theo thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa, nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay khiến cho mực nước các sông và hồ chứa xuống thấp. Tính đến ngày 15-5, tổng dung tích trữ nước tại 31 hồ chứa là 96 triệu m3 (đạt 39% so với dung tích thiết kế). Do tình hình nắng nóng kéo dài, hồ Cây Sung, ở xã Diên Tân, huyện Diên Khánh sụt giảm nguồn nước nên đã bị thiệt hại khoảng 35ha lúa; đập dâng Đồng Tròn - Phước Mỹ đã phải thực hiện bơm chống hạn 270ha, đập Giỏ Tá thực hiện bơm chống hạn 105ha; vùng hạ du hồ Đá Đen, xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh phải thực hiện chống hạn cho khoảng 40ha.
Theo dự báo, từ nay đến hết tháng 8-2020, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Tổng lượng mưa ở Khánh Hòa đạt mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ với mức thiếu hụt từ 10 - 40%. Lưu lượng dòng chảy trên các sông, suối thiếu hụt từ 40-60% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Trên các sông, suối trong tỉnh Khánh Hòa có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc, một số sông, suối nhỏ xảy ra tình trạng tắt dòng.
Sau khi kết thúc lúa vụ Đông Xuân 2019-2020, dung tích các hồ chứa tại Khánh Hòa sẽ chỉ còn xấp xỉ khoảng 35% (khoảng 87,5 triệu m3), chỉ đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân và tưới cho 4.460ha, trong đó, dự kiến sẽ có 1.520ha phải bơm chống hạn cuối vụ. Diện tích phải ngừng sản xuất là 14.480ha/20.200ha.
Từ tháng 11-2019 đến nay, tỉnh Ninh Thuận không có mưa, mực nước trên các sông, suối ở mức thấp hơn xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng kỳ, tình trạng khô hạn thiếu nước xảy ra nghiêm trọng ở những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đã công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán là cấp độ 3. Theo thống kê của ngành chức năng, từ ngày 15-11-2019 đến nay, địa phương này không có mưa. Tính đến ngày 15-5, mực nước tại 21 hồ chứa nước toàn tỉnh hiện ở mức có 24,99 triệu m3, chiếm 12,84% tổng dung tích, đạt mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Nhiều hồ chứa nước tiếp tục dưới mực nước chết.
Tình hình khô hạn diễn ra gay gắt, kéo dài đã làm hơn 200ha đất canh tác vụ Đông Xuân 2019-2020 bị thiệt hại, hơn 7.800ha đất phải dừng sản xuất, hàng trăm hộ dân đã bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Dự kiến, đến tháng 6-2020, trời không mưa, có khả năng 12.156 hộ/49.475 khẩu sẽ bị thiếu nước sinh hoạt; khoảng 110.000 con gia súc (bò, dê, cừu) trong vùng hạn sẽ không còn thức ăn, nước uống. Diện tích phải dừng sản xuất, không sản xuất được là 15.360ha.
Tình trạng hạn hán cũng diễn ra gay gắt tại Bình Thuận. Nhiều tháng không có mưa kết hợp với nắng nóng kéo dài đã khiến địa phương này buộc phải cắt giảm 15.000ha lúa trong vụ Đông Xuân 2019-2020. Trên 25.000 hộ dân với gần 93.000 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt. 13.000ha thanh long ở Bình Thuận sẽ chết khô nếu không được cấp nước tưới.
Cũng trong tình trạng tương tự, khô hạn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương khác, trong đó, Phú Yên có 5.600ha, Quảng Nam 3.100ha, Quảng Ngãi 3.000ha, Bình Định hơn 4.000ha. Hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt (tỉnh Quảng Nam có 23.000 hộ; Quảng Ngãi 11.600 hộ; Bình Định 10.100 hộ; Phú Yên 6.800 hộ và Khánh Hòa 300 hộ).
Triển khai các biện pháp cấp bách chống hạn
Trước tình trạng hạn hán đang diễn ra gay gắt, các địa phương Nam Trung bộ đang thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng ngân sách địa phương triển khai ngay các biện pháp để kịp thời giải quyết nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Lựa chọn giải pháp và tổ chức triển khai ngay các dự án, công trình cấp bách đã được phê duyệt đầu tư và bố trí vốn trong năm 2020 để kịp thời cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân các khu vực bị thiếu nước nghiêm trọng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi; vận hành hết công suất các nhà máy nước, giải quyết tình trạng thiếu nước cục bộ ở các hộ khu vực cuối các tuyến ống lấy nước của nhà máy. Vận hành, điều tiết công trình thủy lợi ưu tiên không để thiếu nước cho các nhà máy nước theo kế hoạch ít nhất đến ngày 30-6-2020. Cân đối nguồn nước xả sau thủy điện Đại Ninh điều tiết giải quyết tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho sinh hoạt, chăn nuôi và trồng cây thanh long trên địa bàn 2 huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Tiếp tục lắp đặt bồn tạm, bể chứa nước sạch cung cấp cho các khu vực tập trung đông dân cư; sử dụng xe bồn chở nước sạch cấp nước lưu động cho người dân tại các vùng, khu vực thiếu nước.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong các tháng tới, nếu không xuất hiện mưa trên địa bàn, toàn tỉnh sẽ có gần 26.000 hộ dân với hơn 100.000 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt, hơn 14.000ha đất nông nghiệp phải bỏ vụ.
Trong khi đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao các địa phương lên phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân. Cụ thể, huyện Vạn Ninh và thành phố Cam Ranh tổ chức mua và vận chuyển nước cho người dân trên đảo thuộc 2 xã Vạn Thạnh, Cam Bình. Duy tu, sửa chữa 6 giếng khoan được thực hiện năm 2016 và khoan thêm 20 giếng nước tại các thôn dự báo thiếu nước. Thị xã Ninh Hòa sẽ đào thêm giếng, tăng cường các phương tiện vận chuyển để cấp nước tại khu vực chưa có mạng lưới cấp nước. Thành phố Cam Ranh xây dựng thêm vòi nước công cộng, chở nước từ nơi khác đến các vùng hạn. Huyện Diên Khánh sẽ tổ chức mua nước cấp cho khoảng 11.000 hộ dân các xã khu vực thiếu hụt nguồn nước. Huyện Cam Lâm cải tạo đường ống cấp nước, khoan giếng, xây 30 bể chứa để cung cấp nước sinh hoạt. Huyện Khánh Vĩnh khoan giếng công cộng tại các vùng thiếu nước, xa công trình cấp nước tập trung. Huyện Khánh Sơn cũng lên phương án mua túi bạt chứa nước loại lớn để tích trữ nước phục vụ người dân.
Thu Hằng