Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Tập trung ứng phó với các hình thái thiên tai sẽ xảy ra trong 10 ngày tới

Biên phòng - Trước diễn biến khó lường của bão số 7 và mưa lũ lớn, sáng nay, 10-10, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) đã họp khẩn để triển khai các biện pháp ứng phó dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp. Ảnh: Thanh Vân

Bão số 7 suy yếu, bão số 8 sắp tới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, dự kiến chiều nay sẽ đổ bộ vào khu vực Hải Phòng đến Thanh Hóa sau khi đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trong khi hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 đã và đang gây mưa lớn ở các tỉnh Đông Bắc Bộ thì cơn bão Kompasu ở phía Đông Philippines đang di chuyển rất nhanh, dự báo khoảng đêm 11-10 đến sáng 12-10 đi vào Bắc biển Đông và trở thành cơn bão số 8.

Dự báo, đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển (cấp 10-11), di chuyển nhanh (25km/h) và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc bộ và phía Bắc của Trung bộ trong khoảng ngày 13 và14-10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong giai đoạn từ ngày 13 tới 15-10. Sau đó, ngày 16 và 17-10 sẽ xuất hiện một áp thấp nhiệt đới hoặc bão khác trên Biển Đông.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, cơn bão số 7 diễn biến phức tạp, hình thành từ ngày 5-10. Ban đầu, cơ quan dự báo bão sẽ ảnh hưởng đến khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, nhưng hiện nay bão lại ngược lên phía Bắc, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa.

Ông Hoài cho biết thêm, mặc dù bão số 7 được đánh giá không mạnh nhưng các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt để ứng phó. Cụ thể, các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho hơn 61.000 phương tiện, với gần 280.000 lao động từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.

8 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã cấm biển. Các tỉnh đã tổ chức chằng chống, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản và sơ tán người dân đến nơi an toàn. Về sản xuất nông nghiệp, đến ngày 10-10, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã thu hoạch 443.000/624.422 ha lúa, hiện còn 54.000 ha đã đến thời kỳ thu hoạch. Hiện các tỉnh tiếp tục chỉ đạo thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT thông tin, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân tình huống bão mạnh đổ bộ (Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: hơn 41.000 hộ với hơn 151.000 người; Quảng Bình đến Phú Yên: hơn 71.000 hộ với 256.000 người).

Do ảnh hưởng của mưa bão, tại tỉnh Quảng Nam đã có 1 người chết do bị lũ cuốn trôi (bà Hồ Thị Chín, sinh năm 1956 ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên); 25ha hoa màu bị ngập úng, 7 gia súc bị lũ cuốn trôi.

Tại tỉnh Thái Bình, hồi 5 giờ ngày 9-10, 1 tàu/9 lao động của Thái Bình bị chìm cách cửa sông Trà Lý 300m làm 1 người chết. Lực lượng chức năng đã cứu được 8 người còn lại.

Đảm bảo an toàn cho người về quê tránh dịch

Một nội dung được ông Hoài nhấn mạnh tại cuộc họp đó là hiện dòng người hồi hương bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch có thể sẽ gặp nguy hiểm khi nhiều tỉnh đã có mưa lớn do bão số 7.

Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, theo báo cáo của các địa phương từ ngày 5 đến 10-10, có hơn 26.000 người dân lao động ở phía Nam di chuyển dọc tuyến đường Trường Sơn và Quốc lộ 1.

Theo Đại tá Nguyên, hiện nay do hạn chế trong việc tiếp cận thông tin nên nhiều người dân vẫn di chuyển về quê khi có mưa bão. Từ ngày 5 đến 10-10, trên tuyến quốc lộ 1 qua Hà Nam có có 49 đoàn/5.709 người, đáng chú ý có 1.892 người dân đi bộ (có 153 trẻ em), điều này rất nguy hiểm khi bão vào kèm theo mưa, vừa đói, vừa rét.

"Lực lượng công an rất trăn trở và suy nghĩ việc này nên đã sử dụng xe để đưa bà con vào một số nhà văn hóa. Khi bão vào, chúng tôi yêu cầu công an trên các chốt dừng toàn bộ hoạt động đi lại, đặc biệt là người dân từ phía Nam về" - Đại tá Nguyên cho hay.

Dự báo, thời tiết xấu còn kéo dài tại khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong khoảng 10 ngày tới, do đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã có văn bản gửi các địa phương để thông báo cho người dân, đảm bảo an toàn cho bà con trong quá trình di chuyển về quê tránh dịch.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Ban Chỉ đạo đã có công văn gửi tới các tỉnh Bình Dương, Long An... và thành phố Hồ Chí Minh - nơi có lượng công nhân, lao động các tỉnh lớn, để thông báo cho bà con nắm được diễn biến thời tiết trong 10 ngày tới.

"Không cấm bà con về quê, nhưng thông báo cho bà con nắm được thông tin thời tiết 10 ngày tới, từ đó để bà con có thể lùi thời điểm về quê nhằm tránh được rủi ro thiên tai", ông Hiệp nói.

Về việc dòng người hồi hương đúng thời điểm có bão, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị phải giao trách nhiệm cho các địa phương để có giải pháp thật cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho bà con.

Chuẩn bị thật tốt phương án ứng phó với bão số 8

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão số 7 đạt kết quả tốt. Theo Phó Thủ tướng, Đến thời điểm này vùng ảnh hưởng bão số 7 đã vào một số địa phương, chúng ta đã chỉ đạo kịp thời, kêu gọi tàu vào bờ tránh trú an toàn nên không có thiệt hại lớn. "Tôi đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo và các địa phương" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đang di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Phó Thủ tướng lưu ý cần chú trọng công tác dự báo dù đây là việc khó. Tuy nhiên, không dự báo quá và cũng không dự báo thấp hơn để người dân tin và làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không được chủ quan và phải chuẩn bị thật tốt phương án ứng phó với bão số 8 được đánh giá cường độ mạnh hơn và đi nhanh hơn. Do đó, cần có giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công trình đê điều, rà soát các điểm xung yếu.

Đẩy sớm lưu thông đường bộ, đường sắt, sớm hơn 1-2 ngày. Phó Thủ tướng yêu cầu, chiều nay (10-10) ban hành công điện gửi các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi 2 ngày phải cho tàu hỏa và phương tiện đường bộ (hoạt động liên tỉnh) hoạt động.

Phó Thủ tướng nói, vừa qua, các cán bộ công an rất vất vả, xử lý nhiều việc cho bà con nhân dân từ các tỉnh có dịch ra phía Bắc rất tốt. Nhưng hiện nay lượng người rất nhiều người đang đi xe máy, đi bộ thì phải có giải pháp phối hợp chặt chẽ với các địa phương trước khi bão số 8 vào.

Các địa phương phải công bố hàng ngày, hàng giờ thông báo làm sao để bà con biết về cơn bão, vùng bão đổ bộ để bà con dừng lại. Giao các địa phương mời người dân về nhà văn hóa, khi bão qua thì mời bà con di chuyển. Trong điều kiện tiền, lương thực đều không còn mà gặp bão thì dứt khoát phải hỗ trợ, đảm bảo cho bà con về quê.

Xây dựng kịch bản ứng phó với bão lũ trong 10 ngày tới

Trước diễn biến bão số 7 và các đợt bão, lũ dồn dập, kéo dài trong thời gian tới, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo an toàn, tránh chủ quan và điều chỉnh linh hoạt các hoạt động sản xuất cho phù hợp trong 10 ngày tới, Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT đề nghị các địa phương, ban, ngành liên quan tập trung: Theo dõi sát diễn biến thiên tai, thời tiết, Ban chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản ứng phó với bão, lũ trong 10 ngày tới.

Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng tình huống bị chia cắt. Rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, khu vực khai thác khoáng sản; các trang trại chăn nuôi tập trung. Dừng các công trình đang thi công để đảm bảo an toàn về người và phương tiện.

Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão và dịch Covid-19.

Ban chỉ đạo cũng đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện; nghiên cứu, điều động 1 tàu cứu nạn hàng hải thường trực tại khu vực Cửa Lò (Nghệ An) để sẵn sàng tìm cứu nạn khi có yêu cầu.

Các địa phương ven biển cần tập trung thông tin, hướng dẫn tàu thuyền không ra khơi hoặc có kế hoạch sản xuất phù hợp; kiểm soát không để người dân trở lại khu nuôi trồng thủy sản vào ban đêm sau khi đã sơ tán. Bảo vệ hệ thống đê biển xung yếu, khu vực sạt lở.

Khu vực đồng bằng tập trung trung ứng phó với mưa lũ lớn. Trong đó, đảm bảo an toàn dịch Covid-19 và sơ tán dân theo hướng xen ghép tại chỗ; tiêu nước đệm, sẵn sàng vận hành hệ thống bơm tiêu bảo vệ sản xuất và chống ngập tại các đô thị. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch diện tích lúa đã chín, sản xuất vụ Đông.

Đảm bảo an toàn giao thông; thông tin cho người dân di chuyển từ phía Nam ra Bắc đảm bảo an toàn chống dịch Covid-19 biết thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó; các địa phương có phương án hỗ trợ người dân ăn nghỉ và trú tránh khi có yêu cầu.

Khu vực miền núi cần tập trung ứng phó lũ quét, sạt lở đất. Rà soát, sẵn sàng di dời các hộ dân vùng nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét. Bố trí lực lượng ứng trực, sẵn sàng vận hành các hồ chứa, nhất là các hồ đã đầy nước, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Triển khai lực lượng xung kích cơ sở ứng phó với mưa lũ, nhất là với việc khơi thông dòng chảy khu vực bị tắc nghẽn.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO