Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Tập trung tối đa cho công tác khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng lũ miền Trung

Biên phòng - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương, bộ ngành, tận dụng tối đa thời gian ngớt mưa, chân triều ở mức thấp (trong ngày 15 và 16-10), tập trung tối đa cho công tác phục hồi đời sống nhân dân vùng lũ và tìm kiếm cứu nạn tại Rào Trăng 3. Hiện, 212 xã bị ngập nước trong đợt mưa lũ vừa qua, cơ bản nước đã rút. Do đó, nước rút đến đâu cần tập trung dọn vệ sinh, khôi phục sản xuất đến đó. Đồng thời, chuẩn bị tích cực nhất để ứng phó với tác động của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 8.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì buổi họp. Ảnh: Bích Nguyên

Nhiều hình thái thời tiết dị thường đổ xuống miền Trung

Sáng 15-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và khắc phục hậu quả khắc phục mưa lũ tại miền Trung.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong vòng 15 ngày qua đã xuất hiện nhiều hình thái thiên tai bất lợi. Miền Trung trải qua bão số 5, áp thấp nhiệt đới, bão số 6, hứng chịu một đợt mưa lũ lớn rồi bão số 7. Không chỉ vậy, hiện giờ áp thấp nhiệt đới, có thể mạnh lên thành bão đang hướng thẳng vào vùng biển các tỉnh miền Trung.

“Các hiện tượng dị thường trùng lặp cùng một thời điểm, phạm vi gây hại vào vùng trọng điểm là vùng Trung Bộ, một vùng rất dễ tổn thương, hẹp, dốc, nhiều sông. Chúng ta đã cố gắng lớn, ứng phó trong 15 ngày qua, bây giờ tiếp tục phải chuẩn bị tinh thần các bước ứng phó nếu xảy ra bão số 8 và các hình thái thời tiết dị thường khác trong thời gian tới” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Huy động tối đa lực lượng, phương tiện cứu hộ tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3

Liên quan đến công tác tìm kiếm người mất liên lạc ở khu vực Trạm kiểm lâm số 67 và nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, việc tìm kiếm cứu nạn ở khu vực này được thực hiện theo phương châm chỉ đạo với quyết tâm nhất, khẩn trương nhất, với tiến độ nhanh nhất và huy động phương tiện tốt nhất. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4 và Quân khu 5 huy động khoảng 8.000 người, 219 ô tô tham gia giúp dân và tìm kiếm cứu hộ tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Phương án tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở khu vực trên theo 3 hướng: Trên không, thủy nội địa và trên đất liền.

“Về không quân chúng tôi đã huy động 3 trực thăng vừa trinh sát nhằm phối hợp với lực lượng mặt đất để tổ chức san gạt các điểm sạt lở, giải phóng mặt đường vào hiện trường để cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, lực lượng không quân còn thả hàng cứu trợ cho nhân dân bị chia cắt. Đến hết ngày 14-10, lực lượng cứu hộ đã vào được Rào Trăng 4 đưa 24 người ra ngoài an toàn, trong đó có 5 người bị thương và 1 thi thể công nhân tử nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 được đồng nghiệp đưa về Rào Trăng 4 trước đó. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với nhà máy thủy điện A Lin B2 - nơi có 14 người mất liên lạc từ ngày 12-10. Cả 14 người ở đây, tất cả đều an toàn.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, lúc 10 giờ ngày 14-10, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được Trạm kiểm lâm số 67 và tiến hành tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Hiện nay, lực lượng cứu hộ tiếp tục san gạt đường để vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Lực lượng tham gia cứu hộ khoảng 1.000 người, trong đó có 600 bộ đội với khoảng 200 phương tiện để tìm kiếm cứu nạn những người mất tích. Hi vọng trong thời gian ngắn nhất, chúng ta sẽ tìm thấy những người còn mất tích”- Đại tá Nguyễn Xuân Dũng nói thêm.

Miền Trung sẽ có mưa kéo dài tới ngày 20-10

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hoàn lưu của bão số 7 kết hợp với gió Đông gây không khí lạnh đang tràn xuống sẽ tiếp tục gây mưa cho khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Trong khi đó, hiện có một dải hội tụ nhiệt đới vẫn bắc qua Trung Trung Bộ. Từ ngày 16 đến 17-10, không khí lạnh sẽ vào tới Trung Trung Bộ (tới vĩ tuyến 15) với cường độ khá mạnh. Ngoài ra, áp cao cận nhiệt đới tiếp tục lấn về phía Tây tiếp tục tạo nhiễu động gió Đông trên cao.

Hiện, một áp thấp nhiệt đới đã xuất hiện trên biển Đông. Hồi 1 giờ ngày 15-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 121,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực miền Trung Philippines; sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc (20km/h) và có khả năng lên thành bão trong ngày 16-10. Đến chiều 17-10 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung Bộ.

Theo ông Khiêm, sự kết hợp của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới hiện đang ở trên biển Đông với 3 hình thái khí tượng trên sẽ gây mưa lớn diện rộng ở khu vực miền Trung, từ chiều tối 15-10 kéo dài đến ngày 20-10.

Cụ thể từ ngày 17 đến 19-10 có thể xuất hiện mưa lớn tại Hà Tĩnh, Quảng Bình với lượng mưa 400-700mm. Từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế lượng mưa là 300-500mm, có nơi trên 500mm. Từ Đà Nẵng vào Phú Yên là 200mm. Mưa ở Quảng Nam sẽ kết thúc sớm hơn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

Ông Khiêm cho biết, theo dự báo xa của các đài nước ngoài, từ ngày 21 đến 23-10, Bắc Trung Bộ lượng mưa được khống chế bởi không khí lạnh và gió Đông với lượng từ 50-100mm.

Các hồ chứa đang được giảm mực nước để đón lũ đợt mưa tới

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng ban, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, hiện nay, các cơ quan chức năng đang theo dõi kỹ lưu lượng nước trong các hồ chứa Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang để vận hành hiệu quả và hợp lý. Hiện, các hồ này cơ bản mực nước đang ở dưới mức nước đảm bảo an toàn cho hồ chứa.

Hiện, các hồ chứa trên lưu vực Sông Mã đạt từ 67 tới 80% dung tích thiết kế. Trong đó, 2 hồ lớn là Cửa Đạt (Xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nước đang thấp hơn mực nước thiết kế 16m và hồ Trung Sơn (Thanh Hóa) mực nước hiện tại thấp hơn mực nước thiết kế 10m.

Trên lưu vực sông Hương, các hồ chứa cơ bản đầy nước, đang xả 350-700m3/s để đưa về mực nước đón lũ. Theo dự báo, nếu lượng mưa từ 700mm trở lên trong những ngày tới thì sẽ phải vận hành hồ Bình Điền và Hương Điền để xả lũ.

Trên lưu vực vực sông Cả, các hồ Bản Vẽ, Khe Bố đạt 90% dung tích thiết kế, riêng hồ Ngàn Trươi đạt 64% dung tích thiết kế. Lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, các hồ lớn cơ bản đã đầy nước và đang xả tràn. Khu vực Vu Gia Thu Bồn như A Vương đã đến mực nước dâng bình thường, nếu mưa lớn thì phải vận hành xả lũ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, nhờ vận hành hợp lý các hồ chứa, nhất là vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Bồ mà trong đợt mưa lũ vừa qua đã cắt lũ được 3 lần, giảm mức ngập cho thành phố Huế gần 1m nước.

Chăm lo quản trị hệ thống hồ để đảm bảo an toàn trong mưa lũ

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, sắp tới sẽ có một đợt mưa mới tại Bắc Trung bộ, một số tỉnh ven biển của Đồng bằng Sông Hồng. Một số tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc sẽ có mưa nhỏ nhưng không được chủ quan, phải theo dõi chặt chẽ hồ chứa nước đặc biệt là hồ thủy điện. “Công việc cần làm trước là chăm lo quản trị hệ thống hồ trước hết là hồ thủy điện nhánh sông Đà và Thác Bà, sau đó là hồ thủy lợi. Đảm bảo an toàn tuyệt đối hồ chứa và dự trữ được nước phục vụ cho mùa khô năm sau” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hướng dẫn giảm thiểu thiệt hại nhất đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ nuôi trồng thủy sản nội đồng và nuôi biển. Tổng rà soát lại để không để diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng. Tổng rà soát lại xem hệ thống thiết chế hạ tầng để khắc phục ngay những hư hỏng, chuẩn bị ứng phó với các đợt thiên tai khác.

Đồng thời, tập trung tuyên truyền cho người dân để không xảy ra hậu quả thiệt hại về người ở vùng miền núi khi có mưa lũ.

Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có phương án ứng phó với mưa lũ đặc biệt là kiểm tra hồ chứa thủy lợi và hồ thủy điện. Rà soát, điều hành tạo dung tích để cắt lũ trong thời gian tới. "Điều hành ứng phó với thiên tai cần thống nhất chỉ đạo thực hiện phương châm “4 tại chỗ” cần được thực hiện triệt để bởi xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, vì “nước xa không cứu được lửa gần”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO