Biên phòng - Ngày 2-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2019.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp thường kỳ tháng 3-2019, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý 1-2019; tình hình thực hiện các Nghị quyết số 01, 02, 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và một số báo cáo khác liên quan đến cải cách hành chính quý 1-2019; việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý 1-2019… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo là cần tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên các vấn đề xã hội gây bức xúc trong dư luận. Trong thời gian qua, nổi lên nhiều vấn đề xã hội nổi cộm như vụ việc ở chùa Ba Vàng, tình trạng bạo lực học đường, tình trạng buôn bán ma túy với số lượng lớn, trong đó 3 vụ vừa triệt phá tổng cộng tới hơn 1 tấn, dịch bệnh trên người và gia súc lây lan ra nhiều địa phương...
“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là mặc dù kinh tế vô cùng quan trọng nhưng cần thảo luận rõ nét hơn về các vấn đề xã hội để thực hiện đúng mục tiêu kinh tế phát triển bền vững, bao trùm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tập trung nỗ lực vượt bậc để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục” - Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đều được dự báo tăng chậm lại, cùng với trong nước những rủi ro về dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu tiêu cực, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên… Chính phủ đã có các giải pháp nên GDP quý 1-2019 đạt ở mức cao, tăng 6,79%. Đây là mức tăng cao, thể hiện kinh tế trong nước đang tiếp tục ổn định hơn, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng rõ nét hơn, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2019 giảm 0,21%% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8,7%). CPI bình quân quý 1-2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (quý 1: năm 2015 tăng 9,3%; năm 2016 tăng 8,2%, năm 2017 tăng 5,1%, năm 2018 tăng 12,7%), trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 11,1%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 5,1% so với cùng kỳ (cao nhất trong 9 năm trở lại đây). Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12% (cùng kỳ 2018 là 9,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9%, cao hơn mức 8,9% của cùng kỳ năm 2018. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 7%.
Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tháng 3-3019 ước đạt 22,40 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%. Vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD tăng 30,9% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD tăng 6,2%. Đặc biệt, đời sống dân cư nhìn chung ổn định, thiếu đói trong dân giảm đáng kể; tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp 2,17%.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội cũng nổi lên một số vấn đề: Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với quý 1-2018. Vốn Trung ương quản lý giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn châu Phi, tình hình hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm. Khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng chậm lại…
Thủ tướng chỉ đạo các bộ phải giải trình và có giải pháp mạnh để khắc phục tình trạng trên.
Viết Hà