Biên phòng - Sáng 4-6, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2021 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, TKCN.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo báo cáo của Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2020, thiên tai (TT) diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Cả nước ghi nhận 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long…
TT đã làm 357 người chết và mất tích; hơn 3.400 nhà sập, trên 333.000 nhà bị hư hại, tốc mái; nhiều diện tích lúa và vật nuôi của nhân dân bị hư hại, cuốn trôi. Tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: Năm 2020, TT xảy ra dồn dập, liên tiếp gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đối với công tác PCTT&TKCN của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nên đã giảm thiểu được thiệt hại do TT gây ra. Góp phần trong nỗ lực ấy có sự tham gia tích cực của lực lượng quân đội, công an, các cơ quan thông tấn báo chí và chính quyền, nhân dân các địa phương.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chia sẻ những đau thương mất mát, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra đối với các địa phương và nhân dân cả nước trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo PCTT như nguồn lực đầu tư cho PCTT, TKCN còn thấp; thiếu phương tiện chuyên dùng trong TKCN. Công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau TT, còn chậm do thiếu nguồn lực... Sự lãnh đạo, chỉ đạo trong PCTT có lúc có nơi chưa được kịp thời, quyết liệt, một số nơi còn chủ quan, chưa nhận thức được tính phức tạp, nguy hiểm của TT.
Theo Phó Thủ tướng, xu thế biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra TT ngày càng gia tăng, bất thường, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả TT cần phải được quan tâm toàn diện hơn, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là quyết tâm cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại do TT gây ra trong năm 2021” - Phó Thủ tướng nói. Để công tác PCTT&TKCN hiệu quả hơn nữa cần ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác dự báo, đầu tư cho các lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó hậu quả TT, xử lý các trọng điểm về đê điều, các công trình chống sạt lở bờ biển, bờ sông, phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, khắc phục hậu quả TT.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các sông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2; các sông ở Yên Bái, Ninh Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức báo động 2-báo động 3, lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị.
Bích Nguyên